(HNM) - Ngày 23-9 đã trở thành một ngày trọng đại của người dân Palestine khi nhà lãnh đạo vùng đất xinh đẹp nhưng luôn chìm trong xung đột này đệ đơn xin trở thành thành viên chính thức của Liên hợp quốc (LHQ). Đây là ước mơ chính đáng và cháy bỏng của người Palestine trong hơn 6 thập kỷ qua.
Phóng viên Hànộimới đã có cuộc trao đổi với Đại sứ Palestine tại Việt Nam, ngài Saadi Salama về vấn đề này.
- Thưa ngài, Palestine là cái tên được thế giới đặc biệt quan tâm trong những ngày qua; cộng đồng quốc tế đã chứng kiến người dân Palestine vui mừng thế nào trong khát vọng về một Nhà nước Palestine độc lập. Ngài có thể chia sẻ cảm nghĩ của mình?
- Có lẽ nên nói đến ngọn nguồn của sự mừng vui đó. Phải nói rằng nhân dân Palestine là nạn nhân của sự không công bằng. Vấn đề của Palestine đã kéo dài từ năm 1948 đến nay, hơn 50% dân số Palestine đã bị đẩy ra khỏi lãnh thổ của mình, đi tị nạn tại nhiều nước Arab và tại ngay những khu vực chưa bị chiếm đóng ở Bờ Tây, Dải Gaza và Đông Jerusalem. Trong hơn 60 năm, người dân Palestine đã phải sống trong những điều kiện hết sức khó khăn và phải trả giá rất cao cho cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc, song chưa khi nào ngừng thể hiện nguyện vọng về một nhà nước độc lập, tự do và bình đẳng với các dân tộc khác trên thế giới. Tôi cũng như mỗi người dân Palestine đều hy vọng rằng, dấu mốc quan trọng 23-9-2011 sẽ dẫn người Palestine đến con đường độc lập hoàn toàn.
Đại sứ Palestine tại Việt Nam Saadi Salama. |
- Nhưng cũng phải nhìn nhận thực tế là, nguyện ước đó có thể sẽ chưa thành khi Mỹ, quốc gia có quyền phủ quyết tại HĐBA kiên quyết phản đối?
- Chúng tôi biết cuộc đấu tranh của người Palestine còn nhiều gian khổ và phức tạp. Vì nhiều lý do khác nhau, Israel chưa chấp nhận quyền cơ bản đó của Palestine. Mỹ mặc dù có vai trò tích cực trong việc đưa hai bên tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột nhưng rất tiếc, đã gần 20 năm đàm phán mà chưa mang lại kết quả gì. Chúng tôi cũng biết, Mỹ thậm chí sẽ sử dụng ảnh hưởng thuyết phục các thành viên khác trong HĐBA để vô hiệu hóa nỗ lực của người Palestine mà không cần sử dụng quyền phủ quyết. Do vậy, nếu như chưa thể được công nhận là một thành viên đầy đủ của LHQ, chúng tôi cũng sẽ không từ bỏ sự nghiệp chính nghĩa của mình và sẽ sử dụng những con đường khác. Đó là đề nghị được công nhận là một nhà nước trước Đại hội đồng LHQ.
- Ngài đánh giá triển vọng này thế nào?
- Tôi tin tưởng rằng, với sự ủng hộ của hơn 120 thành viên LHQ cho đến thời điểm hiện nay, Palestine sẽ có đủ những lá phiếu cần thiết để đạt được quy chế trên. Với vị thế này, Palestine cũng có thể cử đại diện tại nhiều tổ chức trên thế giới và lãnh thổ Palestine cũng không còn là một vùng đất tranh chấp mà được cộng đồng quốc tế chính thức công nhận.
- Như vậy, đây là một thành công để người dân Palestine đi tiếp?
- Đúng vậy, đó là một thành công để dẫn tới đích cuối cùng là một Nhà nước Palestine độc lập, tự do. Chúng tôi vẫn tin rằng đàm phán với Israel là giải pháp mang lại hòa bình bền vững. Tuy nhiên, với một vị trí pháp lý mới, đối thoại sẽ không còn theo cơ chế cũ mà là giữa hai nhà nước với nhau.
- Palestine sẽ theo đuổi đàm phán. Ngài muốn nói rằng sẽ không có bạo lực như dư luận lo ngại?
- Tôi khẳng định rằng ban lãnh đạo Palestine kiên quyết tiếp tục con đường tìm kiếm giải pháp hòa bình thông qua con đường thương lượng, đàm phán cụ thể và trong thời gian nhất định. Palestine không chủ trương gây bạo lực nhưng sẽ sử dụng tất cả những hình thức đấu tranh pháp lý mà luật pháp quốc tế cho phép, tùy theo tình hình, từng giai đoạn và sự đòi hỏi của thực tế. Chúng tôi lạc quan và tin tưởng rằng, sự nghiệp chính nghĩa của người Palestine ngày càng được thế giới chú ý và quan tâm. Chúng tôi đánh giá cao sự ủng hộ của nhân dân các nước yêu chuộng hòa bình, đặc biệt của các bạn Việt Nam, quốc gia luôn có lập trường trước sau như một ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân Palestine để giành quyền tự quyết, quyền trở về và thành lập một nhà nước trên lãnh thổ Palestine.
- Xin cảm ơn ngài!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.