(HNM) - Sau khi đạt chuẩn xã nông thôn mới, nhiều địa phương tiếp tục tập trung nâng cao chất lượng các tiêu chí, hướng đến xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Ngày 5-6-2018, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 691/QĐ-TTg ban hành bộ Tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2018-2020, làm cơ sở để các địa phương thực hiện. Phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với Cục trưởng, Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương Nguyễn Minh Tiến để làm rõ vấn đề này.
Ông Nguyễn Minh Tiến, Cục trưởng, Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương. |
Xây dựng nông thôn mới là quá trình liên tục
- Xin ông cho biết khái quát kết quả xây dựng nông thôn mới đến thời điểm này?
- Hiện nay, cả nước có 3.369 xã, chiếm tỷ lệ 37,6% tổng số xã, đạt chuẩn nông thôn mới. Dự kiến, đến hết năm 2018, số xã đạt chuẩn nông thôn mới sẽ chiếm trên 40% tổng số xã. Và mục tiêu đến năm 2020, cả nước có 50% tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới là hoàn toàn khả thi. Thực tế hiện nay đã có nhiều địa phương có tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới cao như: Tỉnh Đồng Nai (97%), TP Hồ Chí Minh (98%), tỉnh Nam Định (92%), TP Hà Nội (hơn 76%)...
Đáng chú ý, cùng với xây dựng xã nông thôn mới, cả nước còn có 52 huyện đạt huyện nông thôn mới. Nợ đọng xây dựng cơ bản đến thời điểm này chỉ còn 1.734 tỷ đồng (giảm gần 90% so với trước năm 2016) và dự kiến đến hết 2018, cả nước sẽ xử lý xong 100% số nợ.
- Một số địa phương có tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới rất cao, trong đó có TP Hà Nội. Từ kết quả đó có thể rút ra kinh nghiệm gì, thưa ông?
- Theo tôi, có được kết quả cao là do trung ương và các địa phương đã có nhiều cơ chế, chính sách linh hoạt, cách làm phù hợp. Xây dựng nông thôn mới cho giai đoạn này, Ban Chỉ đạo trung ương xác định 3 nhiệm vụ trọng tâm là: Hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập; cải thiện, nâng cao và bảo đảm chất lượng môi trường; xây dựng đời sống văn hóa và bảo đảm an ninh trật tự. Ngoài khung chính sách chung là quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành tiêu chí đánh giá xã đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2016-2020, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đều xây dựng những đề án riêng cho từng nhóm tiêu chí để đẩy mạnh thực hiện. Một số địa phương cũng có cách làm sáng tạo như tỉnh Quảng Ninh làm tốt phong trào “Mỗi xã một sản phẩm”, Hà Tĩnh làm tốt công tác xây dựng khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu…
- Sau khi đạt chuẩn xã nông thôn mới, nhiều địa phương đang tiếp tục xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Mục đích của việc này là gì, thưa ông?
- Trung ương có quan điểm chỉ đạo xây dựng nông thôn mới là quá trình liên tục, lâu dài, có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc. Việc đạt chuẩn nông thôn mới chỉ như “cột mốc khởi hành” cho cả chặng đường tiếp theo. Phải hiểu rõ như vậy mới nâng cao được chất lượng và tính bền vững của chương trình. Hiện, cả nước mới có 37,6% tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Những xã đã hoàn thành nông thôn mới tiếp tục chặng đường xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu chính là thực hiện tiếp quan điểm chỉ đạo trên… Thực tế, đã có 10 tỉnh ban hành bộ tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu cấp xã. Đặc biệt, tỉnh Hà Tĩnh đã xây dựng được 228 khu dân cư kiểu mẫu và 2.300 vườn mẫu.
- Vậy, xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu khác gì so với nông thôn mới trước đây?
- Xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu là đi vào chiều sâu chất lượng để nông thôn mới bền vững hơn, hiệu quả hơn. Trước đó, các xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới (theo 5 nhóm, 19 tiêu chí, 49 chỉ tiêu) mới dừng lại ở bình diện chung, phạm vi xã mà chưa đi vào chi tiết, cụ thể đến cụm dân cư, hộ gia đình…
Theo Quyết định số 691/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành bộ Tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2018-2020 (Quyết định 691), xã được công nhận nông thôn kiểu mẫu là xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao theo quy định và đáp ứng 3 nhóm tiêu chí: Sản xuất, thu nhập, hộ nghèo; giáo dục, y tế, văn hóa; môi trường, an ninh trật tự và hành chính công. Nông thôn mới kiểu mẫu không yêu cầu về quy hoạch và xây dựng hạ tầng nữa bởi công việc này đã hoàn thành khi địa phương xây dựng nông thôn mới, mà đi vào chiều sâu chất lượng hoạt động để phát huy giá trị nông thôn mới. Bộ Tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu theo Quyết định 691 cũng đầy đủ hơn, chi tiết hơn so với bộ tiêu chí mà các địa phương tự ban hành trước đây.
Dựa vào lợi thế từng địa phương
- Vấn đề đặt ra trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu hiện nay là gì, thưa ông?
- Vấn đề đặt ra cho các địa phương hiện nay là: Xây dựng khu dân cư, cảnh quan, khu vườn mẫu ra sao; trồng các loại cây gì, nuôi con gì để bảo đảm yếu tố bền vững, tạo được phong trào rộng lớn cho cộng đồng... Các vấn đề liên quan đến vùng miền, khí hậu, thổ nhưỡng. Hay như hiện nay, nhiều vùng nông thôn đang có tốc độ đô thị hóa nhanh, đặc biệt là ở các huyện ven đô, việc làm thế nào để giữ gìn được văn hóa truyền thống đặc thù và cảnh quan từng làng quê là điều không đơn giản.
Quan điểm chỉ đạo xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu của trung ương là coi trọng nâng cao chất lượng đời sống vật chất và giá trị hưởng thụ tinh thần của người dân. Khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu phải có thu nhập bình quân đầu người, trình độ dân trí, cơ sở hạ tầng, an ninh trật tự, môi trường, văn hóa - xã hội… cao hơn so với khu dân cư đạt chuẩn nông thôn mới đã được công nhận. Trong đó, mỗi địa phương sẽ có những điểm nhấn riêng. Tuy nhiên, sẽ rất khó để có ngay một xã nông thôn mới kiểu mẫu về tất cả mọi mặt. Do vậy, phải tùy theo lợi thế, đặc điểm tình hình của từng địa phương để chọn xây dựng mô hình kiểu mẫu. Theo Điều 2 của Quyết định 691, các địa phương căn cứ vào tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu và điều kiện thực tế địa phương, lựa chọn loại hình xã nông thôn mới kiểu mẫu nổi trội trong nhóm các tiêu chí, như sản xuất, văn hóa, giáo dục, du lịch, môi trường, an ninh trật tự… để hướng dẫn thực hiện. Điều này có nghĩa là, các địa phương có thể chủ động xác định lĩnh vực xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu cho địa phương mình trên cơ sở gắn với tổng thể chung của khu vực nông thôn có kết nối với các vùng xung quanh và cả đô thị. Ví dụ, chọn một hoặc một số nhóm cùng thực hiện như kinh tế và môi trường; du lịch và an ninh trật tự… Tuy nhiên, các địa phương không nên thực hiện cùng lúc nhiều nhóm, bởi khó tạo trọng tâm và bị loãng.
- Hà Nội có đặc thù riêng, theo ông, cần xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu thế nào?
- Theo tôi, Hà Nội cần có định hướng phân khu chức năng cho các xã nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng xã nào có lợi thế gì thì tập trung vào khai thác lợi thế đó để làm nông thôn mới kiểu mẫu, như sản xuất, dịch vụ, du lịch, môi trường… trên cơ sở quy hoạch tổng thể của huyện và thành phố. Ví như các xã ven đô của các huyện: Đan Phượng, Hoài Đức (Hà Nội), sản xuất nông nghiệp không có lợi thế bằng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ... do vậy, xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu không nên tập trung nhiều cho nông nghiệp mà nên tập trung về chất lượng dịch vụ xã hội, như: Y tế, giáo dục, an ninh trật tự hay văn hóa… Nếu chọn phát triển về nông nghiệp thì nên theo hướng nông nghiệp sinh thái, môi trường…
Ngoài ra, Hà Nội nên hình thành nông thôn mới kiểu mẫu về môi trường và cảnh quan nhằm tạo ra vùng đệm sinh thái cho đô thị, tạo ra sự gắn kết giữa đô thị với nông thôn. Nông thôn Hà Nội có tiềm năng lớn phát triển du lịch, dịch vụ; là nơi lý tưởng thu hút dân cư nội thành đến trải nghiệm cuộc sống thôn quê. Hà Nội có làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây) có thể xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu gắn với bảo tồn văn hóa truyền thống, du lịch. Trong sản xuất nông nghiệp nên chọn các cây trồng đặc sản, vừa tạo nguồn lợi cho nông dân, vừa có thể tôn tạo cảnh quan cho làng quê… Như vậy sẽ dần định hướng thêm các chức năng cho nông thôn để nông thôn không chỉ phát triển kinh tế đơn thuần, gắn kết với đô thị mà còn có chức năng duy trì cảnh quan, cân bằng sinh thái, tạo ra các vành đai xanh về môi trường và gìn giữ giá trị văn hóa. Bởi, dù cái “đích” là gì thì sự khác biệt giữa dân tộc này và dân tộc khác, quốc gia này và quốc gia khác chính là nét văn hóa riêng, cần trân trọng, duy trì thành nền tảng cho các lĩnh vực khác phát triển bền vững.
- Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.