Nông nghiệp

Thanh Oai xây dựng nông nghiệp xanh

Đào Huyền 06/12/2023 - 07:22

Với mục tiêu xây dựng huyện trở thành vành đai xanh của Thủ đô, những năm qua, huyện Thanh Oai đặc biệt chú trọng đến phát triển nông nghiệp xanh.

Huyện Thanh Oai đã phát triển các mô hình ứng dụng công nghệ cao, xây dựng các chuỗi liên kết, giúp giá trị kinh tế nông nghiệp tăng cao, môi trường sản xuất luôn bảo đảm các tiêu chí an toàn về môi trường.

thanh-oai.jpg
Chăm sóc hoa lan ứng dụng công nghệ cao tại xã Mỹ Hưng (huyện Thanh Oai). Ảnh: Trọng Hiếu

Những ngày này, vườn lan hồ điệp của gia đình anh Ngô Minh Trưởng (xã Mỹ Hưng) tất bật chuẩn bị cho vụ lan Tết Nguyên đán sắp tới. Vườn lan hồ điệp có quy mô 1.500m2, trồng hơn 45.000 cây hoa lan hồ điệp các loại. Lan được trồng trong nhà kính, có hệ thống quan trắc độ ẩm, nhiệt độ, ánh sáng..., với tổng kinh phí 6 tỷ đồng. Trung bình mỗi vụ lan, gia đình anh thu được từ 3,5 đến 4 tỷ đồng/năm.

“Chuyển sang mô hình trồng lan hồ điệp, tuy đầu tư lớn, nhưng cho hiệu quả kinh tế cao. Điều quan trọng, mô hình sản xuất sạch, bảo vệ môi trường, phù hợp với sản xuất nông nghiệp ven đô và trong bối cảnh đô thị hóa nhanh như hiện nay”, anh Trưởng chia sẻ.

Không chỉ trong trồng trọt, Thanh Oai còn phát triển nhiều mô hình chăn nuôi thủy sản theo hướng VietGAP, tạo không gian sản xuất xanh, sạch. Điển hình là mô hình nuôi ếch thương phẩm ứng dụng công nghệ vi sinh.

Ông Nguyễn Trọng Hải - một trong hai hộ nuôi ếch đầu tiên ở xã Liên Châu thông tin, gia đình đã mạnh dạn chuyển đổi vùng ruộng trũng chăn nuôi vịt sang nuôi ếch công nghệ vi sinh với quy mô nuôi 45.000 con ếch trên diện tích 1.500m2 . Mô hình đã giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bệnh dịch và cho năng suất cao hơn 20% so với nuôi ếch thông thường. Sau từ 2,5 đến 3 tháng, ếch thương phẩm có trọng lượng 255-300g/con, mỗi năm nuôi được 2 lứa. Mô hình mở ra hướng chăn nuôi mới, tạo ra dòng sản phẩm an toàn, chất lượng cho người tiêu dùng.

Đó là hai trong rất nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao, sản xuất sạch mà nông dân Thanh Oai đã phát triển trong những năm qua. Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Kinh tế huyện Thanh Oai Nguyễn Doãn Thắng cho biết, huyện Thanh Oai hiện có 12 mô hình nông nghiệp công nghệ cao, như: Mô hình trồng rau thủy canh tại thị trấn Kim Bài với diện tích 225m2; mô hình trồng rau ứng dụng công nghệ cao ở xã Dân Hòa 3,4ha; mô hình chăn nuôi gà đẻ trứng theo chương trình VietGAP ở xã Hồng Dương, quy mô 30.000 con và xã Liên Châu có quy mô 30.000 con gà đẻ trứng, 10.000 con gà thịt…

Bên cạnh đó, huyện duy trì và phát triển 3 chuỗi liên kết: Chuỗi thực phẩm an toàn A-Z của Hợp tác xã Hoàng Long (xã Tân Ước); chuỗi gạo thơm Bối Khê (xã Tam Hưng); chuỗi trứng vịt Liên Châu (xã Liên Châu). Từ sự chuyển dịch đó, đến nay, Thanh Oai đã hình thành các vùng sản xuất tập trung, gồm: Vùng sản xuất lúa 6.453ha; vùng trồng cây ăn quả 300ha; vùng trồng rau an toàn hơn 100ha; vùng nuôi trồng thủy sản 300ha, phát triển theo hướng VietGAP và hữu cơ…

Đánh giá về các mô hình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, theo chuỗi khép kín của huyện Thanh Oai, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho rằng, huyện Thanh Oai đã và đang phát triển nông nghiệp theo đúng định hướng của thành phố. Theo đó, các huyện ven đô được xác định là vành đai xanh của Thủ đô cần có các mô hình nông nghiệp phù hợp, bảo đảm các yếu tố về giá trị, môi trường, tạo điểm nhấn về không gian xanh, sinh thái, du lịch cho nông nghiệp Thủ đô.

Còn Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Nguyễn Trọng Khiển chỉ rõ, nông nghiệp của Thanh Oai trước tiên phải là nền nông nghiệp xanh, sạch, hài hòa thiên nhiên và có giá trị kinh tế cao. Nằm cửa ngõ phía Tây Hà Nội, là trục kinh tế trọng tâm liên kết với nhiều quận, huyện, Thanh Oai tập trung phát triển các mô hình nông nghiệp sinh thái gắn với du lịch trải nghiệm. Huyện đã xây dựng và điều chỉnh quy hoạch các vùng phù hợp để phát triển bền vững; tiếp tục xây dựng các mô hình VietGap: Lúa hữu cơ của các xã Kim Thư, Hồng Dương, Tân Ước, Liên Châu…; mô hình nuôi trồng thủy sản theo hướng VietGAP tại xã Hồng Dương và các mô hình ứng dụng công nghệ cao trong trồng hoa, rau, cây ăn quả… Ngoài ra, huyện còn tập trung hỗ trợ các vùng xây dựng khu chế biến, không gian xanh để gắn du lịch với trải nghiệm thực tế; hỗ trợ phát triển thương hiệu và quảng bá sản phẩm…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thanh Oai xây dựng nông nghiệp xanh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.