LỜI TÒA SOẠN: Bắt đầu từ hôm nay (1-1-2012), trong số chủ nhật hằng tuần, Báo Hànộimới ra chuyên mục mới "Đối thoại Chủ nhật". Thông qua cuộc trò chuyện giữa PV với các nhân vật đối thoại (các học giả, nhà lãnh đạo, cán bộ quản lý ở các cấp, các ngành ở trung ương, địa phương; nhân vật của công chúng hoặc những người công dân bình thường trong xã hội…), hy vọng chuyên mục sẽ giúp bạn đọc thêm một góc nhìn đa dạng về những sự kiện thời sự hoặc những vấn đề đang được xã hội quan tâm.
Nông dân Thủ đô có thể làm giàu từ kinh tế nông nghiệp?
Sau khi mở rộng địa giới hành chính (1-8-2008), đất nông nghiệp của Hà Nội có khoảng 192.000ha, chiếm 57,6% diện tích Thủ đô, lao động nông thôn có trên 2,4 triệu người, chiếm 62,5% lực lượng lao động trong độ tuổi của thành phố. Như vậy, việc phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống người nông dân như tinh thần Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XV có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong quá trình CNH-HĐH Thủ đô. Cũng vì lý do đó, nhân năm mới 2012, phóng viên Hànộimới đã có cuộc đối thoại với Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Xuân Việt về một số vấn đề xung quanh lĩnh vực này.
Các DN chưa mặn mà với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn
- Những ngày này chắc ông nhiều việc nên phải tới ba lần hẹn mới gặp được. Làm "tư lệnh" một lĩnh vực quan trọng của Hà Nội, việc ông phải tham gia nhiều cuộc họp không có gì là lạ vì với cương vị như vậy, càng phải họp nhiều... Họp nhiều như vậy có ảnh hưởng đến chất lượng công việc trong lĩnh vực ông phụ trách?
- Vâng! Lịch làm việc hằng tuần của tôi hầu như dày đặc các cuộc họp. Hà Nội bây giờ lại rất rộng, nếu như TP Hồ Chí Minh chỉ có 58 xã thì Hà Nội gấp hơn 6 lần, với 401 xã. Ví dụ, về trung tâm huyện Ba Vì dự họp, có thật khẩn trương cũng phải mất năm, sáu tiếng đồng hồ, coi như gần hết một ngày. Tôi nghĩ, phải làm hết trách nhiệm của mình. Muốn vậy phải sâu sát cơ sở và các vấn đề phát sinh. Nắm tình hình có chuẩn thì chỉ đạo mới chuẩn, nếu không là xa rời thực tế. Thế nên làm việc ngoài giờ như buổi "đối thoại" này chẳng hạn, cũng là chuyện thường.
- Ông nghĩ sao khi giá trị sản xuất nông nghiệp chỉ chiếm 6,4% cơ cấu kinh tế chung của thành phố?
- Nói như báo chí là hiệu quả thu được chưa tương xứng với tiềm năng.
- Phải chăng là do chúng ta chưa có sự quan tâm đúng mức?
- Trung ương Đảng đã có cả một nghị quyết về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (gọi tắt là "tam nông"). Bên cạnh đó cũng đã có nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi nhằm phát triển khu vực này. Nhưng để thể hiện sự "quan tâm đúng mức" thì chúng ta vẫn còn phải tiếp tục hành động quyết liệt. Do đó có thể hiểu, đây mới chỉ là kết quả bước đầu.
- Một trong biểu hiện chưa quyết liệt là đầu tư còn quá ít?
- Năm 2011, Hà Nội đã đầu tư cho khu vực nông thôn 39% tổng vốn đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách. Đó là cố gắng lớn nhưng đây không chỉ là đầu tư cho phát triển nông nghiệp mà còn để xây hạ tầng nông thôn như trường học, trạm y tế, công trình cấp nước sạch… Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa chỉ đạo, thời gian tới, mức đầu tư từ nguồn ngân sách cho khu vực này sẽ không dưới 50%. Một con số khác: Năm 2011 mới có 1,6% số DN đầu tư vào khu vực nông thôn của Hà Nội, mức đầu tư cũng mới chỉ chiếm 0,9% tổng lượng vốn. Như vậy là quá ít. Điều đó cho thấy các DN chưa mặn mà với những chính sách ưu đãi của chúng ta và vẫn cần phải tiếp tục điều chỉnh.
Ảnh: Nguyệt Ánh |
- Như vậy, bên cạnh nguồn vốn từ ngân sách, các DN có vai trò rất quan trọng trong phát triển nông nghiệp, nông thôn?
- Đó là thực tế cần khẳng định. Tôi lấy ví dụ, một DN sản xuất thức ăn chăn nuôi của Thái Lan, 100% vốn đầu tư nước ngoài, vào đầu tư tại huyện Chương Mỹ, sau 6 năm hoạt động đã giúp cho lĩnh vực chăn nuôi của cơ sở nói riêng và vùng lân cận nói chung tăng gấp 3 lần. Nhiều nông trại, hộ gia đình giàu lên trông thấy. Nhìn rộng ra, nếu không có sự "vào cuộc" của các DN, làm sao có thể ngăn chặn việc chèn ép giá, tổ chức thị trường tiêu thụ, làm sao chúng ta có thể đầu tư mở rộng sản xuất, nhanh chóng đưa các tiến bộ khoa học kỹ thật, cơ giới hóa... đến với bà con?
Nông dân có làm giàu từ kinh tế nông nghiệp?
- Không sống dư dật bằng nghề nông thì phải kiếm việc khác để có thu nhập. Có phải vì vậy mà ở nông thôn bây giờ nhiều nơi hầu hết chỉ có người già, phụ nữ và trẻ nhỏ, còn thanh niên thì đi các nơi kiếm việc làm?
- Vâng! Vừa rồi tôi đi kiểm tra việc gieo cấy chậm thời vụ, tìm hiểu nguyên nhân thì ra lực lượng lao động chính ở địa phương hầu như đều đã thoát ly. Thế là mọi việc đồng áng từ làm đất đến cấy lúa đều phải thuê. Mà muốn thuê người khác thì phải chờ họ làm xong phần ruộng của nhà họ rồi mới làm giúp được chứ!
- Đó cũng là điều dễ hiểu trong cơ chế thị trường. Mỗi người có thể lựa chọn để tìm cho mình công việc mang lại lợi nhuận cao nhất. Tuy nhiên, như vậy sẽ ảnh hưởng đến vấn đề nhân lực nông nghiệp nông thôn?
- Ý tôi muốn nói ở đây là lực lượng lao động nông thôn, tính toán cơ học số lượng là trên 2,4 triệu người nhưng không phải họ chỉ làm các công việc trong lĩnh vực nông nghiệp.
- Nhưng bà con năng động, chịu khó làm ăn như thế thì đời sống của từng hộ gia đình khá lên, bộ mặt nhiều vùng quê cũng khá lên. Ví dụ như nhiều xã của Hưng Yên, Hải Dương… toàn bộ thanh niên trai tráng đều lên Hà Nội làm thầu, làm thợ xây dựng. Hay có những thôn ở huyện Chương Mỹ (Hà Nội), hơn nửa số hộ rủ nhau thuê cửa hàng ở các quận trung tâm để mở hàng ăn, bán cơm bình dân… Điều đáng suy nghĩ là kinh tế nông nghiệp (vốn là thế mạnh của Việt Nam) lại không làm cho nông dân ta giàu lên!
- Tôi lại nhìn vấn đề hoàn toàn khác. Nếu như năm 2006, thu nhập bình quân đầu người của nông dân Hà Nội mới đạt 5,7 triệu đồng/năm thì năm 2010 con số ấy là 13 triệu đồng và mục tiêu đặt ra trong kế hoạch 5 năm 2011-2015 là 25-40 triệu đồng. Trước đây ở khu vực nội thành có tỷ phú thì ở nông thôn nếu dựa vào kinh tế nông nghiệp cùng lắm chỉ có triệu phú. Nhưng nay hoàn toàn khác, khu vực ngoại thành không thiếu những tỷ phú làm giàu từ trang trại, nuôi thủy sản, trồng hoa, cây cảnh… Thậm chí, đã có những nơi được mệnh danh là "làng tỷ phú".
Không phải 1 + 1 = 2
- Theo ông, vấn đề lớn nhất mà sản xuất nông nghiệp của Hà Nội cần vươn tới trong năm 2012 và những năm tiếp theo là gì?
|
- Chắc chắn là phải xây dựng nông thôn mới, nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp. Số lượng người sẽ ngày càng gia tăng trong khi đất không thể "đẻ" ra, thậm chí còn bị thu hẹp bởi quá trình đô thị hóa thì việc phải làm tăng lợi nhuận thu được trên một đơn vị diện tích là mục tiêu hàng đầu...
- Trên lý thuyết là như vậy nhưng để làm điều đó không hề dễ dàng?
- Vâng! Có rất nhiều việc phải làm và đều nằm trong một tổng thể để hướng tới mục đích đó.
- Vậy trong rất "nhiều việc phải làm" đó, việc nào là khó khăn nhất?
- Đó chính là cơ cấu lại ruộng đất mà nói nôm na là "dồn điền, đổi thửa". Như tôi đã nói, tính bình quân đầu người, nông dân Hà Nội chỉ có vài trăm mét vuông đất, nhưng mỗi hộ gia đình ít thì vài thửa ruộng, nhiều tới hơn chục thửa ruộng, rất manh mún. Bây giờ phải dồn đổi để mỗi hộ gia đình chỉ canh tác trên một, hai thửa ruộng, thậm chí tiến tới dồn đổi giữa họ hàng, dòng tộc. Trên cơ sở tập trung ruộng đất mới có thể tiết kiệm thời gian đi lại, chi phí vận chuyển cho bà con, từ đó cơ cấu cây trồng, đẩy mạnh cơ giới hóa nâng cao năng suất lao động, đầu tư áp dụng các tiến bộ khoa học, đặc biệt là về giống, hình thành các tổ hợp, các vùng sản xuất chuyên canh… Hiện chúng tôi đang nghiên cứu, hướng dẫn chuyển giao kỹ thuật tiên tiến để ứng dụng vào sản xuất; cải tiến phương pháp thu hoạch, bảo quản, chế biến để tăng giá trị thu nhập trên một héc ta đất nông nghiệp từ 6% đến 8%/năm.
- Đã có những nơi làm rất tốt việc này, điển hình là huyện Sóc Sơn. Dồn điền đổi thửa xong, đất lại dôi ra do khi không còn chằng chịt những bờ vùng, bờ thửa. Từ đó, quy hoạch lại, làm đường rộng 7m, 9m đi lại thuận tiện, cơ giới hóa cũng dễ dàng. Lợi ích nhìn thấy rõ, song việc dồn điền đổi thửa ở các nơi diễn ra còn chậm?
- Chúng ta đi lên từ nền văn minh lúa nước, sản xuất tự cung, tự cấp, tư tưởng cục bộ, lối sống tiểu nông đã ngấm sâu vào người nông dân. Do đó muốn chuyển đổi cũng cần phải có thời gian. Tuy nhiên, chắc chắn khi đã thấy rõ lợi ích thì bà con ta sẽ làm và làm triệt để.
- Nhưng có lẽ mọi việc không đơn giản như phép tính 1+1=2. Một dự án xây cầu bắc qua sông, làm cầu xong là hai bờ có thể đi lại thuận tiện; song ở đây hoạch định một lộ trình, chưa chắc mọi việc đều diễn ra như tính toán. Ví dụ quy hoạch xong thì dồn điền đổi thửa, tiếp đó là lựa chọn giống cây trồng, áp dụng khoa học kỹ thuật rồi thực hiện cơ giới hóa đồng ruộng…
- Vấn đề là ở chỗ đó vì nó còn liên quan đến nhiều bộ, ngành. Ví dụ muốn có giống tốt, cây trồng thích hợp thì còn phụ thuộc vào các nhà khoa học; muốn có vốn đầu tư thì phải phụ thuộc chính sách của ngân hàng; rồi còn tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu… Chuyện chăn nuôi gia súc gia cầm, nuôi trồng thủy sản… cũng tương tự. Nói chung là phải nằm trong một tổng thể tổ chức lại sản xuất nông nghiệp từ lực lượng lao động, hạ tầng, khoa học công nghệ, thị trường…
Trung tâm của mọi vấn đề là yếu tố con người
- Thưa ông, còn một vấn đề trung tâm của mọi vấn đề đó là yếu tố con người. Hiện nay chất lượng nguồn nhân lực trong nông nghiệp của Hà Nội là yếu, trong khi thực hiện những vấn đề trên để nâng cao giá trị sản xuất thì lại đòi hỏi nguồn nhân lực có trình độ cao. Ông nghĩ sao về điều này?
- Thực tế đúng là hiện nay hiệu quả của việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn chưa cao. Năm 2010, số lao động đã qua đào tạo khoảng 630.000 người, đạt tỷ lệ 29% tổng số lao động. Năm 2011 con số này đã nâng lên trên 40%, mục tiêu đặt ra là tới năm 2015 lao động nông nghiệp qua đào tạo của Hà Nội đạt 55%...
- Nhưng cũng như đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn" của Chính phủ với mục tiêu khoảng 1 triệu người mỗi năm, có vẻ như những con số nêu trên chưa khẳng định được giá trị trong thực tế?
- Chuyện này cũng như "đầu vào", "đầu ra" trong giáo dục đại học ở Việt Nam, việc đào tạo cứ đào tạo, còn hiệu quả sau khi được đào tạo, đó là việc làm, thu nhập ổn định cho người nông dân thì chưa tìm được những giải pháp hiệu quả. Vậy nên, chính nông dân cũng không mặn mà với việc đào tạo nghề, lớp trẻ ở nông thôn không gắn bó với sản xuất nông nghiệp. Ở Hà Nội, hiện chưa có lấy một trung tâm đào tạo nghề cho nông dân một cách bài bản. Nhất thiết thời gian tới, vấn đề này phải được thành phố mổ xẻ và tìm ra cách làm phù hợp.
- Với đội ngũ cán bộ ở cơ sở, có nhận xét rằng: vì trình độ hạn chế dẫn tới năng lực cũng hạn chế nên thiếu quyết tâm trong phát triển nông nghiệp, nông thôn. Với cương vị là Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội phụ trách lĩnh vực này, ông thấy nhận xét đó có đúng?
- Đúng là có một số cán bộ như vậy nhưng không phải là tất cả. Vấn đề của người lãnh đạo là phải sắp xếp đúng người đúng việc, phải giải phóng, phát huy được toàn bộ khả năng, năng lực của cán bộ dưới quyền. Điều đó cũng như việc tổ chức một trận đánh, nếu tổ chức nhân sự tốt, tổ chức công việc tốt, nắm chắc tình hình thì sẽ giành thắng lợi.
- Cũng giống như trong bóng đá, một huấn luyện viên giỏi là làm cho mọi cầu thủ của mình thể hiện được trên 100% phong độ mà họ có?
- Vâng! Khi đã có kế hoạch, giải pháp đột phá thì phải có đội ngũ để triển khai những ý tưởng đó. Cũng cần nói thêm, người lãnh đạo phải có tư tưởng cầu thị, như vậy mới có thể nhìn nhận những điều mình cần bổ khuyết, điều chỉnh. Sự bảo thủ không khác gì một bát nước đầy, khi tràn ra ngoài cả những điều tốt đẹp thì làm sao có thể thực hiện công việc đạt hiệu quả tối đa?
- Dường như ông rất rành về lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và cuộc sống của người nông dân. Điều đó thuận lợi cho công việc hiện tại ông phụ trách, nhưng có sợ rằng quá quen thuộc thì sẽ khó nhìn ra những cái mới?
- Ngay sau khi tốt nghiệp đại học tôi đã làm công việc này, mấy chục năm rồi. Tôi cũng đã từng được phân công xuống huyện làm bí thư kiêm chủ tịch UBND. Vì vậy nên tôi hiểu khá rõ ngành và những khó khăn của cơ sở. Tuy nhiên, tôi luôn luôn phải học. Cuộc sống luôn vận động mà.
- Gia đình ông có thu nhập gắn với kinh tế nông nghiệp?
- Từ năm 1989, gia đình tôi đã nhận giao khoán mấy chục hécta đất rừng, hiện nay nhà tôi cũng thành lập trang trại, mở rộng quy mô nuôi gà đẻ trứng...
- Xin cảm ơn ông về cuộc đối thoại cởi mở. Năm mới, chúc cho nông nghiệp, nông thôn và đời sống người nông dân Thủ đô trong năm 2012 có những bước phát triển mạnh mẽ. Chúc cho kinh tế nông nghiệp của gia đình ông thu được nhiều lợi nhuận. Chúc người nông dân Thủ đô luôn gắn bó với nông nghiệp và giàu từ kinh tế nông nghiệp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.