(HNM) - Công tác phòng, chống buôn lậu năm 2010 được ghi nhận đã có tiến bộ, nhưng không phải vì thế mà hàng nhập lậu đã bị đẩy lùi. Trong chuyến thâm nhập thực tế tại các vùng biên Lạng Sơn, Móng Cái (Quảng Ninh) và các tỉnh phía nam vừa qua, phóng viên Báo Hànộimới nhận thấy xuất hiện những thủ đoạn vận chuyển hàng lậu liều lĩnh với số lượng lớn như dùng cả toa tàu hỏa để
Những ngả đường từ biên giới Lạng Sơn về xuôi ngày cuối năm gió vẫn thông thống thổi, hun hút lạnh tê người. Thi thoảng chúng tôi thấy trên con đường tưởng như trống trải đó có những chiếc xe "cóc" (xe chở hàng loại nhỏ dân chở hàng lậu hay dùng) phóng vút qua. Từ Lạng Sơn về xuôi bằng ô tô chỉ có quốc lộ 1, nhưng dân buôn lậu pháo có rất nhiều ngả rẽ, nhiều lối mòn xuyên rừng, để né các chốt chặn. Và mỗi ngày, mỗi giờ pháo lậu đang được tuồn sâu về nội địa.
Thâm nhập ngả đường pháo lậu
Lực lượng chức năng tỉnh Lạng Sơn thu giữ pháo lậu.
Càng gần Tết, các lực lượng phòng, chống buôn lậu ở Lạng Sơn càng vất vả, mặt hàng quốc cấm được săn lùng nhiều nhất và phức tạp nhất chính là pháo lậu và Lạng Sơn thành nơi trung chuyển pháo nổ lớn nhất nước. Một người quen là chủ buôn chăn đệm ở khu vực Hang Dơi, Đồng Đăng bật mí với phóng viên Báo Hànộimới (trong vai những người đi mua pháo): "Em định chuyển sang buôn pháo. Tiền hàng đã đặt rồi, chờ khách dưới xuôi lên nhận. Chỉ cần bước chân ra khỏi nhà em, sang bên kia là mua được pháo. Dễ như mua… kẹo mà lãi lớn". Chính vì mặt hàng pháo lậu dễ mua, một vốn bốn lời nên rất nhiều người thường ngày buôn bán lặt vặt, dịp Tết cũng chuyển sang buôn pháo để kiếm tiền tiêu Tết".
Nhờ người bạn này giới thiệu, mất vài chục nghìn đồng là chúng tôi thuê được một người dẫn qua đường mòn biên giới sang Pò Chài. Tại khu buôn bán mang cái tên khá mỹ miều là Trung tâm Thương mại Hồng Kông nằm trên đất bạn, pháo không được bày bán công khai nhưng hễ hỏi là có. Thị trường pháo ở đây khá phong phú với rất nhiều loại như pháo bướm, pháo xoay, pháo lựu đạn, pháo hoa, pháo bánh... được chủ hàng tiếp thị tận tình. Nếu là khách du lịch mua về dùng thì các chủ pháo ở đây sẵn sàng bán lẻ, còn mua số lượng lớn thì phải là khách quen, giao tiền trước, hàng sẽ được đóng gói trong bao tải có "ám hiệu" màu đen với lời bảo đảm cứ về trước sẽ có cửu vạn băng rừng đưa sang. Giá pháo ở Pò Chài vô cùng rẻ, pháo hoa loại 12 quả giá 150 nghìn đồng một hộp, còn dàn 36 quả giá 180 nghìn đồng. Pháo nổ được bán với giá 150 nghìn đồng/bánh (khuyến mãi thêm 7 quả pháo cối). "Hàng khủng" và "hót" nhất năm nay vẫn là pháo trái hình lựu đạn mỏ vịt được bán với giá 20 nghìn đồng.
Đất Pò Chài là nơi giáp ranh với cửa khẩu Tân Thanh, thế nhưng khi mua bán bao giờ chủ và khách cũng nói tiếng Việt. Một người bán hàng bên Pò Chài còn hào hứng khoe với chúng tôi, những ngày cuối tuần có nhiều người Việt Nam đến hỏi loại hàng này, thậm chí có người còn mang theo balô du lịch để chở về. Từ Pò Chài chỉ cần bỏ ra khoảng 60.000 đồng là có thể thuê xe ô tô về thành phố Bằng Tường cách đó hơn chục cây số mua pháo. Cũng không công khai như trên cửa khẩu nhưng mặt hàng này ở đây "nóng" chẳng kém. Các chủ hàng khi được hỏi luôn dò xét khách và chỉ bán với số lượng tấn trở nên. Người phiên dịch Triệu Phúc (lái xe ôm ở Pò Chài) mà chúng tôi thuê với giá 600 nghìn đồng/một ngày bật mí: "Nếu muốn mua pháo ở Bằng Tường phải mua với số lượng lớn các chủ hàng mới chịu đánh về Pò Chài rồi theo lối đường mòn đưa sang. Tiền thì phải đặt trước 2/3 giá trị kiện hàng".
Khởi tố, bắt giam nhiều, nhưng buôn lậu chưa giảm
Ngày 17-12, tại khu vực thôn Bản Giểng, xã Tú Mịch, Đội Cảnh sát Kinh tế và ma túy CA huyện Lộc Bình kết hợp với Đồn Biên phòng 41 và dân quân xã Tú Mịch bắt quả tang hai bố con Vũ Văn Trường (SN 1961) và Vũ Thế Trinh (SN 1988) đang vận chuyển 4 bao tải dứa (bên trong chứa pháo nổ), thu giữ 139kg pháo các loại do Trung Quốc sản xuất. Trước đây, Trinh có thời gian làm phu hồ xây dựng đường vành đai biên giới nên rất thông thạo địa bàn. Do vậy, họ đã bàn nhau sang Trung Quốc mua pháo để đem về bán kiếm lời. Khi dùng xe mô tô để vận chuyển số pháo trên đến địa phận xã Tú Mịch thì bị phát hiện, hai đối tượng đã bỏ chạy nhưng không thoát.
Trong chuyến công tác tại CA huyện Văn Lãng, chúng tôi đã chứng kiến các điều tra viên đấu tranh với hai đối tượng là sinh viên vận chuyển pháo nổ. Ban đầu, các đối tượng quanh co, ngụy biện về hành vi của mình như: "Em chỉ mua một ít về đốt trong dịp Tết, không biết đó là phạm pháp"… Nhưng rồi hai đối tượng là Nguyễn Hồng Hiệp (sinh 1986 ở thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắc Lắc) và Nông Quang Thiệu (sinh 1989, ở huyện Cư Jút tỉnh Đắc Nông) đã phải cúi đầu nhận tội. Hiệp và Thiệu đang học tại Trường Trung cấp Dược Hà Nội. Ngày 18-11-2010, cả hai lên Cao Bằng chơi. Hôm sau, khi đi về qua Tân Thanh, Lạng Sơn đã nảy sinh ý định mua pháo. Dồn hết tiền mang theo, hai sinh viên này đã mua được 12 cục pháo nổ có trọng lượng 21kg và giấu vào trong hành lý. Tuy nhiên, hành vi của hai đối tượng đã bị Công an huyện Văn Lãng phát hiện, bắt giữ.
Tiếp theo chiến công này, khoảng 12h30 ngày 11-12 tại địa bàn xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng, CA huyện Văn Lãng phối hợp với Phòng PA61 CA tỉnh đã phát hiện, bắt tiếp hai sinh viên Trần Văn Hãnh (SN 1988) và Lê Tiến Đạt (SN 1990 - đều trú tại Vũ Thư, Thái Bình) đang vận chuyển trái phép pháo nổ từ Trung Quốc về Việt Nam tiêu thụ, thu giữ 60kg pháo nổ (loại pháo dàn). Chừng 4 ngày sau, 9h30 ngày 15-12, tại khu vực cửa khẩu Tân Thanh, tổ công tác Phòng PA61 phối hợp với Đội 5 Cục Điều tra chống buôn lậu của Tổng cục Hải quan đã phát hiện, bắt quả tang Nguyễn Duy Hưng (SN 1984 - thường trú tại Đông Lỗ, Ứng Hòa, Hà Nội) đã xuất cảnh trái phép qua đường mòn biên giới Tân Thanh để làm thuê. Một người lạ mặt đã thuê Hưng vận chuyển thùng carton từ Trung Quốc về Việt Nam với số tiền công 100 ngàn đồng. Mặc dù biết bên trong là pháo nổ nhưng hắn vẫn không từ chối.
Thượng tá Nguyễn Minh Tuấn, Phó trưởng CA huyện Văn Lãng cho biết: Với đặc điểm là địa bàn biên giới, có nhiều đường mòn, đường tắt, mỗi ngày có hàng ngàn người qua lại nên các đối tượng đã sử dụng các thủ đoạn hết sức tinh vi khiến cho các lực lượng chức năng rất khó phát hiện. Chúng xé lẻ hàng hóa, vận chuyển lén lút vào ban đêm qua các đường mòn biên giới, lúc thì cải tạo các phương tiện giao thông như ô tô, xe máy để cất giấu... Nhưng phổ biến nhất là việc giấu pháo bên trong các thùng hàng hóa hợp pháp như hoa quả, vải vóc, quần áo... rồi vận chuyển qua biên giới và đi sâu vào các tỉnh nội địa.
Trong năm 2010, Công an Lạng Sơn đã khởi tố 41 vụ, 52 bị can, xét xử lưu động công khai 11 vụ, 14 đối tượng buôn bán, vận chuyển pháo. Dù đã được liệt vào mặt hàng cấm từ lâu nhưng vẫn có thể hỏi mua lén lút mặt hàng nhạy cảm này tại nhiều chợ. Rõ ràng, dù các lực lượng chức năng đã gồng mình để ngăn chặn nhưng pháo lậu cứ như mạch ngầm âm thầm chảy về xuôi...
(Xem tiếp kỳ sau)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.