(HNMO) - Chiều 5-6, tiếp tục phiên chất vấn tại kỳ họp thứ bảy, Quốc hội đã tiến hành chất vấn Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện trả lời chất vấn trước Quốc hội. |
Chưa có chứng cứ chuyện quan chức góp tiền xây chùa
Chất vấn tình trạng thương mại hóa tâm linh, đại biểu Mai Sỹ Diến (Đoàn Thanh Hóa) nêu thực trạng về việc hàng loạt các dự án tâm linh được đầu tư rất lớn, tầm cỡ kỷ lục quốc gia và khu vực. Trong khi đó, việc đặt hòm công đức tràn lan kèm theo việc cúng, khấn thuê đang tạo tình trạng thương mại hóa đời sống tâm linh… Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết trách nhiệm của mình về tình trạng trên.
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định, việc thương mại hóa các công trình tâm linh và lợi dụng tâm linh để thu lợi bất chính, thực hiện hành vi mê tín dị đoan là vi phạm pháp luật, cần lên án và xử lý.
Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Mai Bộ (Đoàn An Giang) về việc quan chức góp tiền xây chùa, Bộ trưởng khẳng định về khía cạnh quản lý văn hóa, chưa có thông tin nào về vấn đề này. “Nếu đại biểu có thông tin, đề nghị cung cấp cho Quốc hội và các vị lãnh đạo để xử lý”, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định.
Với quyền Chủ tọa, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng lưu ý đại biểu chất vấn phải có trách nhiệm, việc quan chức đóng góp xây chùa đề nghị đại biểu cung cấp thông tin cụ thể để các cơ quan chức năng xem có việc này hay không và xử lý theo đúng quy định.
Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy (Đoàn Bến Tre) lại chất vấn việc xử phạt với hành vi vi phạm tại chùa Ba Vàng (Quảng Ninh) và cho rằng, mức xử phạt vi phạm hành chính với hành vi này chưa đủ sức răn đe.
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định, vụ việc ở chùa Ba Vàng vừa vi phạm luật pháp, vừa ảnh hưởng đến đạo đức, lối sống và văn hóa, cần lên án và xử lý.
Theo quy định của pháp luật về xử phạt hành chính, 5 triệu đồng là mức phạt cao nhất, nhưng Bộ trưởng thừa nhận, phạt tiền 5 triệu đồng là rất nhỏ nhưng 100 triệu đồng có lẽ cũng không phải số tiền lớn; phải kết hợp giữa xử phạt và dư luận xã hội để lên án thì tốt hơn.
Tràn lan các cuộc thi nhan sắc trá hình
Chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, đại biểu Đặng Thị Phương Thảo (Đoàn Nam Định) đặt vấn đề, trong năm 2018, Bộ chỉ cấp phép tổ chức 6 cuộc thi sắc đẹp, người mẫu. Tuy nhiên, trong thực tế vẫn tồn tại nhiều cuộc thi hoa khôi ở các cấp, hay nhiều cuộc thi nhan sắc trá hình dưới nhiều tên gọi khác gây ra một số tiêu cực và để lại dư luận không tốt.
“Mục đích của các cuộc thi này là gì? Việc tổ chức đã đạt được mục đích đó hay chưa? Bộ trưởng có thấy các cuộc thi sắc đẹp đang diễn ra tràn lan hay không? Bộ trưởng nhìn nhận thế nào về trách nhiệm của mình? Bao giờ có thể giải quyết triệt để, khắc phục được tình trạng này?” - đại biểu Đặng Thị Phương Thảo đặt vấn đề.
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, không chỉ Việt Nam mà các nước trên thế giới cũng tổ chức các cuộc thi sắc đẹp để tôn vinh phụ nữ, qua đó quảng bá hình ảnh đất nước, địa phương, con người. Ở nước ta, theo quy định, mỗi năm tổ chức 1-2 cuộc thi hoa hậu toàn quốc, 4-5 cuộc thi hoa hậu vùng miền và các cuộc thi ngành, lĩnh vực, địa phương.
Theo Bộ trưởng, Việt Nam cũng đã cử người đẹp tham dự các cuộc thi hoa hậu quốc tế như Hoa hậu Hoàn vũ, Hoa hậu Thế giới... Qua đó quảng bá hình ảnh đất nước và con người, phụ nữ Việt Nam.
“Các cuộc thi hoa hậu rất phù hợp và cần thiết. Tuy nhiên, không nên tổ chức quá nhiều và cũng không nên lợi dụng việc thi hoa hậu để kinh doanh, làm lợi cho bản thân, tổ chức mình” - Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định..
Liên quan đến cuộc thi trá hình, thi chui, ông Thiện cho biết, hầu như những cuộc thi trong nước đều được cấp phép. Tuy nhiên, thời gian qua cũng có những cuộc thi cấp phép nhưng làm không đúng hoặc vi phạm thì cũng đã xử lý. Thực tế cho thấy, việc xử lý chưa triệt để, bởi quy định hiện hành có nhiều vấn đề. Bộ sẽ nghiên cứu đưa vào để xử lý triệt để vấn đề này.
Sẽ xử lý hành vi lệch chuẩn khi tham dự sự kiện quốc tế Chiều 5-6, trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về việc xử lý các hành vi lệch chuẩn trong lĩnh vực văn hóa, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, vừa qua “Có hiện tượng công dân Việt Nam ra nước ngoài cũng có hiện tượng lệch chuẩn như trường hợp Ngọc Trinh. Thực ra người này ra nước ngoài không phải được Bộ cử đi mà đi dự sự kiện quốc tế theo tư cách cá nhân, thế nhưng lại có hành vi hết sức lệch chuẩn, hết sức phản cảm và cần phê phán gay gắt”. Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, vừa qua Bộ có xử lý một số trường hợp và đề nghị xã hội, dư luận lên án những hành vi phản văn hóa, ảnh hưởng đến uy tín của người Việt Nam; đồng thời, khẳng định, Bộ đang nghiên cứu các quy định để xử lý hiện tượng này. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.