Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nút thắt khó gỡ

Linh Nhi| 23/04/2010 07:26

(HNM) - Phát triển đoàn viên, thành lập và nâng cao chất lượng hoạt động Công đoàn cơ sở (CĐCS) trong các thành phần kinh tế, đặc biệt là trong các doanh nghiệp (DN) ngoài nhà nước là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tổ chức CĐ nói chung và các cấp CĐ Thủ đô nói riêng.

Sau gần hai năm triển khai công tác này, toàn TP Hà Nội đã thành lập được 329 CĐCS, kết nạp mới hơn 28 nghìn đoàn viên, vượt chỉ tiêu đề ra. Tuy nhiên, trong kết quả đó vẫn còn nhiều vấn đề khiến cho tổ chức CĐ phải "đau đầu" để tìm cách tháo gỡ...

Nâng cao chất lượng cán bộ CĐ

Hà Nội hiện có 7.600 DN đăng ký kinh doanh thuộc TP quản lý với lực lượng lao động trên 1 triệu người. LĐLĐ TP đang quản lý trực tiếp 11 LĐLĐ quận, thị xã, 18 LĐLĐ huyện, 10 CĐ ngành, 7 CĐ cấp trên cơ sở với tổng số 5.506 CĐCS và hơn 410 nghìn đoàn viên. Trong đó, 2.186 CĐCS và hơn 202 nghìn đoàn viên thuộc khu vực kinh tế ngoài nhà nước.

Công ty CP Chế biến nông sản thực phẩm Minh Dương, huyện Hoài Đức có tổ chức công đoàn hoạt động tốt. Ảnh: Bá Hoạt

Với mục tiêu tập hợp đông đảo CNVCLĐ vào tổ chức CĐ, phát triển thêm nhiều CĐCS trong các DN thuộc các thành phần kinh tế, LĐLĐ TP luôn chú trọng chỉ đạo, giám sát, kiểm tra việc thực hiện công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS. Thời gian qua, tất cả các LĐLĐ quận, huyện, thị xã, CĐ ngành, cấp trên cơ sở đều vượt chỉ tiêu cả về phát triển đoàn viên lẫn thành lập CĐCS. Trong đó, nhiều địa phương vượt gấp đôi chỉ tiêu được giao.

Bên cạnh đó, CĐ cấp trên cơ sở đã sáng tạo nhiều cách làm phù hợp, góp phần mang lại kết quả khả quan. Ông Nguyễn Xuân Lưu, Chủ tịch LĐLĐ huyện Hoài Đức cho biết, với biện pháp tổ chức nhiều hội nghị tọa đàm chủ đề "CĐ với DN", CĐ đã truyền tải đến người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động nhiều thông tin bổ ích, giúp họ nhận thức được giá trị thiết thực của việc thành lập CĐCS. Khi đã thuyết phục được NLĐ và DN, LĐLĐ ký bản ghi nhớ để việc thực hiện đạt kết quả cao. Nhờ cách làm này, LĐLĐ huyện đã có được thành công bước đầu, tỷ lệ phát triển đoàn viên năm sau cao hơn năm trước, số lượng CĐCS mới thành lập nhiều hơn và hoạt động tốt hơn.

Mục tiêu song song của tổ chức CĐ là thành lập CĐCS đi đôi với nâng cao chất lượng CĐCS. "Nắm" được yêu cầu này, các cấp CĐ có nhiều nỗ lực để hoạt động của CĐCS ngày càng đi vào chiều sâu, góp phần bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ. Điển hình như LĐLĐ quận Hoàng Mai, với chủ trương làm đâu chắc đấy, LĐLĐ quận chọn phương thức thành lập CĐCS đến đâu, nâng cao chất lượng hoạt động của CĐCS tới đó. Theo ông Nguyễn Công Âu, Chủ tịch LĐLĐ quận, thời gian qua LĐLĐ quận đã đề ra 6 giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của CĐCS ngoài nhà nước. Trong đó, yêu cầu số 1 là chất lượng cán bộ CĐCS vì đây là nhân tố quyết định kết quả hoạt động. LĐLĐ quận chỉ đạo chủ tịch CĐCS nhất thiết phải trong ban lãnh đạo hoặc giữ các chức danh quan trọng của đơn vị. Nhờ đó, có đến 70% CĐCS đạt danh hiệu CĐ vững mạnh, tỷ lệ CĐCS yếu, kém giảm xuống còn 6,7%.

Cần chế tài đủ mạnh

Mặc dù số lượng CĐCS được thành lập và số đoàn viên mới được kết nạp thời gian qua vượt chỉ tiêu, nhưng so với sự phát triển khá nhanh về số lượng DN các thành phần kinh tế thì tỷ lệ phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS hiện còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Bằng chứng là, hiện TP vẫn còn hơn 8.000 DN đủ điều kiện thành lập CĐCS chưa có tổ chức CĐ. Nhiều nơi chưa thực sự cố gắng, chú trọng đến công tác này. Hơn thế, việc ổn định số lượng đoàn viên và nâng cao chất lượng hoạt động của CĐCS đến nay vẫn là bài toán khó, bởi sự biến động về số lượng DN, NLĐ diễn ra thường xuyên.

Để tháo gỡ những khó khăn trong công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS, vừa qua, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã kiến nghị Chính phủ có chế tài đủ mạnh để yêu cầu các chủ DN phải ủng hộ và tạo điều kiện cho việc thành lập CĐCS tại DN. Theo ông Phùng Văn Hỹ, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội, năm 2010 này, LĐLĐ TP phấn đấu chỉ đạo thành lập mới 350 CĐCS, kết nạp 35 nghìn đoàn viên. LĐLĐ TP mong muốn cấp trên có biện pháp giúp tháo gỡ khó khăn, trong đó vấn đề bức thiết là giao tổng số biên chế cán bộ CĐ cho LĐLĐ TP chủ động phân bổ cho các đơn vị một cách phù hợp nhất, bởi hiện nay nhiều nơi DN và NLĐ đông, nhưng cán bộ CĐ quá thiếu và ngược lại...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nút thắt khó gỡ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.