(HNM) - PCI như "tấm gương" để cả nền kinh tế, mỗi địa phương tự soi và có những điều chỉnh phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế thế giới, trong nước đang đứng trước nhiều thách thức. Qua 8 năm tổ chức đánh giá, "chấm điểm", PCI đã giúp mỗi địa phương nói riêng, cả nước nói chung từng bước hoàn thiện những "mảnh ghép" đang thực sự thiếu.
Hai năm nay, bảng xếp hạng PCI đem lại không ít bất ngờ. Những gương mặt "sáng giá", thường chiếm giữ vị trí cao trên bảng xếp hạng như Đà Nẵng, Bình Dương liên tục bị các địa phương ít tên tuổi như: Lào Cai, Bắc Ninh, rồi Đồng Tháp, An Giang vượt mặt. Theo kết quả điều tra, nhiều địa phương đã nỗ lực cải cách: giảm thời gian chờ nhận giấy phép đăng ký kinh doanh; giảm số lần cũng như thời gian thanh tra, kiểm tra; tăng tốc độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; giảm bớt chi phí không chính thức khi giải quyết thủ tục hành chính… Những cải cách như vậy đã giúp một số địa phương "lấy điểm" trước doanh nghiệp, nhưng nay không còn được đánh giá cao.
Các tỉnh đứng đầu bảng xếp hạng PCI trước đây như Bình Dương, Đà Nẵng ban đầu vượt trội trong những lĩnh vực cải cách, nhưng sau đó không có bước tiến nào lớn, trong khi các tỉnh xếp hạng thấp đang dần vươn lên. Điều này cho thấy, các địa phương có "tiềm năng" nhưng chưa phát triển, hoàn toàn có thể bứt phá ngoạn mục trên bảng xếp hạng PCI nếu có chính sách, định hướng hợp lý. Và, chuyện tăng, giảm PCI cũng là bình thường, bởi bên cạnh những nguyên nhân khách quan, còn phụ thuộc vào những định hướng, chính sách thu hút đầu tư cụ thể của mỗi địa phương. Một số địa phương ít tên tuổi vươn lên nhóm dẫn đầu là tín hiệu tích cực cho kinh tế nơi đó, nhưng điều này không đồng nghĩa với việc những địa phương ở nhóm sau hoặc tụt hạng là… kém.
Tuy nhiên, việc Hà Nội bị tụt 17 bậc (sau khi đã tăng 7 bậc vào năm 2011), xuống xếp thứ 51 trên bảng xếp hạng PCI năm 2012 cần được nhìn nhận đúng mức. Việc đánh giá, xếp hạng dựa vào 9 tiêu chí và nếu thể hiện bằng đồ thị hình sao thì mỗi tiêu chí như một nan của chiếc ô. Nhìn vào đồ thị hình sao của Hà Nội thể hiện tại báo cáo PCI 2012, dễ dàng nhận ra một số tiêu chí nổi trội như: chi phí gia nhập thị trường, tính minh bạch, chính sách lao động… Nhưng, cũng có một số tiêu chí bị đánh giá thấp, rất đáng suy ngẫm, đặc biệt là tiêu chí "tính năng động của lãnh đạo" và "thiết chế pháp lý". Báo cáo PCI 2012 nhận định, tình hình kinh tế càng khó khăn, yêu cầu cải cách càng cao và khắt khe hơn. Dù bị tụt hạng trong năm 2012, nhưng trong báo cáo PCI năm 2011, các tiêu chí này của Hà Nội đã đạt kết quả tích cực và được ghi nhận, khẳng định. Năm 2013 được UBND thành phố Hà Nội xác định là "Năm kỷ cương hành chính", tập trung tạo bước chuyển mạnh mẽ về kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; loại bỏ tình trạng quan liêu, sách nhiễu, gây phiền hà… Nếu thực hiện tốt điều này, có thể nói, Hà Nội sẽ có không ít ưu thế trong việc nâng cao sức cạnh tranh, đặc biệt là về chiều sâu. Nói vậy là bởi, Hà Nội luôn ưu tiên cho những dự án có hàm lượng khoa học, kỹ thuật và chất xám, đem lại giá trị gia tăng cao. Cũng đã không ít lần, thành phố giới thiệu nhà đầu tư không phù hợp đến nơi khác phát triển sản xuất. Luật Thủ đô được Quốc hội thông qua, có hiệu lực từ ngày 1-7-2013 chắc chắn sẽ tạo điều kiện pháp lý thuận lợi cho Hà Nội phát triển bền vững về cả chiều rộng và chiều sâu.
PCI không như mong muốn cũng có thể khiến địa phương này, địa phương kia không vui, nhưng trong "cơ thể" kinh tế cả nước, chuyện có bộ phận khỏe yếu vào từng thời điểm cũng là bình thường. Như đã nói, PCI là một "tấm gương" để mỗi địa phương và cả nền kinh tế soi lại chính mình, từ đó bổ khuyết những phần còn thiếu, còn yếu. Vấn đề là cần chủ động, nghiêm túc tự xem xét, phát hiện, đánh giá chính xác ưu, nhược điểm để có giải pháp ứng xử và điều chỉnh hợp lý.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.