Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nói và làm

Nữ Quỳnh| 12/02/2011 06:58

(HNM) - Bây giờ, có nhiều chuyện để minh chứng cho mối tương quan giữa nói và làm cho ra kết quả thế nào. Từ lâu, trên các sân cỏ bóng đá, hay trong giới showbiz, chuyện các ông bầu, các ngôi sao tuyên bố này nọ, nhưng rồi cuối cùng vẫn quên lời cũng đã trở nên quen thuộc.

Song dường như đó vẫn là lĩnh vực "văn nghệ" nên cũng chưa thấy nhiều người thắc mắc. Nhưng cái chuyện "hư hư, thực thực" ấy lan sang các lĩnh vực khác, nhất là với các cấp quản lý thì xem ra không ổn. Không ít người có thẩm quyền nói thì rất "hoành tráng" nhưng làm thì chẳng bao nhiêu.

Mấy ngày trước, khi cả nước đang nô nức không khí xuân, bước vào mùa lễ hội truyền thống, nhiều cán bộ quản lý các khu di tích, thắng cảnh khẳng định chắc nịch trên báo chí rằng đã "rút kinh nghiệm", đã "chuẩn bị rất kỹ", rằng sẽ không có "chuyện này chuyện khác" như mọi năm. Chẳng hạn một cán bộ quản lý khu di tích nổi tiếng nọ khẳng định "BTC cấm tuyệt đối việc bán thịt thú trong khu vực chùa" (vốn là chuyện dư luận bức xúc từ nhiều mùa lễ hội trước ở đó). Ấy vậy mà, chỉ ngay sau ngày khai mạc, cũng trên báo chí đã ngập tràn hình ảnh "thịt rừng" lủng lẳng như ở chốn… không người quản lý. Rồi chuyện tệ nạn cờ bạc (cả công khai và trá hình) ở các lễ hội, năm nào dư luận cũng phản ánh, rồi năm nào chính quyền cũng khẳng định "sẽ không để tái diễn". Nhưng rốt cuộc đâu vẫn đóng đấy. Chuyện năm sau vẫn như năm trước.

Tất nhiên, thực tế còn nhiều chuyện nói không đi đôi với làm tương tự như vậy không chỉ riêng ở nước mình.

Có một câu chuyện cũng đang "hot" trên thế giới mạng mấy ngày qua là có một cô giáo ở xứ xở Sương mù đã có chuyến du lịch khắp châu Âu và đã có những bữa tiệc tùng vui vẻ. Sau khi trở về cô giáo ấy đã đăng lên trang cá nhân của mình ở mạng xã hội Facebook những bức hình chụp cảnh cô cầm ly rượu vang và cốc bia. Nhưng các phụ huynh học sinh đã gửi thư đến nhà trường phản đối rằng hành động của cô giáo không làm gương cho học sinh.

Hai câu chuyện có vẻ không liên quan đến nhau. Nhưng ngẫm ra thì thấy giá trị sâu xa của chữ "tín", cũng như bản chất thật của việc "nói phải đi đôi với làm".

Nói đúng ra thì cái lẽ "nói phải đi đôi với làm" từ xa xưa như vậy, đã trở thành chuẩn mực trong hành vi của con người, đó là đòi hỏi tất yếu của cuộc sống. "Nói hay không bằng cày giỏi". Nói được, làm được còn thể hiện được uy tín, danh dự của người nói ra và quyết tâm làm bằng được. Ngược lại, nói không đi đôi với làm sẽ làm mất lòng tin ở người nghe. Trong xã hội cũng vậy, người đại diện chính quyền nhỏ nhất là từ cấp cơ sở nói mà không làm, sẽ làm giảm lòng tin ở dân. Cán bộ lãnh đạo chỉ "nói giỏi" mà không "làm giỏi" thì không có sức thuyết phục. Quần chúng nhân dân không chỉ nghe vào những gì cán bộ nói mà họ nhìn vào thực tế những gì cán bộ làm hằng ngày và hiệu quả công việc đến đâu. Sinh thời, cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã có nhiều tác phẩm báo chí viết cho chuyên mục "Nói và làm" (trên Báo Nhân Dân) ký bút danh NVL, vẫn còn đó như sự mở đầu cho giới báo chí, truyền thông khởi nguồn công cuộc đổi mới mà bắt đầu từ nhận thức, tư duy. Một khi "lời nói không đi đôi với việc làm" trở thành thói quen, thứ bệnh thì không dễ gì tìm cho được phương thuốc trị tận gốc. Đối với cán bộ, là công bộc của dân, phải luôn biết "nghe thật, nói thật và làm thật"; đó chính là mục tiêu, cái đích của người công bộc phải làm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nói và làm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.