(HNM) - Vậy là đến thời điểm này giá lương thực thế giới đã đạt mức kỷ lục, cao nhất trong hai chục năm qua. Và, thiên tai, mùa màng thất bát, bất ổn chính trị tại một số quốc gia, giá dầu trên toàn cầu tăng cao có thể sẽ còn đẩy giá lương thực tăng cao hơn nữa.
Thông tin từ một cuộc hội thảo vừa diễn ra tại Hà Nội cho hay, giá dầu mỏ tăng, nước Mỹ phải hướng đến việc dùng lương thực để làm nhiên liệu thay thế. Người Mỹ sẽ sử dụng khoảng 119 triệu (trong số 400 triệu tấn bắp) để chế dầu ethanol, số lượng đủ để nuôi sống 350 triệu người/năm, và theo tính toán thì để chế được một bình xăng cho chiếc xe hơi người ta cần lượng bắp có thể khiến một người no đủ suốt năm. Người ta đang lo ngại về một cuộc khủng hoảng lương thực đe dọa cả thế giới.
Thế nhưng xin hãy khoan nói về viễn cảnh khủng hoảng ấy để trở lại với phạm vi nhỏ hơn, đó là lợi ích của người trồng lúa Việt Nam. Giá nông sản tăng cao là diễn biến thuận lợi với người trồng lúa. Khi nhu cầu tăng, giá cũng tăng thì việc xuất khẩu lương thực sẽ đem về nguồn tiền lớn hơn, là cơ hội tốt để tăng thu nhập cho nông dân và tái phân phối phúc lợi xã hội.
Điều chúng ta đáng lưu tâm là làm sao để tận dụng được cơ hội ấy. Nhiều năm qua, câu chuyện xung quanh sự thăng trầm của hạt lúa đã rất thời sự. Nông dân vốn một nắng hai sương, phần lớn là lấy công làm lãi, không làm chủ được giá sản phẩm mình làm ra, không có tích lũy nhiều. Ngay cả khi giá nông sản có tăng cao thì cũng chưa đủ để họ bù đắp cho chi phí sản xuất và nhiều khâu trung gian khác. Thế nên bài toán đặt ra lúc này là làm cách nào để tăng lợi nhuận cho nông dân khi giá lương thực tăng. Tức là trả cho người trồng lúa quyền hưởng lợi đích thực trên sản phẩm của họ.
Như đã nói, giá lương thực có xu hướng lên cao là dấu hiệu tốt cho Việt Nam. Thế nhưng, để tận dụng được lợi thế này, cần có những chính sách hợp lý với cây lúa. Thực tế nông nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều vấn đề như: quỹ đất hạn hẹp, sản xuất manh mún, khoa học công nghệ lạc hậu, biến đổi khí hậu, thị trường bất ổn định… Vì thế cần tập trung vào xây dựng nền nông nghiệp công nghệ cao, đẩy mạnh nghiên cứu công nghệ, phát triển hạ tầng nông thôn, thu hút đầu tư, nhân lực vào nông nghiệp. Tức là hướng đến một chiến lược nông nghiệp có chất lượng nhất.
Một vấn đề đáng lưu ý là chính sách giá và cơ chế điều hành với nông sản. Yếu tố giá được coi là động lực quan trọng thúc đẩy quan hệ cung cầu sản phẩm, nó phải được tuân theo cơ chế thị trường. Tuy nhiên, thực tế ở nhiều nước giá nông sản, cụ thể như gạo chưa tuân theo quy luật đó khi vẫn sử dụng giải pháp kiểm soát, phân bổ chỉ tiêu xuất khẩu dẫn đến giá nông dân bán được chưa sát với giá trị sản xuất thực. Vì vậy, để đạt mục tiêu tăng lợi nhuận cho nông dân cũng rất cần đưa giá nông sản vận động theo cơ chế thị trường, tránh "độc quyền" kiểu đầu mối dễ phát sinh tiêu cực. Khi giá lương thực thế giới có xu hướng ngày càng tăng cao thì đòi hỏi này càng cấp thiết.
Kinh nghiệm từ Thái Lan, với đầu ra của lúa gạo, chính phủ can thiệp giá theo hướng hỗ trợ nông dân để tránh việc bà con bị ép giá, đồng thời chủ động trong điều tiết thị trường nội địa và xuất khẩu. Việt Nam là nước nông nghiệp, nông dân chiếm tỷ lệ lớn trong dân số, tăng lợi nhuận cho thành phần này cũng là tạo điều kiện để họ ổn định chất lượng sống trong bối cảnh kinh tế lạm phát như hiện nay. Nông dân tăng thu nhập sẽ dẫn đến tiêu dùng nhiều hơn, và đây cũng là động lực thúc đẩy nền kinh tế chung phát triển bền vững.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.