Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phải biết chùng tay khi cầm bút viết về cái ác!

Đan Nhiễm| 22/08/2015 06:34

(HNM) - Ngày 19-8, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) Trương Minh Tuấn đã ký công văn gửi các cơ quan báo chí (CQBC) yêu cầu chấp hành các quy định của pháp luật về báo chí.


Công văn nêu rõ, thời gian qua, các CQBC đã kịp thời đưa thông tin về các vụ trọng án, góp phần định hướng dư luận xã hội, lên án hành vi phạm tội, cảnh báo, răn đe đối với các đối tượng có ý định phạm tội, cổ vũ công tác xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật của các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, một số CQBC đã khai thác và cho đăng tải liên tiếp nhiều tin bài về cùng một vụ việc, triển khai thu thập thông tin và đăng tải tường thuật theo thời gian và diễn biến vụ việc, trong đó có những thông tin mô tả chi tiết tội ác với các hành vi rùng rợn hoặc khai thác thông tin giật gân; xâm phạm quyền riêng tư của công dân; đăng, phát những phát ngôn không đúng chức năng, gây hoang mang dư luận và cản trở quá trình điều tra, gây hiệu ứng xấu cho xã hội. Bộ TT-TT yêu cầu các CQBC cần thể hiện rõ trách nhiệm xã hội, đạo đức nghề nghiệp, chấp hành đúng các quy định pháp luật trong hoạt động báo chí và nếu cơ quan nào vi phạm sẽ xử lý nghiêm khắc.

"Lời tuyên chiến" đưa ra từ cơ quan quản lý ngay lập tức nhận được sự chia sẻ và đồng thuận từ xã hội, thể hiện qua phần bình luận (comment) phía dưới của thông tin nói trên, được các CQBC đăng tải. Từ đó đủ để thấy rằng, không ít người cầm bút, CQBC khi tuyên truyền về các vụ trọng án đã vô tình hoặc cố tính tiếp tay cho cái ác.

Bằng chứng là khi lướt qua các trang web, ấn phẩm phụ của một số CQBC thời gian gần đây, xã hội như "ngập lụt" trong những thông tin liên quan đến vụ án giết nhiều người trong cả một gia đình tại Bình Phước, Nghệ An, Yên Bái... Trong đó, có rất nhiều thông tin không được kiểm chứng và sau này cơ quan điều tra khẳng định đó chỉ là tin đồn, làm nỗi đau của gia đình nạn nhân thêm dài. Nhưng đáng tiếc, khi những lời "đính chính" hoặc "nói lại cho rõ" được đăng tải lại thì những "bia miệng" này đã lan quá nhanh. Đáng buồn là tần suất những câu chuyện, vụ việc tương tự xuất hiện ngày càng đậm đặc, khiến không ít người đọc nó có nhìn nhận về một xã hội đặc màu xám xịt, bất nhân.

Trớ trêu thay, các thống kê cho thấy rất nhiều báo mạng, ấn phẩm phụ viết về những câu chuyện khiến người ta bất bình, có thiên hướng "lá cải" lại là các báo có lượng người đọc lớn và tăng nhanh. Kết quả là các báo xu hướng "lá cải" đang ngày càng thịnh hành, lấn lướt trên trận địa thông tin. Trong khi đó, chúng ta biết rằng niềm tin của bạn đọc đối với báo chí chính là sự tin tưởng của công chúng đối với chất lượng và nội dung thông tin được báo chí đưa ra. Khi đã mất niềm tin, họ dần xa rời báo chí nói chung, không mua báo, không tìm đọc báo. Thay vào đó, họ chuyển sang tìm thông tin ở nhiều kênh khác, vốn đang ngày càng trở lên đa dạng, trong đó có không ít kênh thông tin có dụng ý chống chế độ, cổ súy cho những hành vi lệch lạc.

Trở lại vấn đề liên quan đến công văn nêu trên của Bộ TT-TT, có hàng nghìn bình luận được gửi đến các CQBC trong 3 ngày qua. Trong số đó, người viết đặc biệt chú ý đến bài viết của một nhà báo trước đây chuyên theo dõi lĩnh vực pháp luật, sau này trở thành phạm nhân của một vụ án đặc biệt nghiêm trọng. Anh này viết rằng: Từng rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, anh nhận ra tội phạm luôn đọc kỹ những bài báo nói về hành vi của mình và của người khác để "tự sướng" hoặc bắt chước khi có điều kiện. Tội ác - với sự hấp dẫn ma quái của nó - sẽ bám rễ vào tâm hồn con người khi nó được tiếp xúc nhiều lần cho dù là dưới dạng phim ảnh, văn chương hay các phương tiện truyền thông… Cuối cùng, anh này kết luận: "Cuộc đời đã dạy tôi, biết chùng tay mỗi khi cầm bút viết về cái ác".

Trước đây, "miệng đời" là con dao hai lưỡi nhưng trong thời đại mạng xã hội phát triển, "bàn phím" cũng có thể giết người. Gần đây nhất là sự việc một nữ sinh ở Đồng Nai trước lúc quyên sinh đã van xin cộng đồng mạng thôi ngừng "ném đá", bình phẩm khi em bị người yêu cũ đưa clip sex của hai người lên mạng với dụng ý xấu.

Sau những sự việc đáng tiếc đó, không ít người đã phải đối mặt với sự dằn vặt vì lỡ bình luận, nhận định quá đà dồn ép một người vào bức tường không lối thoát. Rất có thể một lúc nào đó, bức tường này lại chính là người thân của những người cầm bút.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phải biết chùng tay khi cầm bút viết về cái ác!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.