Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phải có đột phá về chính sách

Đan Nhiễm| 09/09/2016 07:47

(HNM) - Việt Nam có những lợi thế rất lớn để phát triển nông nghiệp, nhưng lại đang thiếu lực lượng chủ công, quan trọng nhất để phát triển nông nghiệp. Đó là hệ thống các doanh nghiệp (DN) nông nghiệp.

Tại Nghị quyết 01/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2016, Chính phủ đã yêu cầu phải “tạo mọi điều kiện để DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn”. Tuy nhiên, thống kê mới nhất cho thấy, DN đầu tư vào nông nghiệp hiện chỉ chiếm 1% tổng số DN trên cả nước và hầu hết là có quy mô nhỏ, siêu nhỏ.

Nguyên nhân chính của tình trạng trên là tỷ lệ sinh lời của nông nghiệp ít, hay rủi ro vì thiên tai lũ lụt và khả năng tiêu thụ sản phẩm hạn chế cho nên nhà đầu tư không muốn tham gia vào lĩnh vực này. Trong khi đó, nhiều DN quan tâm, muốn đầu tư vào nông nghiệp nhưng gặp vướng mắc, trong đó cản trở lớn là đất đai, tiếp cận vốn... Chính sách bảo hiểm nông nghiệp mới chỉ dừng ở thử nghiệm, chưa rõ dấu hiệu sẽ được triển khai đại trà.

Do đó, vấn đề mấu chốt là phải sớm có đột phá về chính sách đất đai để tích tụ đất vào những người sản xuất kinh doanh giỏi, tạo điều kiện cho các DN đầu tư vào nông nghiệp. Đồng thời, ngoài diện tích đất trồng lúa cần giữ để bảo đảm an ninh lương thực, thì đất đai trong nông nghiệp phải sử dụng linh hoạt theo tín hiệu nhu cầu của thị trường, gắn với các loại cây trồng giá trị kinh tế cao và thủy sản. Có như thế mới xây dựng được những vùng chuyên canh và thu hút DN đầu tư. Ngoài ra, để nông dân - người chủ thực sự của sản xuất nông nghiệp - “sống khỏe” bằng đồng ruộng thì rất cần nghiên cứu chính sách khuyến khích người nông dân góp cổ phần bằng quyền sử dụng đất ruộng dài hạn với DN.

Cùng với đó, cần khẩn trương thực hiện quy hoạch chi tiết tổng thể ruộng đất, vùng nuôi trồng nguyên liệu. Đồng thời, tổ chức lại hệ thống phân phối theo cơ chế thị trường, tạo điều kiện cho người nông dân mua vật tư nguyên liệu với giá cả hợp lý, giảm bớt tối đa phải thông qua nhiều tầng nấc trung gian làm giá thành tăng cao như hiện nay bằng cách tổ chức nhiều sàn giao dịch vật tư nông nghiệp công khai tại các vùng sản xuất nông sản phẩm trọng điểm…

Tiếp đến, Nhà nước cần chủ động hỗ trợ phát triển các DN nông nghiệp. Trong đó, cần chú ý tới vấn đề nguồn vốn dài hạn, lãi suất thấp. Vì hiện nay, do quy mô nhỏ bé, nhiều DN không tiếp cận được các nguồn vốn vay của ngân hàng, nhất là các DN nhỏ bởi phương án kinh doanh chưa khả thi, khả năng tài chính yếu chưa đủ điều kiện thế chấp và tín chấp đối với khoản vốn xin vay...

Cùng với đó, cần giảm chi phí đầu vào cho DN đầu tư nông nghiệp như: DN chỉ trả một lần tiền thuê mặt bằng đất, bình đẳng như DN thuê đất trong các khu công nghiệp. Về hỗ trợ đầu ra sản phẩm, Nhà nước cần hỗ trợ kinh phí cho xây dựng đăng ký thương hiệu, chỉ dẫn địa lý nông sản. Nhà nước cũng nên xem xét hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm đối với nông sản mà DN sản xuất, kinh doanh; hoặc hình thành quỹ phòng chống rủi ro, hỗ trợ ứng phó biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh.

Mặt khác, cần đổi mới chính sách hỗ trợ DN gắn với xây dựng nông thôn mới như thuế, chính sách lãi suất theo cơ chế hoàn trả… Đổi mới cơ chế đào tạo người nông dân trên nhiều phương diện, đặc biệt là trong kỹ thuật sản xuất.

Vài năm gần đây, việc các tập đoàn kinh tế có tiềm lực như: Hoàng Anh Gia Lai, TH, Dabaco, VinGroup, Hòa Phát… đầu tư vào sản xuất nông nghiệp đã góp phần hình thành nên những chuỗi giá trị lớn trong sản xuất. Nhưng về cơ bản chưa cho thấy tác động rõ nét đối với nền kinh tế.

Tóm lại, chúng ta không thể giải quyết bền vững các vấn đề của nông nghiệp nếu thiếu các DN nông nghiệp. Rộng hơn thế, phát triển các DN nông nghiệp là giải pháp rất quan trọng cho Việt Nam, không chỉ trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn mà còn đóng vai trò lớn trong việc bảo đảm an sinh xã hội và an ninh quốc gia.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phải có đột phá về chính sách

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.