(HNM) - Việt Nam tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) và một số hiệp định thương mại tự do (FTA)... đang mở ra nhiều cơ hội cho nông sản trong nước khi hàng rào thuế quan được dỡ bỏ. Tuy nhiên, do yếu kém nội tại đặt ra những thách thức lớn đối với nông sản Việt Nam khi phải cạnh tranh khốc liệt với sản phẩm cùng loại của nước ngoài.
Tham gia AEC, Việt Nam có thêm nhiều cơ hội xuất khẩu gạo sang Philippines, Malaysia, Indonesia; rau quả sang Campuchia… Tuy nhiên, quá trình này sẽ nảy sinh những thách thức lớn, tăng sức ép cạnh tranh với nông sản nhập khẩu (Thái Lan, Lào…). Đặc biệt, các ngành hàng nhạy cảm khi tham gia AEC phải dỡ bỏ việc áp dụng hạn ngạch thuế quan (TRQ) là trứng, muối, đường vào năm 2018, nguy cơ bị thu hẹp sản xuất trong nước.
Các loại nông sản xuất khẩu chính của Việt Nam như: Gạo, cà phê, thủy sản… cũng phải cạnh tranh khốc liệt về giá và chất lượng sản phẩm. Năm 2015, thị trường gạo Việt Nam xuất khẩu sang các nước Châu Á chiếm từ 60 đến 80%, Châu Phi từ 11 đến 25%, Châu Mỹ từ 7 đến 10%, các nước khác từ 2 đến 3%. Đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu gạo, nhưng hiện nay Việt Nam vẫn chưa xây dựng được thương hiệu của riêng mình. Trong khi đó, các nước Thái Lan, Ấn Độ xuất khẩu mặt hàng này chiếm từ 60 đến 80% gạo chất lượng cao, giá cả cạnh tranh, khiến cho gạo Việt Nam chịu nhiều rủi ro.
Chủ tịch Ủy ban Mía đường thuộc Tập đoàn TTC Phạm Hồng Dương cho biết, khi trực tiếp tham gia AEC và FTA có nghĩa là thương lái nước ngoài có quyền thu mua trực tiếp nông sản của Việt Nam ngay tại đồng ruộng. Do đó, doanh nghiệp nước ngoài sẽ nắm được giá thành sản xuất, qua đó, có thể điều khiển sản lượng nông sản và diện tích gieo trồng của nông dân. Đến giai đoạn nào đó, nông dân bị động trong việc bán hàng, bị thương lái nước ngoài ép giá, lợi nhuận thấp, thậm chí lặp lại điệp khúc "trồng - chặt" thay thế bằng cây trồng khác. Đơn cử, trong tháng 3 vừa qua, nông dân các tỉnh Tây Nguyên đã chặt cà phê để trồng chanh dây bán cho thương lái Trung Quốc.
"Thời điểm đầu thương lái Trung Quốc mua với giá cao, nhưng sau đó không mua nên nông dân đổ bỏ, loay hoay với cây trồng mới. Nếu không giải quyết vấn đề này, nông nghiệp Việt Nam sẽ càng phụ thuộc vào nước ngoài và mất lợi thế ngay trên sân nhà" - ông Phạm Hồng Dương nói.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh, hội nhập kinh tế quốc tế là cơ hội, nhưng cũng còn nhiều thách thức cho các mặt hàng nông sản của Việt Nam. Do đó, khi đàm phán, Bộ NN&PTNT cố gắng “mở cửa” cho nông sản và bảo vệ các ngành hàng còn yếu. Về lâu dài, để phát triển nền nông nghiệp theo hướng bền vững dứt khoát phải thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng. Việt Nam hiện nay là nước xuất khẩu nông sản lớn trên thế giới và 10 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD/năm. Tuy nhiên, để duy trì và phát triển lợi thế này thì phải không ngừng đổi mới áp dụng khoa học nhằm tăng năng suất, giảm giá thành, an toàn thực phẩm, góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh.
Ngoài ra, Việt Nam phải xây dựng hệ thống thông tin, dự báo thị trường và công tác xúc tiến thương mại, bởi thời gian gần đây, thị trường nông sản có nhiều biến động, ảnh hưởng lẫn nhau giữa các thị trường ngày càng lớn. Để mở rộng thị trường, tận dụng cơ hội của quá trình hội nhập, bản thân doanh nghiệp cũng cần thúc đẩy hoạt động xuất khẩu cả ở thị trường truyền thống và mới... Doanh nghiệp cũng phải thay đổi phương pháp sản xuất, mẫu mã... nếu không muốn mất thị trường cho nước ngoài. Ngoài ra, Nhà nước cần có chính sách khuyến khích sản xuất mô hình quy mô lớn, kiểm soát nguồn gốc xuất xứ, xử lý các doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng mất an toàn vệ sinh thực phẩm; hỗ trợ đầu tư cho khâu chế biến, bảo quản sau thu hoạch.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.