Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nửa chặng đường, nhiều thành quả

Thế Nguyên| 25/08/2017 06:50

(HNM) - 255/386 xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Nhiều vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh lúa, hoa, rau an toàn, chăn nuôi tập trung... đã định hình, mang lại giá trị thu nhập bình quân cao - đạt trên 230 triệu đồng/ha/năm.


Đấy là những "chấm phá" trên "bức tranh" tổng thể kết quả nửa chặng đường thực hiện Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020”. Những thành quả đó, kế thừa giai đoạn trước, đạt được nhờ nỗ lực của các cấp ủy đảng, chính quyền và sự năng động, sáng tạo của người dân. Nhờ vậy, Hà Nội trở thành một trong những địa phương dẫn đầu trong xây dựng nông thôn mới.

Tuy nhiên, trong nửa chặng đường còn lại của việc thực hiện chương trình nói riêng, của mục tiêu cải biến hoạt động sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, an toàn, bền vững, xây dựng diện mạo mới cho khu vực nông thôn và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, nhiệm vụ không dễ dàng. Thực tế, cái khó đặt ra không chỉ là các chỉ tiêu chương trình tăng lên (từ 39 lên 49), đồng nghĩa với "siết" tiêu chí mà còn bởi sự phát triển tất yếu về mặt kinh tế - xã hội. Trong khi đó, có thể điểm qua không ít rào cản như: Việc huy động nguồn lực xây dựng hạ tầng khung tại không ít địa phương khó khăn; tư duy sản xuất của người nông dân còn chậm thay đổi trong khi khả năng tài chính của họ còn hạn chế. Đặc biệt, mặc dù đã có nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích song đến thời điểm này, khu vực nông nghiệp - nông thôn vẫn chưa thực sự hấp dẫn với dòng vốn đầu tư, đặc biệt là đầu tư của doanh nghiệp.

Để nửa chặng đường còn lại tiếp tục gặt hái nhiều thành quả, góp phần vào thành công chung trong thực hiện Chương trình 02-CTr/TU, đòi hỏi sự cố gắng rất lớn.

Đó là phải bám sát, tiếp tục thực hiện có hiệu quả các giải pháp trọng tâm mà chương trình đã đặt ra để đạt được một cách bền vững các mục tiêu như phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, chuyên canh tập trung, giá trị cao, bền vững và an toàn vệ sinh thực phẩm; duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí ở các xã đã đạt chuẩn. Đặc biệt, thu nhập, chất lượng sống của nông dân phải được cải thiện rõ nét.

Về sản xuất, thông qua thẩm quyền phê duyệt quy hoạch, chính các địa phương phải dứt khoát từ bỏ tập quán cũ với việc triệt tiêu dần những mô hình nhỏ lẻ, manh mún, gây ô nhiễm. Đồng thời, trên cơ sở định hướng chung, các địa phương cần xây dựng những mô hình kêu gọi thu hút đầu tư hiệu quả mà hiện tại, các huyện như Phúc Thọ, Hoài Đức, Đan Phượng... đã thực hiện. Điều này cũng đòi hỏi nỗ lực tự thân của người dân khi chính họ phải thay đổi tư duy sản xuất.

Trong điều kiện hạ tầng cơ sở, môi trường khu vực nông thôn ngoại thành có nơi, có lúc đã và đang nảy sinh những vấn đề đáng lo ngại, đây là vấn đề cần đặc biệt xem trọng. Đòi hỏi đặt ra là trên cơ sở bản sắc, đặc trưng của từng địa phương, cần có quy hoạch khoa học, từ đó xây dựng nông thôn mới thân thiện, thực sự là nơi đáng sống của người dân địa phương, "chốn đi về" thiết thân của người xa quê.

Trong xây dựng nông thôn mới, người dân vừa là đối tượng thụ hưởng, vừa là chủ thể thực hiện. Cùng với Nhà nước, sự sáng tạo, chủ động của người dân để "cùng làm" sẽ mang lại hiệu quả tối đa. Tuy nhiên, các địa phương phải tuân thủ chỉ đạo "không huy động quá sức dân" của Trung ương và thành phố. Đó là hướng đi tất yếu để chương trình đạt kết quả trọn vẹn.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nửa chặng đường, nhiều thành quả

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.