Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tạo nguồn nhân lực cho kinh tế nông nghiệp

Thế Văn| 27/12/2022 06:01

(HNM) - “Chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp”, xây dựng một nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững, có khả năng cạnh tranh cao, phải kết hợp nhuần nhuyễn giữa kinh nghiệm truyền thống với khoa học công nghệ hiện đại. Do vậy, tiếp cận những công nghệ hiện đại, thông minh để tự động hóa, tối ưu hóa sản xuất là một tất yếu phát triển. Và để làm được điều đó, đào tạo nguồn nhân lực là nhiệm vụ quan trọng, hàng đầu.

“Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước...”. Những năm gần đây, đặc biệt là năm 2022, nông nghiệp Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung đã đạt được nhiều thành công đáng ghi nhận. Nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh hay ứng dụng công nghệ số… được triển khai thành công, mang lại hiệu quả kinh tế cao là minh chứng cho việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, phát triển kinh tế nông nghiệp.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nông nghiệp có chung nhận định: Hà Nội và nhiều địa phương đang phải đối mặt với không ít vấn đề nội tại và thực tế cho thấy, nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chưa trở thành động lực chính để tạo đột phá phát triển; nhiều loại giống cây trồng, vật nuôi, vật tư nông nghiệp phụ thuộc vào nhập khẩu. Trong khi đó, công nghiệp cơ khí phục vụ nông nghiệp, chế biến nông sản chưa đáp ứng được yêu cầu… Tất cả vấn đề nêu trên đều liên quan đến nguồn nhân lực.

Mặt khác, nông nghiệp “thời đại 4.0” cũng như những ứng dụng công nghệ số đang và sẽ mở ra nhiều ngành nghề mới trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Cùng với đó, tiến trình đô thị hóa, hiện đại hóa đang diễn ra mạnh mẽ tại Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố cũng đang đặt ra những yêu cầu mới cho việc đào tạo nguồn nhân lực, góp phần thúc đẩy năng suất lao động, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Để đáp ứng yêu cầu đặt ra từ thực tế, đồng thời tạo động lực mới phát triển kinh tế nông nghiệp, cùng với việc đầu tư đồng bộ về cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ…, ngành Nông nghiệp cần phối hợp với các cơ quan chức năng chuẩn hóa chương trình, cơ sở đào tạo theo hướng tiếp cận các tiêu chuẩn của khu vực và thế giới. Cùng với đó là kết nối hợp tác, liên kết với cơ sở khoa học, đào tạo ở các nước phát triển để thực hiện những dự án nghiên cứu, chương trình đào tạo; đồng thời hình thành đội ngũ chuyên gia nghiên cứu, giảng dạy, chuyển giao công nghệ… trong lĩnh vực nông nghiệp có trình độ ngang tầm quốc tế.

Ngành Nông nghiệp cũng cần tạo thêm cơ chế, chính sách khuyến khích các nhà khoa học tăng cường chuyển giao công nghệ, kỹ thuật mới và triển khai những dự án phù hợp với tín hiệu thị trường cho các cơ sở sản xuất nông nghiệp; đồng thời tham mưu, đề xuất các chính sách xã hội hóa, thu hút doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư vào những dự án, đề án khoa học, công nghệ và tham gia đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho các lĩnh vực nông nghiệp.

Tư duy mới, phương thức sản xuất mới phải có nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu mới. Do vậy, cần đổi mới chương trình đào tạo để nâng cao tri thức, bổ sung kỹ năng mới đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp “thời đại 4.0” cũng như chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp. Cùng với đó là đổi mới tư duy đào tạo nghề cho nông dân và người lao động khu vực nông thôn theo hướng vừa đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường, vừa bảo đảm mục tiêu phát triển “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tạo nguồn nhân lực cho kinh tế nông nghiệp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.