(HNMO)- Chiều 11/11, ĐB Nguyễn Tiến Sinh (Hoà Bình) chia sẻ, người dân Lương Sơn, Hoà Bình không định đi miễn phí nhưng phải có mức phí hợp lý.
ễn phí nhưng phải có mức phí hợp lý.
ĐB Nguyễn Tiến Sinh (Hoà Bình) |
Chiều 11/11, QH thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Phí, lệ phí. Liên quan đến nội dung này, ĐB Nguyễn Tiến Sinh (Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình) chia sẻ thông tin với báo giới xung quanh việc người dân địa phương đã hai lần vây Trạm thu phí QL 6 Hoà Lạc - Hoà Bình
ĐB Sinh cho biết, đây là dự án BOT đầu tiên trên địa bàn tỉnh Hoà Bình do Tổng công ty 36, Bộ Quốc phòng triển khai. Ngay sáng ngày 20/10/2015 khi Trạm chính thức thu phí, người dân đã bức xúc về mức phí quá cao và vị trí đặt trạm không hợp lý - ngay trong địa giới của thị trấn Lương Sơn, gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân thị trấn.
Tiếp đó, vào sáng sớm ngày 7/11, hàng trăm người dân lại tiếp tục đổ ra vây kín Trạm thu phí, không cho xe cộ qua lại.
"Với những người dân quá khích thì chính quyền địa phương phải xử lý nhưng phản ứng của người dân là đúng, hoàn toàn chính đáng. Dù đường đã được cải tạo, nâng cấp, chất lượng tốt hơn hẳn, nhưng với người dân sử dụng mức độ ít, phải trả phí cho cả quãng đường 40-50km là chưa hợp lý.
Thử hỏi các cán bộ công chức khu vực Bãi Lạng lên thị trấn làm việc, ngày đi 4 lần, mỗi lần bị thu 25.000 đồng, một ngày mất 100.000 đồng, một tháng hơn 3 triệu thì sống sao được? đó là chưa kể người dân đi thăm nom bạn bè, đưa con đi học. Xe taxi đi đón khách 2 km, lượt đi lượt về trả 50.000 đồng thì lấy tiền của khách bao nhiêu? có khách nào chấp nhận trả tiền qua trạm không?" - Ông Sinh nêu ví dụ.
Về vị trí đặt trạm thu phí hiện nay theo người dân là chưa phù hợp, ĐB Sinh cho rằng: "Dù Trạm thu phí QL 6 Hoà Lạc - Hoà Bình có chuyển ra phía ngoài, giáp với Xuân Mai hay chuyển lên Lương Sơn thì người dân tại đó chắc chắn sẽ không đồng tình nếu không có chính sách. Thử hình dung tự nhiên trước cổng nhà mình có trạm thu phí chình ình, hàng ngày mình đi qua đi lại mà phải nộp tiền thì chắc là cả nước không ai chấp nhận. Đặt ở đâu cũng vậy, quan trọng là có chính sách riêng cho cư dân ở đó... Qua tiếp xúc, người dân cho biết họ không định đi không (miễn phí) nhưng mức phí phải hợp lý".
Vị Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình cũng cho rằng chính quyền tỉnh hoàn toàn "bó tay" vì ấn định giá do Bộ Tài chính và Bộ Giao thông Vận tải. Ngay kể cả nhà BOT cũng không có quyền định giá. Bí thư tỉnh uỷ, Chủ tịch tỉnh, Chủ tịch huyện đã trao đổi, làm việc với dân địa phương, họ đồng ý mức giảm 20-30% thì chấp nhận nhưng nhà BOT không tự quyết định được mà chờ ý kiến bộ ngành. Trong khi đó, các bộ ngành TƯ đã vào cuộc xử lý chậm.
"Qua sự việc diễn ra tại Trạm thu phí QL 6 Hoà Lạc - Hoà Bình, cần phải lên tiếng cảnh báo cho câu chuyện BOT. Có ĐB Quốc hội cho rằng, tự nhiên làm chút mặt đường, sau đó đặt trạm, cưỡng bức mọi người đi qua nộp tiền. Do đó, phải có điều chỉnh trong chính sách sử dụng BOT cho phù hợp bởi người dân đã đóng thuế chứ không hoàn toàn không đóng góp gì và chúng ta dùng thuế đó xây dựng cơ sở hạ tầng" - ông Sinh nêu.
Hiện người dân khu vực thị trấn Lương Sơn, Hoà Bình vẫn đang chờ quyết định cuối cùng của các bộ liên quan đến thẩm quyền quyết định miễn phí ở mức độ nào. ĐB Nguyễn Tiến Sinh khẳng định, người dân cơ bản chấp hành pháp luật, an ninh trật tự ở khu vực ổn định, không có gì nghiêm trọng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.