(HNM) - Nước Mỹ đã thoát khỏi nguy cơ vỡ nợ lần đầu tiên trong lịch sử khi tối 16-10 (giờ Mỹ), lưỡng viện Quốc hội lần lượt bỏ phiếu thông qua kế hoạch chi tiêu ngân sách mang tính thỏa hiệp; theo đó, đồng ý cấp ngân sách cho Chính phủ hoạt động trở lại đến ngày 15-1-2014 và gia hạn quyền vay tiền trả nợ
Lãnh đạo phái đa số tại Thượng viện, Thượng nghị sĩ Harry Reid (giữa) phát biểu tại cuộc họp báo sau khi thỏa thuận được thông qua ngày 16-10. |
Tổng thống Mỹ Barack Obama lập tức hoan nghênh sự hợp tác hiếm hoi giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hòa vào phút chót; đồng thời đã ký phê chuẩn dự luật về gia hạn trần nợ công, cho phép Bộ Tài chính được vay thêm tiền chi trả cho hoạt động của các cơ quan Chính phủ liên bang.
Thỏa thuận ngân sách Mỹ đạt được sau 12 giờ thương lượng căng thẳng giữa lãnh đạo hai đảng tại cả Thượng viện và Hạ viện. Mặc dù chỉ mang tính thỏa hiệp và tạm thời trong vài tháng, nhưng dự luật vừa được Thượng viện thông qua với 81 phiếu ủng hộ, 18 phiếu chống và Hạ viện với 285 phiếu ủng hộ, 144 phiếu chống là diễn biến góp phần giải tỏa phần nào tình trạng bè phái căng thẳng kéo dài trong nội bộ chính trường Mỹ thời gian qua, khiến một bộ phận công sở Chính phủ liên bang phải đóng cửa từ ngày 1-10. Bằng cú thoát hiểm lịch sử này, đầu tàu kinh tế thế giới thoát khỏi cảnh vỡ nợ và bước đầu khôi phục lòng tin của giới đầu tư toàn cầu. Sự kiện này ngay lập tức tác động tích cực lên thị trường tài chính. Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones và chỉ số 500 S&P tăng 1,4%. Giá dầu thế giới đã có dấu hiệu hồi phục. Tuy nhiên, nền kinh tế Mỹ đã bị tổn thất 24 tỷ USD trong 16 ngày bị đóng cửa một phần. Nhưng mất mát lớn nhất sau vụ việc là lòng tin của người dân Mỹ cũng như các nhà đầu tư toàn cầu trong những ngày qua và trong tương lai. Hậu quả việc Chính phủ Mỹ bị đóng cửa, theo Standard & Poor's, khiến nền kinh tế Mỹ mất 0,6% tăng trưởng trong quý IV, chỉ còn 2,4% so với dự báo 3% trước khi Chính phủ ngừng hoạt động.
Dẫu nước Mỹ vừa thoát hiểm nhưng chính trường Mỹ vẫn chưa hết sóng gió. Thỏa thuận ngân sách vẫn chưa giải quyết dứt điểm những vấn đề về chi tiêu và bội chi, nguyên nhân cơ bản gây bất đồng giữa những người Dân chủ và Cộng hòa. Liên quan đến Đạo luật Obamacare do Tổng thống B.Obama đề xướng, thỏa thuận cũng đưa ra một số cơ chế kiểm tra thu nhập với những người xin trợ cấp. Thế nên, nhiều nhà phân tích cho rằng "chiến thắng" ngân sách của Tổng thống B.Obama chưa thực sự trọn vẹn vì sẽ không kéo dài, bất chấp việc đảng Cộng hòa đã có những nhượng bộ nhất định với Obamacare. Nói cách khác, thỏa thuận mới mà Quốc hội Mỹ vừa đạt được vẫn không giải quyết dứt điểm được bất đồng về Đạo luật Obamacare. Bởi trên thực tế, cốt lõi của mọi tranh cãi trên chính trường Mỹ hiện nay bắt nguồn từ cuộc tranh giành quyền lực giữa hai đảng - Dân chủ và Cộng hòa - mà vấn đề cắt giảm chi tiêu, tăng thuế hay cải cách chăm sóc y tế chỉ là những hậu quả trực tiếp trước mắt. Đảng Cộng hòa - lực lượng đại diện cho những người nhiều tiền trong xã hội - chưa có dấu hiệu ngừng gây khó dễ trong thông qua ngân sách chi tiêu liên bang, nâng trần nợ công và quyết tâm đánh bại Đạo luật Obamacare được thiết kế theo hướng lấy tiền của người giàu để chi cho khoảng 30 triệu người nghèo chưa có bảo hiểm y tế. Xa hơn nữa, đảng Cộng hòa muốn tận dụng những khó khăn hiện nay của chính quyền Dân chủ để giành lại quyền kiểm soát Thượng viện trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào năm tới để từ đó kiểm soát cả lưỡng viện nhằm tạo đà cho cuộc bầu cử tổng thống năm 2016. Vì vậy, không quá khó để hiểu vì sao việc đóng cửa của chính phủ lại kéo dài và cuộc nâng trần nợ công Mỹ lại gay cấn đến thế.
Cuộc "đối đầu" Cộng hòa và Dân chủ là vấn đề muôn thuở của nước Mỹ. Vì thế, bất đồng đảng phái luôn dự báo những bế tắc mới và việc Chính phủ Mỹ sẽ lại bị đóng cửa cũng như thời điểm Mỹ vỡ nợ đã lại vừa bước vào thời gian "đếm ngược" mới. Nhưng bất luận vì lý do gì, cuộc "nhấn chìm" nước Mỹ của các nghị sĩ hai đảng trong cuộc đối đầu lợi ích mang tính phe phái đã quá rõ và những toan tính lợi ích nhóm đã giáng một cú nhớ đời vào các công dân của thế giới; đồng thời, làm xói mòn nghiêm trọng hình ảnh của xứ Cờ hoa với thế giới bên ngoài.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.