Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nông dân Hà Nội nô nức xuống đồng

Bài, ảnh: Bạch Thanh| 08/02/2019 07:41

(HNM) - Trong khí xuân ấm áp, nông dân Hà Nội đã bắt đầu xuống đồng sản xuất. Trên khắp cánh đồng ở các huyện: Thanh Oai, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Ba Vì, Sóc Sơn... đâu đâu cũng thấy không khí nô nức, rộn ràng.

Tranh thủ nắng ấm, nông dân trên địa bàn xã Phú Túc, huyện Phú Xuyên ra đồng sản xuất vụ xuân.


Vui xuân không quên nhiệm vụ

Mùng 3 Tết, trên nhiều cánh đồng của huyện Ứng Hòa, nhiều nông dân đã ra đồng, người cấy lúa, người trồng rau, người đi thăm đồng… Chị Nguyễn Thị Thành (ở xã Sơn Công) tay thoăn thoắt cấy lúa, chia sẻ: “Ngay từ chiều mùng 2 Tết, tranh thủ thời tiết nắng ấm, gia đình tôi đã ra thăm đồng, kiểm tra nước để mùng 3 Tết cấy nốt 5 sào ruộng. Gia đình dự kiến mùng 6 Tết là cấy xong toàn bộ diện tích lúa xuân”...

Đến nay, xã Sơn Công đã cấy được 120/230ha lúa xuân theo kế hoạch. Vụ xuân 2019, toàn huyện Ứng Hòa gieo cấy hơn 8.900ha lúa và đến thời điểm này, toàn huyện đã gieo cấy được hơn 4.000ha, đạt gần 50% diện tích...

Tại cánh đồng trồng khoai tây vụ đông xuân chất lượng cao ở xã Mỹ Thành (huyện Mỹ Đức), ông Đinh Tiến Thao - người địa phương cho biết: "Khoảng gần một tháng nữa, toàn bộ cánh đồng khoai tây 20ha này sẽ được thu hoạch, đem về nguồn thu không nhỏ cho bà con. Qua kiểm tra cho thấy, cây khoai tây phát triển tốt, số lượng củ nhiều, đồng đều. Vui hơn là toàn bộ diện tích khoai tây đã được doanh nghiệp ký bao tiêu sản phẩm nên chúng tôi yên tâm sản xuất. Đặc biệt, đây là mô hình cơ giới hóa đồng bộ từ khâu làm đất, trồng, thu hoạch đều bằng máy nên nông dân chăm sóc, thu hoạch đỡ vất vả”.

Cách đó không xa, chính quyền và nhân dân xã Lê Thanh (huyện Mỹ Đức) cũng đang khẩn trương cấy lúa vụ xuân 2019. Nông dân vui đón xuân mới nhưng vẫn không quên nhiệm vụ kiểm tra đồng ruộng, chuẩn bị vật tư phân bón... Bà Đặng Thị Hiêm (ở xã Lê Thanh) cho biết: “Gia đình tôi có 8 sào lúa, tranh thủ con cháu về nghỉ Tết, thời tiết nắng ấm, tập trung cấy trong 4 ngày, từ mùng 3 đến mùng 6 Tết là xong”.

Là một trong những huyện trọng điểm nông nghiệp của thành phố, vụ xuân này, huyện Sóc Sơn gieo trồng hơn 10.000ha. Trong đó, diện tích lúa hơn 9.000ha, còn lại là rau màu, cây ăn quả các loại. Để sản xuất hiệu quả, bà Vi Thị Bình Anh, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn cho biết: Huyện đã bố trí hơn 3.300 máy các loại để làm đất, cơ giới hóa đạt trên 90%. UBND huyện Sóc Sơn đầu tư cải tạo 6 hồ, xây mới 8 trạm bơm và 63,28km kênh mương chính. Ngoài tập trung cấy lúa kịp khung thời vụ tốt nhất, vụ xuân là thời điểm thích hợp để trồng cây ăn quả, dược liệu - những loại cây trồng mới, cho năng suất cao. “Ngay từ những ngày đầu năm, vườn dược liệu Sóc Sơn đã đón nhiều bạn hàng và khách tham quan. Vụ xuân này, hợp tác xã phấn đấu trồng thêm 5ha dược liệu quý theo phương pháp hữu cơ. Toàn bộ các khâu chuẩn bị đất, giống… xong từ trước Tết, giờ là lúc chúng tôi bắt tay vào sản xuất, chỉ mong mưa thuận gió hòa, sản phẩm sạch của chúng tôi được người tiêu dùng đón nhận", bà Nguyễn Thanh Tuyền, Hợp tác xã Bảo tồn và Phát triển dược liệu Sóc Sơn (xã Bắc Sơn, huyện Sóc Sơn) kỳ vọng.

Cũng như các địa phương, không lơ là việc nhà nông, với huyện Thanh Trì, dù diện tích cấy lúa xuân không còn nhiều (1.250ha), nhưng ngay từ mùng 3 Tết, tranh thủ thời tiết nắng ấm, nông dân trong huyện đã tập trung xuống đồng để quyết tâm cấy xong trước ngày 24-2 theo kế hoạch của huyện. Cùng với đó, huyện Thanh Trì chỉ đạo nông dân trồng 720ha rau đậu các loại. Tương tự, tại huyện Phúc Thọ, cùng với chỉ đạo nông dân gieo cấy 3.454ha lúa xuân, phấn đấu kết thúc trong tháng 2, các xã, thị trấn tiến hành trồng 1.500ha rau màu và triển khai đồng bộ các biện pháp bảo vệ mùa màng.

Quyết tâm hoàn thành kế hoạch sản xuất

Nhằm gieo cấy đúng khung thời vụ do ngành Nông nghiệp đề ra, các đơn vị thủy lợi cùng nông dân ngay từ ngày mùng 3 Tết đã nô nức xuống đồng, tạo tiền đề đạt chỉ tiêu tăng trưởng của ngành. Theo kế hoạch, vụ xuân 2019, toàn thành phố gieo cấy 91.241ha và 22.961ha cây rau màu, hoa, cây cảnh... các loại. Tính đến ngày 7-2 (tức mùng 3 Tết Nguyên đán Kỷ Hợi), toàn thành phố gieo cấy được gần 8.000ha lúa xuân, trong đó, gieo sạ đạt hơn 1.100ha và trồng được 3.200ha cây rau màu, hoa, cây cảnh.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương, Chi cục đã khuyến cáo nông dân chăm sóc mạ đúng kỹ thuật, bảo đảm cây mạ khỏe, tăng sức chống chịu sâu bệnh hại; cấy lúa xuân tập trung, đúng khung thời vụ, áp dụng cấy lúa theo phương pháp SRI...

Để ứng phó với diễn biến thời tiết bất thường, Giám đốc Sở NN&PTNT Chu Phú Mỹ cho biết, nông dân cần thường xuyên thăm đồng, hoàn thành cấy lúa xuân sớm trong tháng 2 bởi nắng ấm dễ già mạ... Với điều kiện đồng ruộng thuận lợi, dự kiến, những ngày đầu xuân từ mùng 3 đến mùng 7 Tết, nông dân trên địa bàn thành phố gieo cấy đạt 2.000-2.500ha/ngày. Với tốc độ như hiện nay, ngành Nông nghiệp kỳ vọng kết thúc gieo cấy hơn 90% diện tích lúa xuân trong tháng 2.

"Đối với địa phương có truyền thống cấy muộn hoặc khó khăn về nước tưới, ngành Nông nghiệp khuyến cáo nông dân nên chuyển đổi sang cây trồng phù hợp. Quyết tâm hoàn thành kế hoạch sản xuất, Sở NN&PTNT đang tích cực phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan cùng nông dân tăng cường biện pháp đẩy nhanh tiến độ, đồng thời chú trọng chăm sóc, bảo vệ diện tích lúa đã cấy, bảo đảm cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt", ông Chu Phú Mỹ nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nông dân Hà Nội nô nức xuống đồng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.