(HNMO) - Chiều 7-6, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ ba, trả lời chất vấn với nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan cho rằng cần tổ chức lại sản xuất, tổ chức lại ngành hàng để thay đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp.
Chuyển dần sang xuất khẩu chính ngạch
Trả lời câu hỏi về câu chuyện “được mùa, mất giá” được đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn Đắk Nông) và các đại biểu chất vấn, Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định, đây là quy luật kinh tế. Cần phải có quy trình chế biến để giảm lượng dư thừa và chuẩn hóa thị trường, giảm áp lực thị trường. Bộ NN&PTNT nhận trách nhiệm về tiêu chuẩn, quy chuẩn trong công tác điều hành chuẩn hóa mặt hàng nông sản. Bộ đã giao các viện nghiên cứu chuẩn hóa lại quy trình sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt để tiết giảm chi phí đầu vào…
Về tình trạng ùn ứ nông sản tại cửa khẩu phía Bắc được đại biểu Hoàng Anh Công (Đoàn Thái Nguyên) nêu, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, khi đứt gãy chuỗi cung ứng trong giai đoạn dịch bệnh, Bộ NN&PTNT đã phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao cùng vào cuộc dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để hạn chế thấp nhất thiệt thòi, thiệt hại cho nông dân. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng cho biết, đây là trường hợp bất khả kháng do khác biệt trong quy định chống dịch của hai bên. Bộ trưởng nhận trách nhiệm của Bộ trong việc chậm thông tin về thị trường cho nông dân biết để có những thay đổi phù hợp với tình hình, dẫn đến tình trạng ùn ứ nông sản.
Về giải pháp, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng cần tổ chức lại sản xuất, tổ chức lại ngành hàng, các hiệp hội để dẫn dắt thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp cũng như định vị tại từng thị trường, trong đó quan trọng nhất là thay đổi từ việc tạo ra sản phẩm sang sáng tạo ra thành phẩm.
“Bộ NN&PTNT và Bộ Ngoại giao cũng dự thảo xây dựng riêng thị trường xuất khẩu sang Trung Quốc để chuyển dần từ xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch”, Bộ trưởng nói.
Để giải quyết vấn đề thị trường nông sản bất ổn mà đại biểu Nguyễn Văn Quân (Đoàn Hậu Giang) chất vấn, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, thông qua các cơ quan như: Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao và Tham tán thương mại nước ngoài, Bộ NN&PTNT cùng với các bộ đã xây dựng 3 thị trường lớn và một đề án riêng cho từng loại thị trường, trong đó có thị trường Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc. Mỗi loại thị trường có chuẩn mực, tiềm năng và có quy định, rào cản của thị trường. Việc xây dựng đề án riêng nhằm tránh tình trạng “đi buôn chuyến”, có chương trình xúc tiến bài bản, tiếp cận thị trường với số đông doanh nghiệp tham gia hơn. Từ những loại thị trường đó sẽ chuẩn hóa các vùng nguyên liệu để đáp ứng được từng loại thị trường.
Chuyển đổi từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp hàng hóa
Trả lời câu hỏi của đại biểu Dương Văn Phước (Đoàn Quảng Nam) về thương hiệu nông sản, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, muốn xây dựng thương hiệu thì phải bắt đầu từ hệ sinh thái của ngành hàng, phải xây dựng từ thương hiệu của doanh nghiệp, từ thương hiệu của hợp tác xã, của người nông dân…, thông thường phải mất 10, 15 năm mới hình thành được một thương hiệu. Do đó, cần thay đổi tư duy cho thương hiệu nông sản, bắt đầu bằng hệ sinh thái ngành hàng.
Trả lời chất vấn của đại biểu Trần Thị Hoa Ry (Đoàn Bạc Liêu) về việc người dân còn loay hoay trong việc tìm kiếm cây trồng, vật nuôi đáp ứng thị trường, Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định, nếu có sự vào cuộc và sự năng động của chính quyền địa phương thì sẽ giải quyết được vấn đề.
Dẫn chứng câu chuyện nông sản của một số địa phương như cà rốt Hải Dương, xoài Sơn La, nhãn lồng Hưng Yên, quả vải Bắc Giang, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nêu rõ, khi các địa phương vào cuộc một cách chủ động, thậm chí lãnh đạo địa phương trực tiếp đi tiếp thị, xúc tiến thương mại thì hình ảnh lãnh đạo địa phương cũng chính là đại diện cho thương hiệu của nông sản địa phương.
Phát biểu làm rõ một số vấn đề liên quan đến chất vấn của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định, nông sản của nước ta hoàn toàn có thể bán ra thị trường thế giới với thị trường rộng mở hơn. Trong đó, nhiều nông dân, vùng sản xuất đã có tư duy bán cái thị trường cần, chứ không bán cái mình có.
Về việc chuyển từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp hàng hóa, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết đã phối hợp với Bộ NN&PTNT khuyến cáo các địa phương quy hoạch vùng trồng, vùng nuôi, tổ chức lại sản xuất theo yêu cầu của thị trường; thông tin về thị trường nhằm khuyến cáo, định hướng sản xuất theo yêu cầu; đàm phán đưa sản phẩm nông sản vào các thị trường quốc tế nhằm khai thác lợi thế của 17 hiệp định FTA đã ký...
Ngoài những biện pháp đã thực hiện nêu trên, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết, thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục các giải pháp để đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch; phát triển thương mại điện tử, xây dựng thương hiệu sản phẩm và liên kết trong quá trình sản xuất.
“Đồng thời, thực tế chứng minh vừa qua, cấp ủy, chính quyền ở đâu vào cuộc mạnh mẽ thì ở đó sản phẩm nông sản có thể trở thành hàng hóa”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nói.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.