Theo dõi Báo Hànộimới trên

"Nóng" tín dụng cho bất động sản

Hà Linh| 12/05/2018 07:38

(HNM) - Tín dụng bất động sản, một trong những nguyên nhân chính từng gây ra nợ xấu, khiến hàng trăm dự án “đắp chiếu”, hàng loạt doanh nghiệp phá sản, kéo theo sự sụp đổ của không ít ngân hàng.

Thị trường bất động sản sôi động trở lại, tín dụng bất động sản cũng “nóng” dần. Ảnh: Sơn Hà


Tín dụng tăng cao nhất trong 5 năm

Theo Ngân hàng Nhà nước, 4 tháng đầu năm nay, tăng trưởng tín dụng đạt hơn 4,8%, mức cao nhất so với cùng kỳ 5 năm trở lại đây. Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng đều khẳng định dòng tiền chủ yếu chảy vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Tín dụng các ngành Kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, tín dụng vẫn tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dư nợ tín dụng đối với những lĩnh vực này chiếm khoảng 80%. Tín dụng đạt mức tăng cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây là tín hiệu tích cực cho thấy khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp tương đối tốt, hoạt động sản xuất, kinh doanh sôi động hơn và lợi nhuận của các ngân hàng có cải thiện tích cực.

Đại diện các ngân hàng cũng khẳng định, tỷ trọng lớn của nguồn vốn vẫn nằm ở 5 lĩnh vực ưu tiên của nền kinh tế. Đà tăng trưởng tín dụng mạnh của hệ thống ngân hàng cho thấy khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế có sự cải thiện, trong đó lớn nhất là tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Với con số 4,8% chỉ trong 4 tháng đầu năm nay, tín dụng có bước tăng "thần tốc" và đóng góp cho con số này là mức tăng mạnh của các ngân hàng. Cụ thể, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) có mức tăng tín dụng 4 tháng đầu năm là 8%, trong khi mục tiêu tăng trưởng cho cả năm chỉ là 17-18%, rõ ràng ngân hàng này đã đi gần 1/2 kế hoạch.

Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietcombank khẳng định, tín dụng của ngân hàng này đang chảy đều vào 5 lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ. Vietcombank đã đăng ký tham gia gói tín dụng cho nông nghiệp công nghệ cao trị giá 10.000 tỷ đồng. Còn tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank), tín dụng tăng 4% so với đầu năm và dư nợ tín dụng ước đạt hơn 752 nghìn tỷ đồng; Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đạt mức tăng hơn 4%. Nhiều ngân hàng khác có quy mô nhỏ hơn cũng đạt mức tăng gần 4%.

Dòng tiền có chảy vào bất động sản?

Mặc dù các con số đều rất khả quan, nhưng nhiều người vẫn tỏ ra lo ngại về đà tăng “nóng” của tín dụng trong những tháng đầu năm nay và những rủi ro có thể liên quan đến bất động sản. Theo TS Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu tài chính (Bộ Tài chính), với mức đầu tư công thấp và lạm phát không biến động, có hay không việc dòng tiền ít nhiều chảy vào thị trường trái phiếu, chứng khoán, hay bất động sản?

Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh cũng từng phát đi cảnh báo rủi ro thị trường phân khúc nghỉ dưỡng và condotel (căn hộ khách sạn), đang có sự bất bình thường về cung cầu với thị trường các dự án căn hộ khách sạn, biệt thự, nhà phố trong các khu du lịch nghỉ dưỡng. Thống kê từ 16 tỉnh, thành phố trên cả nước, đặc biệt là khu vực ven biển từ Bắc vào Nam cho thấy, chỉ tính riêng các khu du lịch nghỉ dưỡng quy mô lớn (từ 50ha trở lên) đã có 77 dự án, với tổng diện tích 18.019ha, 16.537 phòng khách sạn, 12.056 căn hộ condotel, 11.174 biệt thự nghỉ dưỡng...

Dự báo, trong 2 năm 2018- 2019, trung bình mỗi năm sẽ có khoảng 20.000 căn hộ condotel được mở bán. Các dự án bất động sản du lịch nghỉ dưỡng, cùng với các dự án bất động sản nhà ở cao cấp cũng thu hút nguồn vốn tín dụng và nguồn vốn đầu tư rất lớn của xã hội, của các nhà đầu tư thứ cấp, dẫn đến hiện tượng lệch pha dòng tiền đầu tư một cách đáng quan ngại. Rõ ràng, nếu theo những số liệu này, dòng tiền lớn cũng đang "chảy" vào bất động sản.

Nhận thấy những rủi ro tiềm ẩn dù các khoản vay mới chưa đến kỳ kết thúc, ngay từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng siết chặt cho vay vào lĩnh vực bất động sản, chứng khoán... để hạn chế nợ xấu, đồng thời ưu tiên vốn tín dụng cho sản xuất, kinh doanh.

Cùng đó, để bảo đảm an ninh, an toàn hoạt động ngân hàng và tăng trưởng tín dụng bền vững, Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng theo đúng chủ trương của Chính phủ và định hướng của Ngân hàng Nhà nước, kiểm soát chặt tốc độ tăng trưởng tín dụng theo đúng chỉ tiêu được giao, phù hợp với giải pháp điều hành chính sách của cơ quan quản lý.

Các tổ chức tín dụng không tập trung tín dụng với lĩnh vực bất động sản, cân đối nguồn vốn, sử dụng vốn để cho vay trung và dài hạn, bảo đảm khả năng thanh khoản, thường xuyên rà soát, đánh giá và theo dõi tiến độ của các dự án bất động sản, năng lực tài chính của khách hàng, khoản tín dụng và tài sản bảo đảm để có biện pháp xử lý thích hợp.

Ngân hàng Nhà nước cũng quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng. Cụ thể, các tổ chức tín dụng được sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn và dài hạn với tỷ lệ tối đa theo lộ trình: Từ ngày 11-2018 đến ngày 31-12-2018 là 45%; từ ngày 1-1-2019 là 40%; đồng thời, vẫn quy định nhóm tài sản có hệ số rủi ro 200% là các khoản phải đòi để kinh doanh bất động sản.

Như vậy, các “chốt chặn” đối với cho vay bất động sản đã được Ngân hàng Nhà nước thiết lập, nhưng vấn đề là ý thức quản trị rủi ro từ chính các ngân hàng, khi mà khối nợ xấu tồn tích từ các năm trước vẫn đang tiếp tục xử lý.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
"Nóng" tín dụng cho bất động sản

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.