(HNM) - Nhìn hình ảnh các chiến sĩ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bị địch bắt giam, tra tấn tàn khốc cùng những hiện vật từng thấm máu nhiều liệt sĩ, thương binh... trưng bày tại Bảo tàng chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày ở xã Nam Triều (huyện Phú Xuyên), trong tôi trào dâng xúc động. Bảo tàng là nơi tri ân những người đã dâng hiến, hy sinh tuổi thanh xuân cho đất nước và cũng là nơi truyền "lửa" nhiệt huyết cách mạng cho lớp trẻ hôm nay và mai sau.
Mang tâm nguyện gìn giữ truyền thống
Chúng tôi đến bảo tàng vào một ngày cuối tháng 8-2020, được ông Lâm Văn Bảng (sinh năm 1943) ở thôn Nam Quất, xã Nam Triều và người đồng đội Kiều Văn Uỵch (sinh năm 1948) ở xã Phúc Tiến, cùng huyện Phú Xuyên, đều là chiến sĩ bị địch bắt tù đày tại Nhà tù Phú Quốc dẫn tới thăm từng phòng, tỉ mỉ giới thiệu từng khung ảnh, hiện vật…
"Mỗi hiện vật là một câu chuyện mà đồng đội của tôi phải chịu đựng từ quân thù", ông Uỵch kể mà như trò chuyện với đồng đội đang tề tựu, cùng ông ôn lại những năm tháng oanh liệt... Lắng trong hồi ức bi hùng, nhìn cánh tay chằng chịt vết thương của hai ông, chúng tôi hình dung phần nào sự tàn độc của kẻ thù: Dùng điện công suất cao rọi vào gáy, đóng đinh vào 10 đầu ngón tay, trói người cho xe kéo lê trên mặt đất, nhốt cũi sắt phơi nắng, dùng ván ép ngực cho đến chết, chôn sống tù binh... "Dù vậy, chúng tôi vẫn động viên nhau vượt qua, thà chết chứ không đầu hàng", ông Kiều Văn Uỵch kể trong dòng hồi tưởng.
Ông Lâm Văn Bảng chia sẻ: “Gia đình tôi có 5 anh em trai thì 3 người là chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày. Tôi là em út, bị địch giam cầm ở Nhà tù Phú Quốc. Xuất phát từ tâm nguyện muốn anh em đoàn tụ nên tôi tìm cách xây dựng bảo tàng này. Trên diện tích 2.000m2 đất của gia đình, ngày 19-12-2004, tôi lập Phòng truyền thống, lưu giữ hình ảnh, hiện vật của mấy anh em... Được vợ con ủng hộ, giúp sức, cả gia đình tôi chuyển vào ở tạm trong khu tập thể để thuận lợi cho việc thi công. Cùng với sự giúp đỡ của các ông: Kiều Văn Uỵch, Nguyễn Văn Khải, Nguyễn Tiến Mộ, Nguyễn Đình Quốc... và những lần tới chiến trường xưa tìm đồng đội; rồi sự hỗ trợ từ nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân, chúng tôi đã mang về hơn 3.000 kỷ vật... Đến năm 2009, chúng tôi xin phép UBND xã Nam Triều cho lập thêm Khu 2 (200m2) để trưng bày, lưu giữ hiện vật... Hiện, bảo tàng có 2 khu: Khu 1 (2.000m2) của gia đình tôi và Khu 2 là đất của xã Nam Triều”.
Ông Bảng cho biết thêm: "Bảo tàng chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày được thành lập theo Quyết định số 1711/QĐ-UBND ngày 11-10-2006 của UBND tỉnh Hà Tây. Chúng tôi đã tới Bảo tàng Quân đội, Bảo tàng Trường Sơn, Bảo tàng Phụ nữ, Bảo tàng Công an, Bảo tàng Hà Nội… để học cách trưng bày và bảo quản hiện vật. Những người làm việc tại bảo tàng đều là nhân chứng, mang tâm nguyện góp phần gìn giữ truyền thống. Bảo tàng thuộc hệ ngoài công lập theo tinh thần "4 tự" (tự nguyện, tự túc, tự quản, tự chịu trách nhiệm)".
Truyền nhiệt huyết cách mạng
Với tâm nguyện tri ân và "đoàn tụ" đồng đội; tiếp "lửa" truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ nên từng hiện vật, hình ảnh trong bảo tàng đều được các thành viên coi như báu vật. "Bảo tàng cũng đã đón tiếp nhiều đoàn khách đến từ các nước trên thế giới. Đến với bảo tàng, nhiều du khách nước ngoài đã nói rằng, những hiện vật này không chỉ giáo dục sự tri ân với liệt sĩ, thương binh, mà còn mang thông điệp tới toàn nhân loại về tội ác chiến tranh…", ông Lâm Văn Bảng bộc bạch.
Theo ông Kiều Văn Uỵch, bảo tàng thu hút rất nhiều khách tham quan đến từ các tỉnh, thành phố trong cả nước. Đó là các cựu chiến binh, thân nhân gia đình liệt sĩ, khách du lịch, sinh viên, đặc biệt là học sinh các trường học trên địa bàn huyện Phú Xuyên. Cứ vào dịp tháng 7 và tháng 8 hằng năm, mỗi tháng có 3.000-4.000 người đến bảo tàng tham quan, giao lưu văn nghệ. Từ năm 2016, vào tháng 8, bảo tàng còn tổ chức cuộc thi Tài năng trẻ cho học sinh từ lứa tuổi mầm non trở lên.
"Mong muốn của chúng tôi là truyền "lửa" nhiệt huyết cách mạng cho thế hệ trẻ noi gương lớp người đi trước để phấn đấu, hun đúc bản lĩnh chính trị, trau dồi tri thức; có trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội trong học tập, lao động, cống hiến sao cho xứng với xương máu cha anh đã đổ xuống", ông Lâm Văn Bảng xúc động nói.
Chia sẻ về bảo tàng, Bí thư Đoàn Thanh niên xã Nam Triều, Phan Công Thế nói: "Chúng tôi tự hào về truyền thống cách mạng của quê hương. Bảo tàng chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày ở xã Nam Triều chính là "địa chỉ đỏ" để tuổi trẻ chúng tôi học tập, phấn đấu, nuôi dưỡng hoài bão cống hiến cho đất nước".
Trong khi đó, Chủ tịch UBND xã Nam Triều Phan Cao Lạc nhấn mạnh: "Bảo tàng chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày là niềm tự hào của quê hương Nam Triều. Phát huy truyền thống cách mạng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Nam Triều đang ra sức thi đua, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh, xứng đáng với lớp cha anh đi trước".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.