Giáo dục

Ông Đỗ Ngọc Minh, đồng sáng lập Khan Academy Vietnam: Học liệu số đem lại nhiều lợi ích cho giáo viên và học viên

Đoan Trang 26/05/2024 - 06:10

Việc đưa học liệu số vào giảng dạy ngày càng trở nên phổ biến ở các bậc học.

Tuy nhiên, để phần việc này đạt được hiệu quả thì bên cạnh việc trang bị cơ sở vật chất, vấn đề con người cần được quan tâm đúng mức.

Hànộimới Cuối tuần đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Ngọc Minh, Giám đốc Chương trình Tài nguyên giáo dục mở Việt Nam (VOER), đồng sáng lập Khan Academy Vietnam - đơn vị cung cấp nền tảng quản lý dạy và học miễn phí Khan Academy cho giáo viên, học sinh và phụ huynh - xung quanh vấn đề này.

1(1).jpg

- Thưa ông Đỗ Ngọc Minh, xin ông cho biết việc triển khai và sử dụng học liệu mở, tài nguyên giáo dục mở trong các trường học trên địa bàn Hà Nội đã và đang diễn ra như thế nào?

- Tại Hà Nội, tôi nhận thấy rất nhiều giảng viên từ các trường đại học lớn trên địa bàn Hà Nội đã đóng góp vào việc xây dựng kho học liệu mở và tài nguyên giáo dục mở như VOER (Vietnam Open Educational Resources). Nhiều cuốn sách quý của các giáo sư đầu ngành như Giáo sư Nguyễn Lân Dũng và Giáo sư Nguyễn Văn Hiệu, bao gồm cả những tài liệu viết tay, đã được số hóa và chia sẻ trên nền tảng này.

Các trường đại học ở Hà Nội cũng thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo khoa học và tập huấn giảng viên nhằm nâng cao nhận thức về vai trò và tầm quan trọng của học liệu mở, tài nguyên giáo dục mở trong nghiên cứu và giảng dạy. Gần đây, phong trào xây dựng hệ thống học tập trực tuyến mở đại trà (MOOCs) cũng đang phát triển mạnh mẽ, góp phần đáng kể vào việc nâng cao nhận thức và ứng dụng chuyển đổi số trong giáo dục cũng như trong các lĩnh vực khác của cuộc sống.

Đối với các trường phổ thông, phong trào ứng dụng công nghệ thông tin và khai thác các nguồn học liệu trực tuyến, đặc biệt là các công cụ và tài nguyên giáo dục mở, đang diễn ra rất sôi nổi. Khan Academy Vietnam đã cùng Viện Nghiên cứu cao cấp về toán hỗ trợ và đồng hành cùng nhiều trường học tại Hà Nội trong các ngày hội toán học mở cũng như các buổi tập huấn cho giáo viên tại các huyện Mỹ Đức, Mê Linh, Ba Vì… Các trường này đã chủ động tổ chức các hoạt động khai thác và sử dụng tài nguyên giáo dục mở được Việt hóa trên Khan Academy, phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới, đặc biệt là môn toán từ lớp 1 đến lớp 12.

Các hoạt động này được triển khai bài bản và sâu rộng từ việc xác định mục tiêu trong nhiệm vụ năm học, tổ chức các khóa tập huấn cho giáo viên đến các phong trào thi đua dạy tốt và học tốt, sử dụng các nguồn tài nguyên giáo dục mở… Những nỗ lực này cho thấy sự quyết tâm của những người đứng đầu ngành Giáo dục Hà Nội trong việc thúc đẩy và triển khai tài nguyên giáo dục mở, mang lại lợi ích lớn cho cả giáo viên và học sinh, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn Hà Nội.

- Một cách cụ thể, việc đưa học liệu số vào quá trình giảng dạy và học tập đem lại lợi ích cụ thể như thế nào đối với giáo viên và học sinh?

- Từng là một trong những người đầu tiên phổ biến học liệu mở (OCW) của Học viện MIT (Massachusett Institute of Technology, Hoa Kỳ) tại Việt Nam, và sau đó đã dành nhiều thời gian để phổ biến các khái niệm cùng cách thức xây dựng, khai thác các nguồn học liệu mở, tài nguyên giáo dục mở (OER) và giáo dục đại trà trực tuyến mở (MOOCs) từ năm 2005, tôi nhận thấy việc đưa học liệu online vào quá trình giảng dạy và học tập đem lại rất nhiều lợi ích cho giáo viên và học sinh.

Đầu tiên, phong trào chia sẻ nguồn học liệu trực tuyến mở đã giúp các giảng viên, đặc biệt là giảng viên đại học phát huy những phần chuyên môn tốt nhất của mình. Họ có thể chia sẻ các module kiến thức mà họ yêu thích, qua đó hình thành mạng lưới cộng tác cùng nhau xây dựng các giáo trình và bài giảng kết hợp từ các phần kiến thức chuyên môn tốt nhất của từng giảng viên. Các bài giảng này sau đó được đăng tải trên các hệ thống quản trị học tập (LMS - Learning Management System), tận dụng tối đa các tính năng công nghệ của các hệ thống này như cá nhân hóa người học (Personalized Learning), học tập thích ứng (Adaptive Learning)...

Bên cạnh đó, một trong những lợi ích quan trọng mà hệ thống học liệu trực tuyến mở mang lại cho giáo viên là giảm tải công việc. Học sinh được hỗ trợ phù hợp với năng lực và nhận thức của từng em. Hệ thống này giúp ích cho cả giáo viên và học sinh ở bất kỳ đâu, dù là thành thị hay nông thôn thì đều nhận được những lợi ích tương đương từ các hệ thống như thế này. Những lợi ích này không chỉ giúp nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập, mà còn đảm bảo tính công bằng trong tiếp cận giáo dục cho mọi học sinh, bất kể điều kiện địa lý hay hoàn cảnh kinh tế.

- Lợi ích rõ ràng như vậy, nhưng quá trình triển khai áp dụng học liệu số vào công tác giảng dạy tại các trường học trên địa bàn Hà Nội hẳn cũng gặp những khó khăn nhất định, thưa ông?

- Vì giáo dục hiện đại lấy con người làm trung tâm nên tôi cho rằng, khó khăn đầu tiên phải đề cập đến là vấn đề nhận thức và khả năng sử dụng hệ thống học liệu mở của giáo viên, học sinh. Nhiều giáo viên chưa nhận biết đầy đủ về vai trò và tiềm năng của hệ thống học liệu mở, đặc biệt là khi sử dụng các phần mềm quản lý học tập (LMS). Điều này sẽ làm giảm hiệu quả sử dụng các công cụ giáo dục trực tuyến và ngăn cản giáo viên khai thác tối đa lợi ích mà hệ thống này mang lại​.

Tiếp đó, sự bận rộn và thiếu thói quen sử dụng hệ thống cũng đang là một rào cản không nhỏ. Đội ngũ giáo viên thường bận rộn với nhiều hoạt động khác nhau và chưa hình thành được thói quen sử dụng nền tảng LMS trong công việc hằng ngày. Điều này dẫn đến việc chưa tận dụng hết các tính năng của hệ thống để giảm tải công việc và cải thiện chất lượng giảng dạy. Cùng với đó, học sinh và gia đình vẫn còn tập trung vào lối học tập truyền thống, dành nhiều thời gian cho bài tập trên lớp và học thêm. Điều này làm giảm hiệu quả của việc học trực tuyến và chưa giúp hình thành thói quen tự học trên các nền tảng mở.​

Bên cạnh đó, hiện chúng ta vẫn còn thiếu các chính sách khuyến khích, như thưởng điểm chuyên môn, khen thưởng hoặc tăng lương cho các giáo viên tích cực tham gia và sử dụng hiệu quả OER trong giảng dạy. Đặc biệt là rào cản về cơ sở hạ tầng công nghệ. Một số trường học chưa có cơ sở hạ tầng công nghệ đủ mạnh, bao gồm kết nối internet và thiết bị phần cứng/phần mềm để hỗ trợ việc triển khai học liệu online một cách hiệu quả. Điều này gây cản trở cho việc tiếp cận và sử dụng tài nguyên giáo dục trực tuyến​.

- Trước những thách thức nêu trên, chúng ta cần có những giải pháp gì để đẩy mạnh hơn nữa việc khai thác, tận dụng kho học liệu số phong phú hiện có?

- Tôi cho rằng, để khai thác hiệu quả kho học liệu phong phú hiện có thì cần có cam kết từ các nhà lãnh đạo giáo dục ở mọi cấp bậc, từ Sở Giáo dục và Đào tạo đến các nhà trường. Các đơn vị cần lập kế hoạch, xây dựng chính sách hỗ trợ và tăng cường tuyên truyền, phổ biến. Cần tổ chức các khóa đào tạo về sử dụng nền tảng OER và các công cụ học liệu trực tuyến, cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho giáo viên, nâng cấp cơ sở hạ tầng công nghệ và thiết lập đội ngũ kỹ thuật. Các chính sách khuyến khích như thưởng điểm, tăng lương và khen thưởng cho giáo viên sử dụng hiệu quả OER cũng rất quan trọng. Cùng với đó, cần tôn vinh những giáo viên và học sinh xuất sắc trong lĩnh vực này. Cuối cùng, cần thúc đẩy sự hợp tác và chia sẻ nguồn lực giữa các trường và tổ chức giáo dục, cũng như phát triển và duy trì các kho tài liệu mở để dễ dàng truy cập và chia sẻ tài liệu chất lượng cao.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ông Đỗ Ngọc Minh, đồng sáng lập Khan Academy Vietnam: Học liệu số đem lại nhiều lợi ích cho giáo viên và học viên

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.