(HNM) -
Nói về cái tên “Ông và cháu”, nhà báo Nguyễn Triều đã viết ngay trong đề tựa: “Ông và cháu” là một tác phẩm độc đáo trong sự nghiệp sáng tác của nhà thơ trào phúng nổi tiếng Tú Mỡ đã được NXB Kim Đồng ấn hành năm 1970. Nhưng tập thơ này mang tên “Ông và cháu” không vì lý do đó. Vợ tôi “Cái Búp tăng gia” (tên một bài thơ của Tú Mỡ nói về cô cháu) là cháu ngoại của ông Tú Mỡ và vì thế tôi, Nguyễn Triều, nghiễm nhiên là cháu rể ông. Ông Tú Mỡ và cháu Nguyễn Triều cùng viết về những đứa cháu yêu quý của mình khi lên chức ông. Tập thơ mang tên “Ông và cháu” là vì vậy.
Tập thơ này có hai phần rõ ràng, một là Thơ Tú Mỡ với 18 bài thơ cho thiếu nhi, phần hai là 12 bài thơ của Nguyễn Triều cũng viết cho các cháu của mình. Có thể nói với tập thơ gửi gắm nhiều ý nghĩa về tình cảm ông cháu mà rộng ra là tình cảm gia đình, Nguyễn Triều trước hết đã đưa Tú Mỡ và những bài thơ thiếu nhi đặc sắc của ông trở lại với độc giả. Bạn đọc có thể rất thuộc đoạn thơ này nhưng chưa hẳn đã nhớ, biết là của Tú Mỡ: “Hôm nay các cháu/Bài vở xong xuôi/Bày một trò chơi/”Bắt phi công Mỹ”/Thằng Hiệp sáng trí/Xếp đặt chương trình/Bắt đầu chúng mình/Hú còi báo động/ Rồi sau vác súng/Đi bắn máy bay/”Thần sấm” lăn quay/ “Con ma” bốc cháy”… Một bài thơ sinh động cho thiếu nhi nhưng vẫn đầy chất dí dỏm, hài hước mà cũng lại không kém phần sâu sắc. Đánh trận giả là trò chơi yêu thích của bọn trẻ, mỗi đứa một vai nhưng bất ngờ nhất là đoạn cuối chả ai chịu làm thằng Mỹ cho dù là “Làm Mỹ vờ thôi”… Bên cạnh đó, phải nhắc đến bài thơ “Thương ông” cũng rất nổi tiếng, mà mới đây đã thu hút sự quan tâm mạnh mẽ của dư luận về việc vì sao đoạn thơ đưa vào sách giáo khoa không còn nguyên như bản gốc…?
Tú Mỡ cũng còn nhiều bài thơ nữa viết cho các cháu, vẫn rất gần gũi như một cuộc đối thoại, chuyện trò sinh động mà cũng lại thân thương, ý nghĩa như “Em chị”, “Một vụ kiện gián điệp”, “Ông là ông thợ cạo”, “Một trò chơi thích thú”…
Cùng với thơ của nhà thơ Tú Mỡ, tập thơ này giới thiệu 12 bài thơ của nhà báo Nguyễn Triều viết cho chính các cháu của ông, nhưng ngẫm ra thì cũng là tấm tình tha thiết của những người ông đối với các cháu nhỏ. Nét hóm hỉnh, góc nhìn gần gũi với trẻ thơ chính là những điểm chung của giọng thơ Nguyễn Triều và nhà thơ tài danh Tú Mỡ. Bằng lòng yêu trẻ tự nhiên, ông tiếp cận những câu chuyện rắc rối của đám trẻ với niềm vui, niềm hạnh phúc chứ không phải nỗi phiền toái. Cũng từ ấy mà giáo dục các cháu bằng sự tinh tế, nhẹ nhàng. Có thể kể đến những bài thơ “Việc hay việc dở nên làm không nên”; “Cái đầu của Pô”… Nhiều bài thơ thể hiện tính phóng khoáng vốn có trong ngòi bút Nguyễn Triều như trong “Học mà chơi”, ông dựng lại không chỉ những lát cắt tự hào trong lịch sử dân tộc mà còn vẽ nên trước mắt các cháu những vùng đất tươi đẹp của Tổ quốc. “Ê a rồi quen/Con đọc được sách/Sách cho con biết/Tổ tiên Lạc Hồng…” hay “Miền Nam sân chim/Vườn cây trĩu quả/Miền Tây giàu quá/Cá ngọt, gạo thơm…”.
Ai cũng biết trong tình cảm gia đình thì tình cảm ông và cháu là thứ tình cảm thật đặc biệt, khác với tình mẹ, tình cha, tình bà cháu. Tình cảm của người ông không kém tha thiết, sâu sắc nhưng tính “bao bọc” phần nào được giấu đi nhường chỗ cho sự gần gũi, một tinh thần làm bạn và một cái nhìn ít nhiều sáng suốt. Tập thơ mỏng nhưng ấm áp thứ tình cảm đặc biệt này, nó cũng góp phần gợi cho người đọc mong muốn gìn giữ bầu không khí vừa yêu thương và cũng vừa mạnh mẽ từ người ông dành cho các cháu nhỏ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.