Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nông dân quá khó khăn, Bộ trưởng lại quá “hiền”

Hương Ly| 12/06/2013 16:38

(HNMO) - Hàng loạt những vấn đề “nóng” trong lĩnh vực nông nghiệp đã được các ĐB QH thẳng thắn chất vấn với “tư lệnh ngành” nông nghiệp.

Hàng loạt những vấn đề “nóng” trong lĩnh vực nông nghiệp liên quan đến giống, cây trồng, vật nuôi cũng như việc kiểm soát chất lượng trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi đã được các ĐB QH thẳng thắn chất vấn với “tư lệnh ngành” nông nghiệp.

Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát trả lời chất vấn tại Quốc hội.


Sản xuất nông nghiệp khó trăm bề

Ngay từ những phút đầu tiên của phiên chất vấn, nhiều ĐBQH đã có những câu hỏi thẳng thắn về khó khăn của người nông dân (ND) trong bối cảnh phải cạnh tranh gay gắt với hàng nhập lậu. ĐB Nguyễn Thị Bích Hiền (đoàn Yên Bái) đặt câu hỏi: thời gian qua, ngành chăn nuôi suy giảm do dịch bệnh tăng, giá thức ăn chăn nuôi (TACN) tăng cao trong khi gia cầm không được kiểm dịch nhập lậu lại chiếm lĩnh thị trường khiến người sản xuất trong lĩnh vực chăn nuôi không có lãi, sản phẩm làm ra khó tiêu thụ. Vậy ngành nông nghiệp sẽ có giải pháp gì để “cứu” ngành chăn nuôi thoát khỏi những khó khăn hiện nay?

Về vấn đề này, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, trước khó khăn của ngành chăn nuôi, Bộ đã chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt nhằm phòng chống dịch bệnh. Bên cạnh đó, ngành cũng tăng cường kiểm soát giá thức ăn, con giống để người ND có được những sản phẩm tương xứng với số tiền bỏ ra. Cùng với đó, Bộ cũng phối hợp chặt chẽ cơ quan liên quan và biên giới quyết liệt kiểm soát nạn buôn lậu và cơ bản kiểm soát được việc buôn lậu gia cầm qua biên giới. Với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, đến nay, nạn buôn lậu gia cầm kém chất lượng đã cơ bản được kiểm soát.

ĐB Trần Hoàng Ngân (Đoàn TP Hồ Chí Minh) nêu ý kiến, thời gian qua, người nông dân đang “lỗ kép”, doanh thu sụt giảm nghiêm trọng mà chi phí lại tăng. Vậy Bộ trưởng có giải pháp đột phá gì để giúp cho ngành nông nghiệp phát triển bền vững, người ND thoát nghèo yên tâm sản xuất trên mảnh đất của mình?

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, ngành nông nghiệp nhận thức rõ những khó khăn hiện nay và giải pháp đột phá là triển khai nghiêm chủ trương của Chính phủ về thực hiện Đề án tổng thể tái cơ cấu nền tế trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn và xây dựng đề án theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Sau khi có kế hoạch, sẽ phân công các ngành để triển khai thực hiện. Đây chính là giải pháp căn cơ để tháo gỡ khó khăn cho ngành nông nghiệp hiện nay.

Bộ trưởng cũng cho biết, khó khăn lớn nhất hiện nay với ngành nông nghiệp chính là tình trạng lúa đầy đồng, lợn gà, cá tra nhiều nhưng giá xuống thấp khiến thu nhập của ND ảnh hưởng nghiêm trọng. Để tháo gỡ khó khăn, Chính phủ đã có chủ trương thu mua 1 triệu tấn gạo tạm trữ để giữ giá cho nông dân. Nhờ vậy, những ngày gần đây giá lúa ở Đồng bằng Sông Cửu Long đã nhích lên. Chính phủ cũng đã chỉ đạo Ngân hàng nhà nước tăng hỗ trợ tín dụng cho ND để họ không phải bán lúa giá thấp đồng thời chỉ đạo các bộ ngành liên quan phối hợp với các DN thúc đẩy xuất khẩu để đẩy mạnh tiêu thụ nông sản.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, cần có giải pháp lâu dài, trong đó cần đặc biệt lưu tâm việc nâng cấp cải tiến cây trồng, vật nuôi nhằm tăng giá thành và chất lượng sản phẩm nông nghiệp. Bên cạnh đó, cần tiếp tục đầu tư hạ tầng thì mới có thể giúp nông dân làm ăn hiệu quả. Bởi hiện nay ở tỉnh Bạc Liêu, ND đang nóng lòng mong Chính phủ nâng cấp hạ tầng để nuôi tôm chất lượng cao. Để thực hiện điều này, cần sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn của Nhà nước thì mới có thể đáp ứng được nhu cầu hiện nay.

Nguy cơ lệ thuộc vào doanh nghiệp nước ngoài

Chất vấn Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, ĐB Nguyễn Ngọc Hòa (Đoàn TP Hồ Chí Minh) chia sẻ những khó khăn của ngành NN. Tuy nhiên ĐB đặt câu hỏi, hiện ngành chủ động được bao nhiêu % về cây giống, hạt giống, phân bón phục vụ trồng trọt và bao nhiêu con giống cho ngành chăn nuôi để có thể cạnh tranh trên thị trường. ĐB cũng bày tỏ sự băn khoăn về việc ngành nông nghiệp có nguy cơ bị lệ thuộc vào nước ngoài bởi yếu tố đầu do hiện nay 70% nguồn TACN phụ thuộc vào DN FDI. Hàng năm, Việt Nam cũng phải chi hàng trăm triệu USD để nhập khẩu hạt giống và con giống. Vậy đến bao giờ tình trạng này mới được khắc phục.

Về vấn đề này, BT cho biết, 7 triệu ha lúa hiện nay thì giống lúa do ta tự sản xuất. Một số giống lúa có nguồn gen từ nước khác, song các nhà khoa học nước ta đã chọn lọc phù hợp với điều kiện ở Việt Nam. Riêng miền Bắc có trồng lúa lai, thì khoảng 70-75% giống lúa lai này là nhập khẩu của Trung Quốc. Về phân đạm, hiện nước ta đáp ứng được khoảng 2/3 nhu cầu tiêu thụ phân đạm. Thuốc BVTV thì chủ yếu nhập nguyên liệu rồi đóng gói trong nước. Riêng vắc xin, nhiều loại sản xuất được, còn vắc xin phòng dịch tai xanh, cúm gia cầm vẫn phải nhập của nước ngoài. Với TACN, nguyên liệu chính là ngô, đỗ tương, khoai lang, sắn... nên chỉ có khoảng 30-35% TACN chế biến trong nước.

ĐB Trần Ngọc Vinh (Đoàn Hải Phòng) đặt câu hỏi, chất lượng nông sản của nước ta hiện thấp hơn so với khu vực, hậu quả hàng sản xuất ra khó tiêu thụ. Người ND được mùa mất giá nên có cố gắng đến đâu cũng khó thoát nghèo. Vậy Bộ NN sẽ có giải pháp gì để nâng cao vị thế nông sản nước ta tại thị trường trong nước và quốc tế?

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng cho biết, hàng nông sản của nước ta thời gian qua đã tăng mạnh về số lượng, không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn có dư để xuất khẩu. Năm 2012, tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt 27,2 tỷ USD và 5 tháng đầu năm đạt hơn 10 tỷ USD. Nhưng trên thực tế, nhiều loại nông sản của nước ta chất lượng kém hơn các nước trong khu vực. Lúa, gạo, cà phê đều kém hơn so với các nước xuất khẩu cùng loại. “Chúng tôi thấy rằng nhiệm vụ tập trung nâng cao chất lượng nông sản là nhiệm vụ chính của ngành NN trong thời gian tới. Đây cũng là mục tiêu đề ra trong đề án tái cơ cấu của ngành. Để làm được điều này, phải có giống tốt phổ biến cho bà con, xây dựng hệ thống CSHT tương thích giúp người ND phát triển sản xuất ổn định từ đó mới có thể đạt năng suất cao, bảo đảm chất lượng nông sản…"

Ghi nhận những nỗ lực của ngành nông nghiệp thời gian qua, song ĐB Trần Hoàng Ngân thẳng thắn góp ý: Tôi thấy Bộ trưởng còn hiền quá. Thời gian qua, kinh tế khó khăn, khiến không chỉ ngành nông nghiệp mà các ngành kinh tế khác cũng gặp tình trạng tương tự. Trong khi các ngành xây dựng, y tế thường xuyên tổ chức hội thảo “kêu cứu” Chính phủ và đề nghị giúp đỡ. Trong khi đó với ngành mình, người nông dân trong cả nước đang khó khăn thế mà Bộ trưởng lại hiền quá. Tôi khẩn thiết đề nghị, cần có giải pháp hỗ trợ nông dân bằng những gói hỗ trợ hết sức cụ thể để giúp nông dân thoát khỏi những khó khăn hiện nay.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nông dân quá khó khăn, Bộ trưởng lại quá “hiền”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.