Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nóng con tim, lạnh cái đầu

Minh Quang| 12/12/2010 09:04

(HNM) - Vòng đấu bảng qua đi với đội tuyển Việt Nam trong biết bao lo âu, hồi hộp lẫn phấn khích. Tất cả trạng thái ấy đều bị đẩy lên ngưỡng cao nhất, theo từng bước chạy của các cầu thủ đội nhà.


Khi những phẩm chất tốt nhất được phát huy


Hậu vệ Quang Thanh (16) đang thi đấu rất xuất sắc trong hàng phòng ngự ĐTVN tại AFF Suzuki Cup 2010.


Thắng tưng bừng Myanmar đấy rồi bất ngờ thua Philippines và lại thắng Singapore trong trận cầu kịch tính không kém một bộ phim hành động siêu hạng của Hollywood, đoàn quân của ông Calisto có lẽ đã biết cách tạo nên một đoạn kết vòng bảng không thể gay cấn hơn. Tất nhiên, đó chỉ là cách nói vui nhưng thực sự những trận thắng, thua ấy đã phác thảo được gần như toàn bộ gương mặt của đội tuyển Việt Nam lúc này.

Mối lo thể lực của đội tuyển đã được cởi bỏ. Ông Calisto đã chứng tỏ kinh nghiệm cầm quân khi để các tuyển thủ đạt điểm rơi thể lực lúc vào giải. Nhờ vậy, các học trò của ông mới có thể thi đấu với cường độ cao trong suốt trận đấu, luôn lao lên phía trước (trận gặp Myanmar) khi đã gần như nắm chắc chiến thắng. Gần hết hiệp 1 trong trận đấu với Singapore, họ đã khiến nhiều người bất ngờ với lối chơi tốc độ cao, không ngại va chạm để từ đó dần áp đặt thế trận trước đối thủ kỵ giơ này.

Lối chơi của đội tuyển Việt Nam dưới thời Calisto dựa trên sự luân chuyển bóng liên tục, đòi hỏi khả năng di chuyển liên tục, hợp lý cũng như chuyển nhanh từ phòng ngự sang tấn công hoặc ngược lại. Nếu không đủ thể lực, cầu thủ không thể đáp ứng lối chơi này. Thế nên, trong những trận đấu trước AFF Suzuki Cup, khi các cầu thủ chưa đạt thể lực tốt nhất, đội tuyển Việt Nam liên tục có những kết quả kém tích cực. Còn hiện tại, khi đạt thể lực tốt nhất thì ý chí, khả năng chuyên môn được phát huy cao nhất.

Và nói gì thì nói, Calisto vẫn là nhà cầm quân có bản lĩnh. Với nhiều HLV khác, sau trận thua đầy ngỡ ngàng trước Philippines, họ sẽ đổ lỗi cho các học trò. Và quả thực, ông Calisto có lý do để làm điều tương tự bởi vì trong hầu hết hiệp 2, khi sốt ruột tràn lên gỡ hòa, các học trò ông lại liên tục dùng bóng bổng trước hàng phòng ngự Philippines, chẳng khác nào đâm đầu vào tường. Lối chơi ấy hoàn toàn mang tính tự phát, không giống những gì Calisto thường truyền dạy cho các học trò. Nhưng không có một lời than phiền nào về học trò sau trận đấu mà thay vào đó, Calisto liên tục ca ngợi nỗ lực của họ. Chỉ cần Calisto mất bình tĩnh, nổi nóng đổ lỗi cho học trò thì chắc gì đội tuyển Việt Nam có thể lột xác, vượt qua Singapore ở lượt trận cuối.

Có một chi tiết tưởng chẳng mấy liên quan trực tiếp tới cuộc đối đầu quyết định Việt Nam - Singapore, ấy là việc Calisto chỉ trích mạnh mẽ trang web của Ban tổ chức đã đăng bài "Đội tuyển Việt Nam bị hạ nhục bởi Philippines". Tưởng vậy mà không phải vậy, bởi với sự chỉ trích ấy, ông Calisto đã "một công đôi việc", trong đó có việc ra cú đánh thẳng vào lòng tự trọng của các tuyển thủ. Và hiệu quả đã đến đúng như lời Calisto đã nói: "Vấn đề của đội tuyển Việt Nam không nằm ở khâu kỹ, chiến thuật, mà là vấn đề tâm lý".

Sẽ là quá lời nếu nói rằng đội tuyển Việt Nam đã thể hiện bóng dáng của một nhà vô địch có đẳng cấp cao đủ áp đặt mọi đối thủ. Thắng tưng bừng Myanmar đấy rồi lại bế tắc, thua đội bị đánh giá yếu hơn là Philippines. Ngay cả trận thắng Singapore cũng xuất phát từ một bàn thắng đến từ pha phản công, khi hàng thủ Singapore bộc lộ sơ hở. Nếu Singapore chủ động cầm hòa như Philippines từng làm, có lẽ các chân sút Việt Nam còn khó khăn hơn nhiều trong việc tìm một trận thắng. Có hàng loạt cơ hội ghi bàn đấy nhưng sự hấp tấp, thiếu tỉnh táo trong những pha xử lý cuối vẫn lộ ra. Hàng thủ, tiếng là vững chắc nhưng sai lầm sơ đẳng vẫn xuất hiện.

Không thể đùa với Malaysia


Trước ngày lên đường sang Malaysia thi đấu bán kết lượt đi, ông Calisto đã chia sẻ: "Malaysia là đối thủ khó lường và đang thi đấu hay hơn sau từng trận. Trận thua đậm Indonesia ngay lượt đầu tiên vòng bảng, họ bộc lộ hàng loạt sai sót cá nhân khiến ít người tin rằng Malaysia có thể vào bán kết. Nhưng đến trận đấu với Thái Lan, họ thi đấu chặt chẽ đến không ngờ, xuất sắc thủ hòa Thái Lan. Đến trận gặp Lào, trong tình thế buộc phải thắng, họ đã biết cách thắng để nắm lấy cơ hội của mình. Thi đấu với Malaysia hoàn toàn không dễ chút nào".

Chính ông Calisto đã có không ít trải nghiệm với đội tuyển Malaysia của người đồng nghiệp Rajagopal. SEA Games 25 là kỷ niệm buồn với ông Calisto khi U23 Việt Nam, dù thắng U23 Malaysia ở vòng bảng nhưng lại thua cay đắng trước đối thủ này trong trận chung kết. Lúc đó, nhiều nhà bình luận đã cho rằng ở Đông Nam Á, có lẽ Rajagopal chính là khắc tinh của ông Calisto.

Ông Calisto tỏ ra thận trọng là đúng, bởi ông biết, trước một đội bóng thi đấu chặt chẽ và có những cá nhân phù hợp với lối chơi phản công như Malaysia, thì chỉ có "trái tim nóng" là chưa đủ. Tuyển Việt Nam còn cần cả "cái đầu lạnh" để dồn ép, buộc đối thủ phạm sai lầm, để không mất bình tĩnh trước thế trận phòng ngự chặt của đối thủ và tận dụng tối đa cơ hội ghi bàn. Mà điều này đến nay vẫn chưa hẳn là điểm mạnh của các học trò HLV Calisto.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nóng con tim, lạnh cái đầu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.