Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nông nghiệp xanh - trách nhiệm

Thế Văn| 23/06/2022 06:33

(HNM) - Nhiều năm theo đuổi sản xuất nông nghiệp thâm canh, từ một quốc gia thiếu lương thực, Việt Nam đã trở thành cường quốc xuất khẩu nông sản. Tuy nhiên, phương thức sản xuất này khiến người nông dân phải đối mặt với nhiều vấn đề, từ suy thoái hệ sinh thái đến chi phí sản xuất; trong khi đó, biến đổi khí hậu đang đi vào từng ngõ ngách của đời sống kinh tế - xã hội và ngành Nông nghiệp đã phải gánh chịu không ít hệ lụy... Phát triển nông nghiệp xanh - nông nghiệp trách nhiệm là một trong những giải pháp cho những vấn đề nêu trên.

Thành công của nông nghiệp Việt Nam trong những năm gần đây là rất đáng ghi nhận, tuy nhiên, người nông dân đang phải đối mặt với không ít thách thức như: Áp lực suy thoái tài nguyên, sâu bệnh…; chưa kể chi phí “đầu vào” tăng cao, giá trị sản phẩm thấp hay vấn nạn mất an toàn thực phẩm. Do vậy, xây dựng một nền nông nghiệp sinh thái - nông nghiệp trách nhiệm đã, đang được đặt ra như một đòi hỏi tất yếu, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái toàn cầu.

Mục tiêu chính của nông nghiệp xanh - nông nghiệp trách nhiệm là cải thiện môi trường sinh thái, nâng cao chất lượng nông sản…; gia tăng năng lực sản xuất cho người nông dân cũng như sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường quốc tế. Và mấu chốt là một nền nông nghiệp có trách nhiệm, an toàn, vì cộng đồng, trong đó, chú trọng việc hạn chế sử dụng các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học… Từ những năm 90 của thế kỷ trước, một số quốc gia như: Thụy Điển, Đan Mạch, Hà Lan… đã tiên phong triển khai các phương thức canh tác xanh, giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật…

Thời điểm hiện tại, các địa phương trên địa bàn cả nước đã xây dựng được nhiều mô hình, phương thức sản xuất xanh mang lại hiệu quả tích cực. Ví dụ, với Hà Nội là phương thức sản xuất: Ít giống, ít phân bón vô cơ, ít thuốc bảo vệ thực vật; các mô hình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), hệ thống thâm canh lúa cải tiến (SRI)… Hiện nay, nhiều hộ nông dân ở Hà Nội đã thường xuyên sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học, thảo mộc…

Để phát triển nông nghiệp xanh - nông nghiệp trách nhiệm, cùng với những cơ chế, giải pháp thúc đẩy các mô hình nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ…, ngành Nông nghiệp cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, làm lành mạnh hóa thị trường buôn bán phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Cùng với đó là nâng cao trách nhiệm của các nhà sản xuất, kinh doanh trong việc hạn chế hoạt chất độc hại, không kinh doanh sản phẩm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nhập lậu, không rõ nguồn gốc, thuốc trong danh mục cấm… Mặt khác là nâng cao trách nhiệm của người nông dân khi sử dụng các hóa chất trong sản xuất, không để gây hại cho chính mình và cộng đồng. 

Đặc biệt phải kể đến người tiêu dùng trong việc nhận thức về an toàn thực phẩm, không tiếp tay cho việc lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, “nói không” với việc mua nông sản không rõ nguồn gốc, trôi nổi. Khi sản phẩm của nông nghiệp xanh - nông nghiệp sinh thái có vị thế trên thị trường, chắc chắn các sản phẩm được sản xuất một cách vô trách nhiệm sẽ không còn chỗ đứng.

Với sự vào cuộc tích cực của các địa phương trong việc xây dựng những mô hình nông nghiệp xanh - nông nghiệp trách nhiệm, con đường đến với nông sản sạch đại trà cho hết thảy người tiêu dùng sẽ ngắn hơn. Nông sản Việt Nam sẽ có chỗ đứng vững chắc trên thị trường thời hội nhập kinh tế quốc tế. Nông nghiệp nước nhà sẽ thích ứng với biến đổi khí hậu để phát triển bền vững. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nông nghiệp xanh - trách nhiệm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.