Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nữ hoàng Cleopatra chết bởi rượu độc?

H.V| 02/07/2010 12:55

(HNMO) - Cleopatra, nữ hoàng cuối cùng của Ai Cập, đã chết sau khi uống một ly rượu cốc-tay chứa độc dược, chứ không phải bị rắn cắn, một nghiên cứu mới cho biết.


Theo Christoph Schäfer, giáo sư sử học người Đức thuộc Đại học Trier, nữ hoàng có nhan sắc huyền thoại dường như không phải chết do bị con rắn mào, một loài rắn độc mang bành của Ai Cập, cắn.

Schäfer, tác giả của cuốn sách bán chạy nhất ở Đức, "Cleopatra", đã nghiên cứu những thư tịch lịch sử để tìm ra những bằng chứng bác bỏ truyền thuyết về loài rắn mào 2000 năm tuổi. Phát hiện của ông đã được trình chiếu trên kênh truyền hình Đức ZDF.

"Cassius Dio, nhà sử học La Mã, đã viết khoảng 200 năm sau cái chết của nữ hoàng Cleopatra rằng, nàng đã chết một cách yên lặng và không đau đớn, điều này không phù hợp với cái chết của một người bị rắn mang bành cắn. Thực tế, nọc độc của rắn chắc chắn phải khiến người chết đau đớn và bị biến dạng", ông Schäfer nói.

Theo Dietrich Mebs, nhà nghiên cứu chất độc người Đức, một chuyên gia về chất độc tham gia vào nghiên cứu này, những triệu chứng xuất hiện sau khi bị rắn cắn là rất khó chịu và nó khiến người trúng độc nôn mửa, ỉa chảy và thở khó.

"Cái chết có thể chỉ xuất hiện trong vòng 45 phút, nhưng nó cũng có thể kéo dài hơn kèm theo những đau đớn ở vùng bị trúng độc. Cuối cùng, cơ thể người chết trông không được đẹp đẽ lắm bởi những thứ nôn mửa, ỉa chảy và vùng trúng độc bị sưng phồng", ông Mebs cho biết.

Những tài liệu cổ cũng ghi lại rằng, hai người hầu chết cùng với Nữ hoàng - điều này dường như càng không ăn nhập nếu Nữ hoàng quả thực chết vì bị rắn cắn, ông Schäfer nói.

Cleopatra đã tự tử vào tháng 8 năm 30 trước Công nguyên ở tuổi 39, tiếp sau gương người tình là nhà lãnh đạo La Mã Marc Antony, cũng tự kết liễu đời mình sau khi bị thua trong trận chiến Actium.

Vào thời gian đó, nhiệt độ ở Ai Cập lên cao đến nỗi "dường như không thể có con rắn nào có thể sống sót để mà cắn được", Schäfer nói.

"Vấn đề chính với bất cứ vết rắn cắn nào là những tác dụng không thể dự đoán được, bởi nọc độc của rắn biến đổi rất mạnh. Lượng độc tố mà chúng phun ra khi cắn cũng có thể rất thấp. Tại sao lại chấp nhận rủi ro này với những triệu chứng khó chịu trong khi vẫn có thể không chết được?", ông Mebs nói.

Theo các nhà nghiên cứu, những người đã tới Alexandria để tìm những bản ghi chép y học cổ, hỗn hợp các cây độc mà dễ dàng trộn lẫn vào rượu và gây ra những tác động dễ dự đoán trước, chắc hẳn hoạt động tốt hơn nhiều.

"Sách giấy cói cổ đã cho thấy, người Ai Cập đã biết về các chất độc và một cuốn sách đã nói rằng, nữ hoàng Cleopatra thực sự đã thử nghiệm chúng", ông Schaefer nói.

Bức tranh "Cái chết của Cleopatra" do họa sĩ Reginald Arthur vẽ năm 1892


Hai ông Schaefer và Mebs tin rằng, Cleopatra đã chọn một ly rượu cốc-tay chế từ thuốc phiện, aconitum (cũng được gọi là cây phụ tử) và cây độc cần - một cây có độc tính cao thuộc họ nhà cây mùi tây và cũng được tin là đã được sử dụng để đầu độc Socrates.

Ông Schäfer cho rằng, ly rượu độc pha chế như trên có thể gây ra cái chết không đau đớn chỉ sau vài giờ.

"Cleopatra đã thử nghiệm nhiều loại chất độc, bắt chước vua Mithradates VI. Trong cuộc tìm kiếm một cách chết yên bình và ít đau đớn nhất, nàng chắc hẳn đã quan sát cái chết của nhiều tù nhân bị xử chết bằng các loại chất độc khác nhau, trong đó có cả cái chết do rắn cắn", Adrienne Mayor, tác giả của cuốn sách tiểu sử về Mithridates "Vị vua chất độc", cho biết.

"Theo quan điểm của tôi, Cleopatra có thể đã uống một liều cao thuốc phiện nhằm an thần và sau đó chết với một vết rắn cắn trong vòng nửa giờ. Nữ hoàng chắc chắn đã rất bình tĩnh, không cảm thấy đau đớn khi chất độc của rắn mang bành làm hơi thở nàng chậm lại, nàng thở những hơi cuối cùng và chết", Mayor nói.

Theo Alain Touwaide, một chuyên gia quốc tế về cây thuốc cổ tại Viện Smithsonian và Viện bảo tồn và y học cổ truyền ở Washington, D.C, ly rượu độc cốc-tay về mặt kỹ thuật chắc chắn đã phát huy tác dụng rất tốt.

"Một hỗn hợp thuốc phiện, aconitum và cây độc cần chắc chắn là một sự kết hợp rất thông minh. Thuốc phiện và cây độc cần giúp mang lại một cái chết không đau đớn, làm dịu tác dụng của cây phụ tử, được người xưa tin là gây tác dụng chết người lên hệ thống đường ruột. Tuy nhiên, đó không phải là điều bình thường khi trộn những loại cây độc đó với nhau vào thời của Nữ hoàng Cleopatra", ông Touwaide nói.

"Cleopatra là nguồn cho vô số giả thuyết và huyền thoại và được công nhận là đã viết sách về chất độc, mỹ phẩm và y học. Tôi tin rằng việc tìm thấy thi thể Nữ hoàng và tiến hành phân tích sẽ là cách giải mã bí ẩn về cái chết của nàng", Touwaide nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nữ hoàng Cleopatra chết bởi rượu độc?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.