Nông nghiệp - Nông thôn

Kiểm soát chặt chẽ chất lượng nông sản, thủy sản Việt Nam xuất khẩu vào châu Âu

Quỳnh Dung 24/02/2025 - 13:12

Ngày 24-2, Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật (SPS) Việt Nam phối hợp với Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức Hội nghị “Triển khai cấp bách các biện pháp tăng cường tuân thủ quy định an toàn thực phẩm của thị trường châu Âu”.

Thống kê cảnh báo của châu Âu đối với nông sản thực phẩm, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam Ngô Xuân Nam cho biết, trong năm 2024, châu Âu đã phát 5.268 cảnh báo cho tất cả quốc gia và vùng lãnh thổ. Các cảnh báo về vi sinh vật gây bệnh, dư lượng thuốc trừ sâu, thuốc kháng sinh luôn chiếm tỷ lệ cao. Trong đó, Việt Nam nhận 114 cảnh báo từ châu Âu, tăng gấp đôi so với năm 2023. Ngoài ra, trong 2 tháng đầu năm 2025, châu Âu đã có 8 cảnh báo về các thực phẩm mới. “Trong 8 cảnh báo về thực phẩm mới này, có 4 cảnh báo liên quan đến sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam”, ông Ngô Xuân Nam nói.

quang-canh-24-2.jpg
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Tùng Đinh

Như vậy, các mối nguy đối với cảnh báo sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam vào châu Âu, mối nguy về dư lượng hoá chất (thuốc trừ sâu, thuốc thú y) chiếm tỉ lệ cao nhất, theo sau là ô nhiễm vi sinh vật và độc tố nấm mốc. Các tỉnh, thành phố, như: Tiền Giang, Khánh Hoà, Bình Dương, Cần Thơ… cũng bị cảnh báo; hầu hết các tỉnh bị nhiều cảnh báo là những địa phương chưa xây dựng kế hoạch thực thi đề án SPS mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt.

nam-24-2.jpg
Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam Ngô Xuân Nam phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Tùng Đinh

Nguyên nhân dẫn đến bị cảnh báo nhiều là do hiện nay các quốc gia, vùng lãnh thổ đang gia tăng các biện pháp an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh động thực vật đối với nông sản thực phẩm và thuỷ sản nhập khẩu. Trong khi đó, hiện sản xuất trong nước, một số vùng trồng vẫn chưa tuân thủ các quy định của nhà nhập khẩu vì mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đối với mỗi hoạt chất của mỗi sản phẩm là khác nhau. Một số vùng nuôi thủy sản còn lạm dụng kháng sinh trong nuôi trồng, thiếu hiểu biết về vi khuẩn gây bệnh, môi trường nuôi bị ô nhiễm… Các cơ sở đóng gói, sơ chế, chế biến thì chưa cập nhật đầy đủ các quy định mới của châu Âu về danh mục thực phẩm mới, nhãn mác sản phẩm, sản phẩm tổng hợp để đáp ứng đúng quy định. Về phía cơ quan quản lý, một số cơ quan quản lý địa phương cũng chưa sát sao với vấn đề liên quan đến SPS. Việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm bị cảnh báo chưa được quan tâm đúng mức...

thuy-san.jpg
Châu Âu liên tục thay đổi các quy định về kiểm dịch, an toàn thực phẩm. Ảnh: TL

Để tuân thủ các quy định SPS và nâng cao chất lượng nông sản, thực phẩm xuất khẩu, các đại biểu cho rằng, các bên liên quan cần có kế hoạch hành động cụ thể để bảo đảm nông sản, thủy sản Việt Nam xuất khẩu vào châu Âu, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe, hạn chế cảnh báo, thu hồi, đồng thời nâng cao năng lực sản xuất an toàn, bền vững. Theo đó, các địa phương kiểm soát chặt chẽ vùng nguyên liệu, chuỗi sản xuất; triển khai chương trình giám sát dư lượng hóa chất, kháng sinh ở cấp vùng; xây dựng cơ sở dữ liệu truy xuất nguồn gốc toàn quốc theo chuẩn châu Âu. Cùng với đó, thiết lập quy trình kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt từ vùng nuôi trồng đến xuất khẩu, áp dụng công nghệ Blockchain để minh bạch hóa truy xuất nguồn gốc; hỗ trợ nông dân tiếp cận vật tư nông nghiệp an toàn, có nguồn gốc rõ ràng. Tăng cường trách nhiệm trong chuỗi cung ứng cam kết chỉ xuất khẩu hàng đạt chuẩn, tránh làm ảnh hưởng uy tín ngành hàng Việt Nam; kiểm tra định kỳ cơ sở chế biến, đóng gói trước khi xuất khẩu. Công khai danh sách cơ sở vi phạm quy định châu Âu để tránh rủi ro bị cảnh báo; xây dựng hệ thống cảnh báo nhanh để ngăn chặn lô hàng không đạt chuẩn trước khi xuất khẩu.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Kiểm soát chặt chẽ chất lượng nông sản, thủy sản Việt Nam xuất khẩu vào châu Âu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.