(HNMO) - Sáng 25-12, Hội Nông dân thành phố Hà Nội phối hợp với Sở NN&PTNT Hà Nội, UBND huyện Mê Linh tổ chức hội thảo “Thúc đẩy sự tham gia của các cấp hội và hội viên nông dân trong thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) năm 2021”.
Thực hiện Chương trình OCOP, đến nay, Hà Nội đã đánh giá, phân hạng được 1.054 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên của 255 doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ thể sản xuất - kinh doanh. Năm 2021, thành phố có 27/30 quận, huyện, thị xã đăng ký đánh giá, phân hạng 581 sản phẩm OCOP. Hiện, Tổ công tác giúp việc Hội đồng thành phố đã đánh giá, phân hạng được 483 sản phẩm, đề xuất thành phố công nhận, cấp sao.
Với 1.054 sản phẩm OCOP, Hà Nội hiện là địa phương dẫn đầu cả nước (cả nước có 5.105 sản phẩm). Tuy nhiên, việc phát triển sản phẩm OCOP của Hà Nội vẫn còn một số khó khăn. Sản xuất của chủ thể chủ yếu vẫn nhỏ lẻ, manh mún. Một số sản phẩm chủ lực của các địa phương chưa xây dựng được thương hiệu. Sản phẩm OCOP phần lớn ở dạng thô sơ, hàm lượng công nghệ thấp, sức cạnh tranh chưa cao…
Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Phạm Hải Hoa cho biết, với vai trò và trách nhiệm của tổ chức Hội, trong những năm qua, các cấp Hội Nông dân đã vận động, hướng dẫn nông dân thực hiện dồn điền đổi thửa, sản xuất theo quy hoạch vùng tập trung chuyên canh, đưa cơ giới hóa vào sản xuất.
Trong năm 2022, Hội Nông dân thành phố tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm của các cấp Hội và hội viên trong thực hiện Chương trình OCOP năm 2022 cũng như những năm tiếp theo.
Bên cạnh đó, tổ chức Hội cũng mong muốn huyện Mê Linh và các địa phương đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ nông dân sản xuất tập trung, an toàn; lựa chọn các sản phẩm có tiềm năng để đầu tư phát triển, chuẩn hóa chất lượng để tham gia đánh giá, phân hạng trong Chương trình OCOP năm 2022.
Tại hội thảo, đại biểu sở, ngành và đại diện các doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ thể của huyện Mê Linh đã thảo luận, trao đổi, chia sẻ, đóng góp nhiều nội dung. Trong đó, đề xuất nhiều giải pháp nhằm vận động, khuyến khích các cấp Hội và hội viên nông dân tham gia phát triển sản phẩm OCOP. Trọng tâm là cơ chế, chính sách về liên kết, sản xuất - tiêu thụ nông sản; phương thức huy động nguồn lực xã hội, ứng dụng công nghệ cao…
Hội thảo đã góp phần nâng cao nhận thức của các cấp Hội và hội viên nông dân trong quán triệt, triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Trung ương và thành phố, các cấp ủy Đảng và chính quyền huyện Mê Linh về Chương trình OCOP; tháo gỡ nhiều băn khoăn của chủ thể sản xuất - kinh doanh trong phát triển sản phẩm OCOP…
Trước đó, huyện Mê Linh đã có 20 sản phẩm được phân hạng OCOP từ 3-4 sao, nâng tổng số sản phẩn nông nghiệp được chấm điểm và công nhận OCOP lên 55 sản phẩm…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.