(HNMO) - Chiều 10-4, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tổ chức họp báo thông tin về công tác tuyển sinh đầu cấp năm học 2018-2019 và dự kiến đổi mới phương thức tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2019-2020.
Theo ông Phạm Quốc Toản, Phó Trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng giáo dục (Sở Giáo dục và Đào tạo): Năm học 2018-2019, việc tuyển sinh mầm non, lớp 1, lớp 6 của Hà Nội tiếp tục giữ ổn định theo phương thức xét tuyển. Ngoài hình thức tuyển sinh trực tiếp theo cách thức truyền thống, Sở Giáo dục và Đào tạo khuyến khích phụ huynh sử dụng hình thức trực tuyến để đăng ký dự tuyển cho con em mình.
Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cung cấp thông tin về tuyển sinh đầu cấp năm học 2018-2019 và dự kiến đổi mới phương thức tuyển sinh năm học 2019-2020. |
Với kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT công lập đại trà, phương thức kết hợp xét tuyển với thi tuyển vẫn được áp dụng, trong đó ngoài điểm học tập, rèn luyện ở cấp THCS, học sinh thi thêm môn ngữ văn và toán.
Tuy nhiên, từ năm học 2019-2020, Hà Nội dự kiến đổi mới phương thức tuyển sinh lớp 10 với việc tổ chức cho học sinh thi 3 bài, gồm hai bài độc lập là toán, ngữ văn và 1 bài tổ hợp. Trong đó, bài tổ hợp 1 gồm môn ngoại ngữ, vật lý, lịch sử và giáo dục công dân; bài tổ hợp 2 gồm môn ngoại ngữ, địa lý, hóa học và sinh học. Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ công bố bài thi tổ hợp cụ thể vào cuối tháng 3 hằng năm.
Chủ trương tổ chức bài thi tổ hợp để tuyển sinh lớp 10 là vấn đề “nóng”, thu hút sự quan tâm của hầu hết các thành viên tại cuộc họp báo. Trước việc Hà Nội chủ trương tổ chức bài thi tổ hợp với 4 môn thi và học sinh phải chờ đến tháng 3 hằng năm mới biết được sẽ phải thi bài tổ hợp nào, nhiều ý kiến bày tỏ sự lo lắng, cho rằng cách thức này sẽ khiến học sinh THCS chịu nhiều áp lực, thậm chí có thể còn nặng hơn so với học sinh THPT vì bài thi tổ hợp trong kỳ thi THPT quốc gia chỉ có 3 môn và các em được quyền lựa chọn.
Ông Phạm Quốc Toản lý giải: Kỳ thi THPT quốc gia ngoài mục đích xét công nhận tốt nghiệp THPT còn nhằm xét tuyển sinh đại học, cao đẳng; còn việc tuyển sinh THPT nhằm kiểm tra, đánh giá kết quả học tập ở cấp THCS, mà mục tiêu của cấp học này là giáo dục toàn diện. Việc tổ chức bài thi tổ hợp với các môn thi bao gồm cả khoa học tự nhiên và khoa học xã hội cũng nhằm mục tiêu này, tránh tình trạng học lệch trong một bộ phận học sinh.
Đổi mới cách thi - điều chỉnh cách dạy
Đại diện các nhà trường, bà Lê Kim Anh, Hiệu trưởng Trường THCS Cầu Giấy (quận Cầu Giấy) cho rằng, việc công bố chủ trương đổi mới phương thức tuyển sinh lớp 10 THPT trước 1 năm là phù hợp và học sinh không nên quá lo lắng bởi theo chủ trương đã công bố, phạm vi kiến thức đề thi chủ yếu nằm trong chương trình lớp 9, các em hoàn toàn có thời gian để chuẩn bị tốt. Việc tổ chức bài tổ hợp với 4 môn thi cũng sẽ giúp các nhà trường điều chỉnh cách dạy học phù hợp với yêu cầu của đề thi, buộc giáo viên, học sinh phải quan tâm, dạy và học đều tất cả các môn, không còn khái niệm “môn chính, môn phụ”.
Trước những băn khoăn cho rằng việc đổi mới cách thi trong khi các trường chưa đổi mới cách dạy và học là vội vàng, gây khó khăn cho học sinh, TS Nguyễn Tùng Tâm, Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục học Hà Nội, Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng nhận định: Nếu học mà không có kiểm tra, đánh giá thì học sinh thường không muốn học. Tình trạng này sẽ chấm dứt khi nào học sinh có ý thức tự học để phát triển năng lực bản thân, tuy nhiên, hiện nay, tại Việt Nam, điều này chưa thể thực hiện được. Vì vậy, việc Hà Nội mạnh dạn tổ chức bài thi tổ hợp sẽ buộc các trường THCS phải điều chỉnh cách dạy theo hướng toàn diện, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.
Theo ông Chử Xuân Dũng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, việc lo lắng trước chủ trương đổi mới về kiểm tra, đánh giá của học sinh, phụ huynh là điều dễ hiểu. Trước yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay, việc đổi mới cách thi tuyển vào lớp 10 là cần thiết bởi phương thức tuyển sinh hiện hành đã bộc lộ nhiều hạn chế, trong đó có việc học sinh chỉ tập trung vào học môn toán và ngữ văn, không bảo đảm mục tiêu giáo dục toàn diện. Mặt khác, khâu xét tuyển dựa vào việc đánh giá kết quả học tập, rèn luyện của học sinh ở cấp THCS chưa thật sự khách quan. Trước khi công bố phương án đổi mới này, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức lấy ý kiến của các chuyên gia, cán bộ quản lý, giáo viên và nhận được sự đồng thuận. Sắp tới, khi triển khai, Hà Nội sẽ công bố toàn bộ đáp án các môn thi vào lớp 10 nhằm bảo đảm sự công khai, minh bạch.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.