(HNM) - Theo các chuyên gia, giá vàng giảm mạnh đã hấp dẫn giới đầu tư đẩy mạnh mua vào, trong khi lượng cung có hạn, khiến giá trong nước thêm một lần bỏ xa giá thế giới…
Nhu cầu tích trữ của người dân cao, trong khi nguồn cung không đủ, khiến giá vàng trong nước vẫn cách xa thế giới. Ảnh: Như Ý |
Mặc dù không có nhiều biến động trong hơn một tuần qua, với mức thay đổi chỉ dao động khoảng 100 nghìn đồng/lượng, song so với giá thế giới, giá vàng trong nước tiếp tục đứng ở mức cao. Lý giải về việc vàng SJC tiếp tục cao hơn so với thế giới, ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) cho biết, do chưa có sự liên thông giữa hai thị trường, nhưng ưu tiên lớn nhất lúc này là ổn định kinh tế vĩ mô. Trước đây, để giữ giá sát với thế giới, Việt Nam phải nhập vàng về đáp ứng nhu cầu thị trường, trung bình mỗi năm nhập 30-40 tấn vàng. Với giá thành mỗi tấn vàng là 60 triệu USD, số ngoại tệ bỏ ra lên tới 1,8-2,4 tỷ USD, tương đương 37.000-50.000 tỷ đồng. Đây là một lượng tiền quá lớn, có thể gây ra lạm phát cao và làm cho nhiệm vụ kiềm chế lạm phát rất khó khăn. Kèm theo đó, sẽ xuất hiện hàng loạt hệ lụy khác, trong đó có áp lực tỷ giá. Giá vàng SJC cao cũng do SJC là một đơn vị của Nhà nước nên toàn bộ vốn kinh doanh phải đi vay của ngân hàng thương mại với lãi suất cao. Hơn nữa, kinh doanh vàng miếng là một loại hình rủi ro, qua một đêm có thể lãi vài trăm nghìn USD nếu giá vàng lên cao so với trước đó, cũng có thể lỗ vài triệu USD nếu giá giảm và phải bán ngay để cắt lỗ. Về công thức tính giá, trước hết là giá gốc, thứ hai là thuế nhập khẩu (một số nước không đánh thuế vì coi vàng như tiền), thứ ba là lãi vay, thứ tư là phải bảo đảm một tỷ lệ lợi nhuận cần thiết. Hơn nữa, trên thị trường, thuận mua, vừa bán, doanh nghiệp không "ép" nhà đầu tư.
Trong khi đó, tâm lý mua vàng để tích trữ của người dân đã tồn tại từ lâu và nhiều người cứ có tiền nhàn rỗi lại đi mua vàng. Cầu càng ngày càng lớn, trong khi nguồn cung không tăng đã khiến giá vàng trong nước tiếp tục cách xa giá thế giới. Mặc dù người dân đã bớt dần thói quen định giá tài sản bằng vàng như bán nhà, đất theo vàng, song vàng vẫn được coi là tài sản bảo toàn tốt nhất trong suy nghĩ của nhiều người. Bởi vậy, không ít người cố gắng mua vàng bằng mọi giá, bất chấp giá trong nước cao hơn thế giới tới 4 triệu đồng/lượng. Để hạ nhiệt giá vàng, không còn cách nào khác là thay đổi tâm lý, thói quen của chính người dân, vì ngoài vàng còn nhiều kênh đầu tư hấp dẫn khác như chứng khoán, bất động sản, hay vừa an toàn, vừa có lợi nhuận là gửi tiết kiệm.
Dự báo về giá vàng trong thời gian tới, theo ông Lê Minh Hưng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, thị trường vàng quốc tế hiện nay phụ thuộc lớn vào các chính sách của Chính phủ và ngân hàng trung ương các nước. Rất khó để dự đoán một cách chính xác diễn biến giá vàng, nhất là trong ngắn hạn. Trong khi đó, giá vàng trong nước chịu ảnh hưởng trước biến động của giá vàng thế giới và cung, cầu thị trường trong nước. Định hướng quản lý thị trường vàng của Ngân hàng Nhà nước được thể hiện rõ trong Nghị định số 24/2012/CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, với mục tiêu chính là tạo lập khuôn khổ pháp lý chặt chẽ cho hoạt động kinh doanh vàng. Với nghị định này, thị trường vàng được tổ chức, sắp xếp lại một cách căn bản, nhằm ngăn ảnh hưởng của biến động giá vàng đến tỷ giá. Nghị định cũng nâng cao vai trò quản lý thị trường của Nhà nước, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng "vàng hóa" nền kinh tế, có giải pháp hợp lý để huy động nguồn lực vàng trong dân phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội. Ngoài ra, Nghị định 24 cũng là cơ sở pháp lý quan trọng để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người dân thông qua các quy định cụ thể về sản xuất, mua bán vàng miếng, xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng, mua bán vàng trang sức mỹ nghệ.
Với các biện pháp Ngân hàng Nhà nước sẽ triển khai quyết liệt trong thời gian tới đây, cung cầu trên thị trường vàng miếng sẽ cân bằng hơn. Giá vàng trong nước sẽ bám sát với giá vàng thế giới và dần đi vào ổn định. Còn thế nào là sát giá và sát ở mức bao nhiêu, Ngân hàng Nhà nước đang tính toán và xem xét cụ thể, vì còn phụ thuộc vào điều hành chính sách kinh tế vĩ mô, trong đó có chính sách tiền tệ từng thời kỳ.
Trên thị trường Hà Nội, thời điểm 15h ngày 12-3, vàng SJC được giao dịch ở mức 43,85 triệu đồng/lượng (mua vào)-43,90 triệu đồng/lượng (bán ra). Vàng miếng và nhẫn tròn mang thương hiệu Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu rẻ hơn SJC khoảng 1 triệu đồng/lượng, niêm yết ở mức 42,65 triệu đồng/lượng (mua vào)-42,90 triệu đồng/lượng (bán ra). Trong khi đó, trên thị trường thế giới, giá vàng đứng ở mức 1.582 USD/ounce (thời điểm 15h ngày 12-3 theo giờ Việt Nam). Quy đổi mức giá này ra tiền Việt Nam theo tỷ giá của Vietcombank là 20.960 VND/USD, giá vàng SJC cao hơn giá thế giới khoảng 4 triệu đồng/lượng và cao hơn giá vàng Rồng Thăng Long 3 triệu đồng/lượng. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.