(HNM) - 47 kiốt được Ban quản lý Dự án nhà ở có chức năng hỗn hợp Đại Thanh (BQLDA Đại Thanh), tại khu vực Cầu Bươu, xã Tả Thanh Oai (Thanh Trì) dựng lên và nhiều người dân đã mất cả trăm triệu đồng để mua.
Theo quan sát của phóng viên, liền với con đường chính dẫn vào Dự án nhà ở Đại Thanh là dãy ki ốt nằm trên vỉa hè, bán hàng nhu yếu phẩm khá sầm uất, quay lưng ra đường Phan Trọng Tuệ… Những ki ốt này tuy hạn chế được cảnh bán hàng rong nhếch nhác, song cũng gây phản cảm vì đã choán hết không gian chung, khiến đô thị như một khu phố nhộm nhoạm… Theo phản ánh của người dân, để có được những ki ốt đó, nhiều người đã phải mất thêm tiền cho BQLDA Đại Thanh mới có được chỗ bán hàng, tuy giá thuê mỗi tháng chỉ 2,5 triệu đồng/ki ốt, nhưng để có được chỗ ngồi này nhiều người phải bỏ ra cả trăm triệu đồng… Tuy nhiên gần đây, các hộ kinh doanh nhận được thông tin phải di dời hàng hóa, tài sản vì ki ốt sắp bị cưỡng chế phá dỡ…
47 ki ốt nằm trong chỉ giới mở đường Phan Trọng Tuệ tại khu nhà ở Đại Thanh. |
Qua làm việc với các cơ quan chức năng, chúng tôi xác nhận một phần thông tin trên là có cơ sở. Cụ thể là tại Dự án nhà ở Đại Thanh hiện có khoảng 14.000 người sinh sống, do đó nhu cầu mua bán hàng hóa nhu yếu phẩm hằng ngày rất lớn. Giữa tháng 6-2014, BQLDA Đại Thanh đã tự ý xây dựng 47 kiốt khung sắt, lợp mái tôn, xung quanh quây tôn với diện tích 12m2/ki ốt cho người dân thuê bán hàng. Đầu tháng 7-2014, các gian hàng hoàn thiện và đi vào hoạt động. Việc cho thuê ki ốt không có hợp đồng hay bất cứ một giấy tờ nào khác và mỗi hộ phải trả phí xây dựng 10 triệu đồng/ki ốt cho BQLDA. Một số hộ không có nhu cầu kinh doanh nên đã bán lại ki ốt cho người khác với giá từ vài chục triệu đến hơn 100 triệu đồng/ki ốt. Khi triển khai hoạt động kinh doanh, 47 ki ốt này không có hệ thống xử lý chất thải, xả nước thải trực tiếp ra môi trường gây ô nhiễm.
Theo tài liệu của Đội thanh tra xây dựng huyện Thanh Trì vào thời điểm cuối tháng 8-2014 thì ngoài 47 ki ốt nói trên (rộng 715,6m2), tại đây còn có thêm hai công trình khung sắt mái tôn, một dãy diện tích 192,3m2 chưa bàn giao sử dụng, dãy còn lại rộng khoảng 600m2 là nhà để xe và nhà bảo vệ… Toàn bộ việc dựng ki ốt, thu tiền và điều hành hằng ngày, BQLDA giao cho một cá nhân không phải là cán bộ của BQLDA, không có hợp đồng lao động thực hiện. Sau đó, cá nhân này lại tự ý thuê thêm 6 người khác để làm vệ sinh, bảo vệ khu vực ki ốt. Do các ki ốt xây dựng trên đất hành lang chỉ giới mở đường Phan Trọng Tuệ, việc xây dựng không có giấy phép nên Thanh tra Xây dựng huyện Thanh Trì lập biên bản, yêu cầu ngừng thi công xây dựng công trình từ ngày 22-8-2014, nhưng BQLDA vẫn không chấp hành. Sau đó, UBND xã Tả Thanh Oai ban hành quyết định đình chỉ thi công, quyết định xử phạt vi phạm hành chính và ngày 29-8-2014, Chủ tịch UBND xã Tả Thanh Oai đã ban hành Quyết định cưỡng chế… Song đến nay, công trình vi phạm vẫn tồn tại, người kinh doanh vẫn buôn bán bình thường.
Về việc này, ông Nguyễn Bằng Giang, Tổ trưởng tổ Thanh tra Xây dựng huyện đặt tại xã Tả Thanh Oai cho biết: Ngày 10-9-2014, đại diện BQLDA Đại Thanh và các cơ quan chức năng đã họp bàn về việc thực hiện cưỡng chế vi phạm. Tại buổi làm việc, đại diện BQLDA Đại Thanh đã thừa nhận vi phạm và xin được tự tháo dỡ công trình để tránh thiệt hại với thời hạn đến hết ngày 15-9. Ông Vũ Quốc Phan, Đội trưởng Đội Thanh tra Xây dựng huyện Thanh Trì thông tin thêm: Quan điểm của UBND huyện sẽ xử lý dứt điểm vi phạm; nếu quá ngày 15-9 chủ đầu tư không tự tháo dỡ thì lực lượng chức năng sẽ cưỡng chế phá dỡ vào ngày 18-9. Còn những thông tin tiêu cực liên quan đến việc mua bán kiốt, Công an huyện Thanh Trì đang điều tra, xác minh làm rõ để xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.