Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nông nghiệp Hà Nội: hướng tới nông nghiệp hiện đại, sinh thái

Lan Hương| 21/02/2012 13:57

(HNMO) - Sáng 21-2, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã chủ trì phiên họp tập thể tháng 2-2012 để cho ý kiến về bản Quy hoạch tổng thể phát triển nông nghiệp TP đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.


Theo dự thảo quy hoạch, mục tiêu phát triển nông nghiệp của Hà Nội đến năm 2020 có tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011-2020 là 1,5-2,0%/năm; giai đoạn 2021-2030 đạt 1,2-1,5%/năm. Cơ cấu kinh tế nông nghiệp trong tổng GDP của TP năm 2015 chiếm 3-4%, năm 2020 là 2-2,5%. Cơ cấu giá trị sản xuất nông nghiệp năm 2015 có tỷ lệ là: trồng trọt 40%, chăn nuôi 50%, thủy sản 10%. Đến năm 2020, trồng trọt chiếm 34,5%, chăn nuôi 54%, thủy sản 11,5%. Giá trị sản xuất bình quân/1ha đất nông nghiệp năm 2015 là trên 231 triệu đồng, năm 2020 trên 340 triệu đồng.

Bản dự thảo quy hoạch cũng đề xuất: Sản xuất lúa chất lượng cao đến năm 2020 ổn định ở quy mô khoảng 40.000 ha, chiếm 35% diện tích, bố trí chủ yếu ở 8 huyện Phú Xuyên, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Chương Mỹ, Thanh Oai, Thường Tín, Ba Vì, Sóc Sơn. Sản xuất rau và rau an toàn theo quy định của TP và quy định của Bộ NN-PTNT, đến năm 2020 ổn định diện tích 34.000 ha, trong đó có 6.500 ha rau an toàn theo tiêu chuẩn Vietgap tại 123 xã của 18 quận, huyện, thị xã. Sản xuất hoa cây cảnh đến năm 2020 ổn định diện tích khoảng 4600 ha, trong đó khoảng 475 ha hoa chất lượng cao tại Từ Liêm, Đông Anh, Gia Lâm, Đan Phượng, Hoài Đức, Thường Tín, Phú Xuyên, thị xã Sơn Tây, Ba Vì, Chương Mỹ, Thạch Thất, Sóc Sơn. Hình thành các vùng cây ăn quả có quy mô 100 ha/vùng trở lên. Diện tích ổn định đến năm 2020 khoảng 17.000 ha, tập trung chủ yếu phát triển các loại: bưởi, cam, nhãn chín muộn, chuối nuôi cấy mô tại các huyện vùng bãi sông Hồng, sống Đáy, sông Đuống.

Mặt khác, dự kiến vốn đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2011-2020 vào khoảng 41.411 tỷ đồng, trong đó vốn có nguồn gốc ngân sách chiếm 20%; phân theo các ngành: nông nghiệp 31.942 tỷ đồng, lâm nghiệp là 1.497 tỷ đồng, thủy sản 3.263 tỷ đồng.


Phát biểu thêm về bản quy hoạch, Giám đốc Sở NN-PTNT Hoàng Thanh Vân cho biết: Trên cơ sở Quy hoạch chung xây dựng Hà Nội, bản dự thảo quy hoạch nông nghiệp lần này đề cập đến các ứng dụng công nghệ sinh học và công nghệ cao. Trong quá trình khảo sát lập quy hoạch, đã nghiên cứu rất kỹ việc để vành đai xanh hướng tới nông nghiệp sinh thái. Phân khu rất rõ khu chăn nuôi đưa chăn nuôi ra khỏi khu dân cư, ứng dụng công nghệ, ổn định số lượng đầu con. Hiện TP có 3,5 triệu lợn giống, phấn đấu sẽ có 6 triệu lợn giống trong tương lai. Hợp tác với 7 tỉnh xung quanh TP để có thể sản xuất 3-3,5 triệu tấn lương thực. Hà Nội với tương lai dân số 10-12 triệu người thì với 92.000 ha chỉ bảo đảm được khoảng 1 triệu tấn lương thực.

Bên cạnh đó phát triển mạnh chăn nuôi bò thịt ở các vùng đồi gò. Mỗi năm bình quân sản xuất từ 300-350 ngàn tấn, bảo đảm 60% nhu cầu về thịt của thị trường Hà Nội. Các vùng có khu đô thị vệ tinh, phát triển nông nghiệp gắn với khu đô thị. Trong quy hoạch có 36 khu chế biến nông sản, trên cơ sở đó giải quyết lao động việc làm.

Phó Chủ tịch UBND TP Trần Xuân Việt bổ sung thêm: Diện tích lúa hàng hóa chất lượng cao của TP hiện đã đạt 30%; đến năm 2015 dự kiến đạt khoảng 70%; Năng suất đi đôi với chất lượng. Về chăn nuôi sẽ giảm dần đàn lợn (do ô nhiễm), hiện nay là 18 triệu con, sẽ ổn định khoảng 15 triệu con, mà cũng chỉ chủ yếu phát triển giống; tập trung phát triển bò thịt, bò sữa. TP sẽ phát triển thêm rau, hoa quả, an toàn.

Đánh giá về bản dự thảo quy hoạch, ông Lê Văn Hoạt - Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân nhận xét: quy hoạch nông nghiệp lần này được thực hiện công phu, chất lượng, tuy nhiên chưa nêu rõ được quan điểm phát triển nông nghiệp đô thị sinh thái. Phát triển nền nông nghiệp tập trung, nông nghiệp sạch, hàng hóa, công nghệ cao; nông nghiệp sinh thái gắn với du lịch; nông nghiệp gắn với quá trình xây dựng nông thôn mới.

Danh mục các công trình trọng điểm, từ nay đến 2015 cần được nghiên cứu thêm, đề xuất công trình nào phải triển khai dứt điểm. Trong tờ trình Hội đồng nhân dân, bản dự thảo cần có kiến nghị để hội đồng thảo luận.

Phát biểu kết luận tại cuộc họp, Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo hoan nghênh Sở NN-PTNTT, đơn vị tư vấn đã đề xuất bản dự thảo quy hoạch công phu, khoa học; đã tham khảo ý kiến Bộ NN- PTNT. Tuy nhiên, Chủ tịch yêu cầu cần làm rõ thêm quan điểm phát triển; lường trước những biến động của thị trường. Ví như, người dân Hà Nội hiện hay ăn gạo của Thái Bình, Nam Định, không ăn gạo do Hà Nội sản xuất, vậy phải phát triển như thế nào? Phát triển nông nghiệp của Hà Nội phải nằm chung trong chiến lược phát triển quốc gia; năng suất chất lượng cao gắn với chế biến tiêu thụ.

Hà Nội “đất hẹp người đông”, không có nhiều đất nông nghiệp nên phải chọn lựa các thế mạnh để phát triển. Gắn nông nghiệp với sinh thái, tạo ra vùng du lịch. Ví như với vành đai xanh suốt từ Ba Vì đến chùa Hương có thể phát triển kinh tế đồi vườn rất tốt, phải định hướng phát triển. Nông nghiệp với phải gắn với quá trình xây dựng nông thôn mới và đô thị hóa. Tạo ra hàng hóa, phục vụ đô thị, góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Tới đây, nông nghiệp Hà Nội hướng tới là nông nghiệp hiện đại, sinh thái.

Với phần giải pháp thực hiện, Chủ tịch chỉ đạo, riêng về vốn phải làm rất kỹ, vốn xây dựng hạ tầng, vốn hỗ trợ ứng dụng công nghệ, cơ chế vốn cho nông nghiệp như thế nào, nếu cứ như lãi suất hiện nay thì khó cho nông nghiệp. Không làm kỹ về vốn thì quy hoạch không có tính khả thi. Phát triển nông nghiệp chỉ trông chờ ngân sách rất khó, cần tính cơ chế trong đó nhà nước hỗ trợ một phần lãi suất cho vay từ đó huy động các nguồn lực xã hội.

Sau phiên họp lần này, bản dự thảo Quy hoạch tổng thể phát triển nông nghiệp TP đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 sẽ được tiếp tục hoàn thiện để trình Hội đồng nhân dân TP thông qua.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nông nghiệp Hà Nội: hướng tới nông nghiệp hiện đại, sinh thái

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.