(HNM) - Những năm gần đây, điện ảnh Việt Nam liên tiếp nhận tin vui khi không ít tác phẩm của các nhà làm phim trẻ đã giành được những giải thưởng quốc tế tại: Liên hoan phim Sea Shorts 2021 - Liên hoan phim ngắn Đông Nam Á; Liên hoan phim quốc tế Venice 2020 (Italia); Liên hoan phim quốc tế Berlin 2019 (Đức); Liên hoan phim quốc tế Cannes 2019 (Pháp)… Điều đáng nói, từ những thành công này, nhiều dự án điện ảnh đã được các nhà đầu tư, quỹ hỗ trợ quan tâm, giúp các đạo diễn trẻ Việt Nam có cơ hội phát triển, vươn xa hơn nữa…
Theo đánh giá của giới chuyên môn, dù trẻ cả tuổi đời và tuổi nghề, nhưng các nhà làm phim trẻ luôn khát khao được làm việc và cống hiến hết mình. Họ hoàn toàn có thể trở thành những tài năng của nền điện ảnh Việt Nam trong tương lai.
Song, cũng phải nhìn nhận một thực tế là số lượng phim của các nhà làm phim trẻ Việt Nam đến với các giải thưởng điện ảnh, liên hoan phim trong nước và quốc tế hiện vẫn chưa nhiều. Lý do là kinh phí làm phim rất lớn, quá trình thực hiện mất nhiều thời gian, trong khi họ còn “non” cả chuyên môn, nghiệp vụ lẫn năng lực kêu gọi đầu tư nên hầu hết các nhà làm phim trẻ đều “bỏ tiền túi” để làm phim. Ngoài ra, tiêu chuẩn của các giải thưởng, liên hoan phim khá cao; việc kiểm duyệt, thẩm định phim trước khi tham dự các giải thưởng khắt khe… nên không phải bạn trẻ nào cũng dám dấn thân.
Để các nhà làm phim trẻ tiếp tục được cống hiến, phát huy tối đa khả năng sáng tạo của mình, hoàn thiện những tác phẩm có giá trị, mang lại vinh quang cho nền điện ảnh nước nhà, các bộ, ngành chức năng, cơ quan quản lý, hội nghề nghiệp… cần triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ.
Khó khăn lớn nhất đối với các nhà làm phim trẻ hiện nay đó là kinh phí. Do đó, để giải quyết khâu này, các cơ quan chức năng, hội nghề nghiệp cần chủ động phối hợp với các tổ chức, dự án, nhà đầu tư điện ảnh, làm cầu nối để các đạo diễn trẻ được tiếp cận với đa dạng nguồn vốn hỗ trợ. Bên cạnh đó, cần sớm thành lập và đưa vào hoạt động Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh nhằm tạo nguồn lực tài chính, thúc đẩy ngành Công nghiệp điện ảnh phát triển. Thực tế, nhiều nước trên thế giới đã hình thành và duy trì hiệu quả quỹ này. Còn tại Việt Nam, câu chuyện thành lập quỹ đã nhiều lần được nhắc đến, nhưng nay vẫn chưa thành hiện thực. Đây là một thiệt thòi lớn đối với các nhà làm phim Việt Nam, đặc biệt là những đạo diễn trẻ.
Ngoài ra, cần tổ chức thêm nhiều “sân chơi”, sự kiện điện ảnh cho các nhà làm phim, nhất là nhà làm phim trẻ được tham gia, qua đó rèn luyện, nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn; phối hợp với các tổ chức để triển khai các dự án phim ngắn, phim điện ảnh, các khóa đào tạo nhằm tìm kiếm, nuôi dưỡng các tài năng trẻ. Đặc biệt, cần có kế hoạch, cơ chế, chính sách hỗ trợ để phát triển đội ngũ làm phim trẻ; quan tâm đến việc phổ biến phim, góp phần tăng nguồn thu cho nhà làm phim.
Về phía các nhà làm phim trẻ cũng cần tích cực học tập, nghiên cứu kinh nghiệm của các nhà làm phim trong nước và quốc tế, đồng thời phát huy tối đa lợi thế của thời đại công nghệ số trong quá trình sáng tạo tác phẩm. Đạo diễn trẻ cần bám sát hơi thở cuộc sống để cho ra đời những tác phẩm mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, chạm đến cảm xúc của khán giả.
Chỉ khi nào được hỗ trợ thiết thực về mặt tài chính, được bồi dưỡng về mặt chuyên môn, các nhà làm phim trẻ tài năng mới có thể phát triển, tạo ra những tác phẩm có tầm, giúp điện ảnh Việt Nam ghi dấu ấn ở các liên hoan phim quốc tế.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.