Theo dõi Báo Hànộimới trên

"Ông trùm FBI" Edgar Hoover - Nhân vật kỳ bí trên chính trường Mỹ

Thu Hằng| 15/05/2018 10:05

Không có viên chức thực thi pháp luật nào của Mỹ trong thế kỷ XX lại có trong tay nhiều quyền lực như John Edgar Hoover.


Tháng 5-1924, John Edgar Hoover được bổ nhiệm làm Quyền Giám đốc Cục Điều tra (Division of the Investigations - DOI, tiền thân của FBI) và đến cuối năm, ông chính thức được thăng chức là Giám đốc. Sự kiện này đã bắt đầu 48 năm nắm quyền FBI của Hoover, trong đó ông đã định hình hệ thống pháp lý hình sự của Mỹ trong thế kỷ XX.

Giám đốc FBI Hoover năm 1967. Ảnh AP.


Bằng kỹ năng tổ chức tuyệt vời, Edgar Hoover đã biến DOI từ một tổ chức nhỏ, không mấy tiếng tăm thành một FBI hiện đại, có tầm ảnh hưởng lớn, nhiều quyền hạn trong quá trình thực thi pháp luật và bảo vệ an ninh quốc gia Mỹ. Dấu ấn của Edgar Hoover để lại trên hầu hết những gì liên quan đến FBI.

Chính Hoover đã tạo ra nhiều cải cách trong lĩnh vực điều tra hình sự như: Lập ra hệ thống lưu giữ dấu vân tay cũng như bảng số xe hơi trên toàn quốc; thành lập phòng xét nghiệm pháp y (FBI Crime Lab) ứng dụng những phương pháp khoa học hiện đại nhất vào phân tích các bằng chứng tội phạm (năm 1932); xây dựng học viện đào tạo dành riêng cho các nhân viên FBI (năm 1935), tổ chức một trường đào tạo ngoại ngữ của FBI; đặt ra mẫu văn bản sử dụng thống nhất về các bản báo cáo của các nhân viên triều tra liên bang.

Một cải cách đặc biệt là thông báo rộng rãi danh sách "Most Wanted 10" cung cấp thông tin và hình ảnh 10 tên tội phạm nguy hiểm nhất bị truy nã… nhằm truy tìm tội phạm một cách nhanh nhất. Về mặt này có thể nói Edgar Hoover có một tầm nhìn xa khác thường và một trí thông minh xuất chúng.

Hoover cho sa thải những nhân viên kém nghiệp vụ, nâng cao tiêu chuẩn tuyển dụng, bắt buộc nhân viên phải có bằng đại học và tạo ra hàng loạt những quy tắc để khép họ vào quy củ trong việc điều tra tội phạm. Theo thời gian, các nhân viên FBI, từ cảnh sát điều tra, kế toán đến thư ký lưu trữ… đều chấp hành nghiêm chỉnh các nguyên tắc và họ ngày càng biết giải quyết công việc bằng trí óc hơn là chỉ dựa vào súng đạn.

Mỗi tối, khi trở về nhà, Hoover luôn mang theo một cặp đựng đầy các hồ sơ. Ông cũng lắp một dãy máy điện thoại trên bàn làm việc của mình tại nhà riêng để chỉ đạo các cộng sự bất kỳ lúc nào nếu có việc quan trọng xảy ra.

Edgar Hoover xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với 19 Cục liên hệ với nước ngoài của FBI từ London tới Tokyo và lập được nhiều chiến tích trong công tác phản gián. 

Tổng thống Dwight Eisenhower tặng Hoover Huân chương An ninh Quốc gia vì những “đóng góp xuất sắc cho an ninh quốc gia của Hoa Kỳ” (1955).


Trong Chiến tranh Lạnh, nhiệm vụ của FBI tiếp tục được mở rộng: Bảo vệ nước Mỹ khỏi các hoạt động khủng bố và hoạt động do thám của tình báo nước ngoài; bảo vệ luật pháp trên lãnh thổ toàn liên bang; hỗ trợ các cơ quan liên bang, địa phương cũng như các tổ chức quốc tế... Vì có quyền hạn điều tra trên 200 danh mục tội phạm liên bang nên FBI là cơ quan có thẩm quyền điều tra lớn hơn bất kỳ một cơ quan thi hành pháp luật nào.

Tuy nhiên, trong gần nửa thế kỷ “cai trị” FBI, Hoover tự đặt mình lên trên vòng pháp luật khi cho phép nhân viên “có thể tìm ra bất cứ lý do gì để lập hồ sơ theo dõi bất cứ ai”. Những hồ sơ mật mà Edgar Hoover lập ra không chỉ nhằm vào các phần tử tội phạm nguy hiểm mà còn liên quan đến cả những nhân vật nổi tiếng như giới chính trị gia, giới văn nghệ sĩ, vận động viên, người bất đồng chính kiến và nhiều người giàu có sinh sống trong và ngoài nước Mỹ.

Dù nhiều đời tổng thống Mỹ đã xem xét việc bãi bỏ chức vụ của "ông trùm FBI" này nhưng bất thành. Năm 1964, khi Hoover sắp tròn 70 tuổi, độ tuổi hợp pháp để nghỉ hưu đối với các công chức chính quyền thì Tổng thống Lyndon Johnson triệu tập một cuộc họp báo tại Vườn hồng.

Hoover đứng bên cạnh, nét mặt rạng rỡ khi Tổng thống nói: “Ngài John Edgar Hoover là một anh hùng trong số hàng triệu công dân tốt và là một tai họa đối với bọn tội phạm. Chính vì lẽ đó mà tôi miễn cho Hoover, Giám đốc FBI phải nghỉ hưu theo hạn định và tiếp tục nhiệm vụ vô hạn định”.

Edgar Hoover chỉ chính thức kết thúc nhiệm kỳ Giám đốc FBI của mình khi đột ngột qua đời tại nhà riêng vào đêm 1-5-1972 sau một cơn đau tim.

Linh cữu Hoover được quàn tại Điện Capitol - một vinh dự chỉ dành cho các anh hùng dân tộc và Tổng thống Mỹ. Ảnh AP.


Sinh thời, Edgar Hoover luôn ăn vận sang trọng, thái độ nghiêm nghị, có tài hùng biện, không uống rượu, không đàn đúm và cũng không có quan hệ gần gũi với đàn bà. Ngoài giờ làm việc, Hoover chỉ có hai thú vui là xem đua ngựa và chơi đồ cổ. Ông được đồng nghiệp tôn kính và nể sợ.

Tuy nhiên, sau khi qua đời, Edgar Hoover trở thành nhân vật gây tranh cãi khi bằng chứng những hoạt động bí mật của ông bị phát giác. Ông bị cáo buộc vượt quá thẩm quyền của FBI, vi phạm có hệ thống quyền công dân, sử dụng FBI để quấy rối những người bất đồng chính kiến và các nhà hoạt động chính trị, tích lũy tin tức bí mật của những người nổi tiếng, thu thập chứng cứ bằng các phương pháp bất hợp pháp.

Sau cái chết của ông, Quốc hội Mỹ đã thông qua luật kiềm chế FBI, theo đó người đứng đầu FBI do Tổng thống đề cử và nhiệm kỳ công tác chỉ giới hạn trong vòng 10 năm. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Ông trùm FBI" Edgar Hoover - Nhân vật kỳ bí trên chính trường Mỹ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.