(HNM) - Ngày 2-6, các lực lượng chức năng của thành phố Hà Nội đã tổ chức kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa trước mùa mưa bão năm 2011. Cùng đoàn công tác liên ngành kiểm tra trên sông Hồng, các phóng viên thực sự bất ngờ, bởi ở ngay hai bến lớn tại trung tâm thành phố đều có lỗi.
Vật liệu xây dựng được tập kết với khối lượng lớn tại Bến Bạc gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng thoát lũ. Ảnh: Đức Thuật
Chưa kiểm tra đã biết... lỗi
Điểm đầu tiên tổ công tác liên ngành tới là bến Chương Dương. Đây là một trong những bến khách lớn trên sông Hồng, điểm xuất phát của các chuyến du lịch sông Hồng nổi tiếng. Tại đây, đoàn công tác phát hiện một chiếc tàu chưa đăng ký theo quy định. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng không cung cấp được danh sách thuyền viên cho đoàn kiểm tra. Giải thích lý do chưa đăng kiểm, đại diện doanh nghiệp cho biết, tàu mới mua và đang làm thủ tục đăng kiểm, đăng ký. Vị này nhận lỗi và hứa sẽ khắc phục trong thời gian sớm nhất. Đoàn kiểm tra đã lập biên bản xử phạt hành chính 400.000 đồng với lỗi không cung cấp được danh sách thuyền viên.
Rời bến Chương Dương, Đoàn kiểm tra đến Bến Bạc, một trong những bến tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng lớn thuộc địa bàn huyện Từ Liêm. Chưa cần làm việc với cán bộ HTX quản lý bến và các doanh nghiệp đã thấy sai phạm ngay trước mắt. Từng đống vật liệu xây dựng cao chất ngất ngay cạnh dòng sông. Theo Luật Đê điều, việc tập kết vật liệu quá mức cho phép sẽ ảnh hưởng đến dòng chảy khi lũ về, có thể gây hậu quả khó lường. Đội trưởng Đội Thanh tra Giao thông đường thủy Đoàn Đức Quang cho biết, những lỗi này chẳng cần kiểm tra đã biết. Khi yêu cầu kiểm tra giấy phép bến bãi, đại diện doanh nghiệp không xuất trình được ngay và đoàn phải ngồi đợi để cử người đến chỗ khác đem về. Bến này do HTX Liên Thắng đứng ra xin phép rồi hợp tác với 9 doanh nghiệp cùng kinh doanh. Tuy nhiên, hiện bến đã hết hạn hoạt động, đang xin gia hạn thêm. Ngoài những lỗi trên, không ít phương tiện, như cần cẩu, máy xúc tại bến chưa đăng kiểm, bảo đảm chất lượng theo quy định. Với những lỗi trên, đoàn công tác liên ngành đã lập hai biên bản xử phạt hành chính về lỗi bến bãi hết hạn hoạt động, phương tiện không đăng kiểm 1.850.000 đồng.
Phạt, vẫn cho hoạt động?
Kiểm tra, xử lý vi phạm an toàn giao thông đường thủy thường gặp rất nhiều khó khăn. Một cán bộ thanh tra giao thông cho biết, hiện có 7 chiếc canô phục vụ công tác kiểm tra, nhưng 1h chạy mất khoảng 40 lít xăng. Đây là khó khăn rất lớn. Việc các lực lượng chức năng phải sử dụng cả phương tiện đường bộ để đi kiểm tra, xử lý đường thủy là minh chứng cụ thể cho khó khăn đó. Ở bến còn thuận lợi vì có sự hợp tác của chủ bến, còn các chủ phương tiện đường thủy có vi phạm thường thiếu thiện chí hợp tác. Lực lượng chức năng lại thiếu phương tiện lai dắt phương tiện vi phạm và bắt về cũng không biết để đâu.
Theo quy định, nếu không đủ giấy phép, điều kiện theo quy định, cần thiết phải tạm đình chỉ hoạt động. Tuy nhiên, để làm được điều này không đơn giản, bởi bên cạnh cái lý còn vướng… cái tình. Chính vì việc không thể xử lý dứt điểm, nên tình hình hoạt động của các bến bãi, phương tiện dù đã được chấn chỉnh, nhưng vẫn lộn xộn. Thanh tra Sở GTVT cho biết, hiện toàn thành phố có hơn 200 điểm khai thác, tập kết vật liệu xây dựng, trong đó riêng trên sông Hồng có đến 158 điểm. Ngoài ra, thành phố có 48 bến thủy nội địa, 26 bến đò ngang, 14 bến trên hồ với khoảng 300 phương tiện thủy hoạt động trên các tuyến. Không ít bến thiếu phao cứu sinh, bình cứu hỏa, thậm chí hoạt động không phép hay hết hạn. Đó là chưa kể phương tiện cũ nát, người điều khiển không giấy phép... Việc ra quân xử lý rõ ràng là rất cần thiết, nhưng nếu với cách làm hiện nay, cơ quan chức năng xử phạt, người vi phạm hứa sẽ khắc phục rồi mọi chuyện đâu lại vào đấy sẽ chẳng thể giải quyết tận gốc vấn đề.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.