Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nội lực từ truyền thông chính sách

Thiện Mỹ| 05/12/2022 06:23

(HNM) - Truyền thông chính sách là vòng tròn thông tin tiếp nối, liên tục, mà ở đó điểm đầu nguồn là các cấp, các ngành, cơ quan chức năng đưa thông tin chính sách đến người dân, để người dân có nhận thức đầy đủ, đúng đắn. Tiếp nối nhận thức đó, người dân hiểu, tự giác thực hiện, thụ hưởng thành quả và cùng Nhà nước xây dựng, hoàn thiện chính sách ngày càng đúng, trúng hơn.

Thực tế đã chứng minh, bằng con đường truyền thông chính sách, nhiều chủ trương lớn đã đi vào đời sống. Trong đó, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là một ví dụ điển hình. Sự truyền thông mạnh mẽ về chương trình đã tạo ra một cuộc “cách mạng”, làm thay đổi tư duy, nhận thức của các cấp, các ngành và mỗi người dân ở vùng nông thôn. Từ đó, chương trình xây dựng nông thôn mới chuyển động đồng bộ, gắn với việc thực hiện có hiệu quả việc cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn... Công cuộc này đã góp phần xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ, dần hiện đại, bảo đảm môi trường, cảnh quan sáng, xanh, sạch, đẹp; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn...

Không chỉ xây dựng nông thôn mới mà “chiến dịch” phòng, chống dịch Covid-19 vừa qua cũng là một phép thử đối với công tác truyền thông chính sách. Dù chưa có tiền lệ, nguồn lực y tế trong nước còn hạn chế, nhưng với việc truyền thông rộng khắp, xuyên suốt nhiều tầng nấc, đi kèm những hành động thiết thực của cả hệ thống chính trị, đã giúp mỗi người dân hiểu, đồng lòng cùng thực hiện hiệu quả Thông điệp “5K” (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế); tự giác thực hiện tiêm vắc xin phòng Covid-19... Và như chúng ta thấy, Việt Nam đã kiểm soát được dịch Covid-19, đưa nền kinh tế phục hồi ấn tượng, được truyền thông quốc tế coi là hình mẫu trong phòng, chống dịch Covid-19.

Những kết quả trên đã khẳng định, khi truyền thông hiệu quả, chính sách sẽ tự đi vào đời sống một cách sâu rộng. Lát cắt này cũng chứng minh tầm quan trọng của công tác truyền thông chính sách, đồng thời đặt ra vấn đề, phải làm gì để khắc phục những hạn chế, tồn tại, đưa công tác truyền thông chính sách đi vào thực chất trong bối cảnh mới hiện nay?... Ở đây, “chìa khóa” giải mã chính là đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm về truyền thông chính sách; công tác truyền thông chính sách phải để “Dân biết - Dân hiểu - Dân tin - Dân theo - Dân làm - Dân thụ hưởng” - như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác truyền thông chính sách vừa được tổ chức cuối tháng 11 vừa qua.

Truyền thông chính sách là sự tương tác hai chiều. Do đó, với vai trò là cơ quan ban hành và tổ chức thực thi chính sách, hệ thống các cấp, các ngành cần hướng đến quyền lợi của người dân một cách toàn diện, để không đưa ra những chính sách phiến diện, thiếu tính khả thi. Mặt khác, chính sách thường có phạm vi tác động rộng lớn, thực hiện trong hiện tại và tương lai, vì thế, cần dẹp bỏ những lợi ích cục bộ, lấy ổn định xã hội là mục tiêu trên hết. Đồng thời, cán bộ phải là người gương mẫu thực thi chính sách để “Dân tin - dân theo - dân làm”. Ngược lại, ở vai trò là chủ thể tiếp nhận và thực hiện, người dân cũng cần thực thi chính sách trách nhiệm; đồng thời có sự giám sát, phản biện và đóng góp để chính sách ngày càng hoàn thiện hơn.

Là công cụ sắc bén trong tạo sự đồng thuận xã hội, truyền thông phải đi trước một bước, luôn đổi mới và đa dạng phương thức thực hiện. Truyền thông chính sách không nên là sự áp đặt khô khan theo mệnh lệnh hành chính, rập khuôn, mà phải tuyên truyền phù hợp với điều kiện thực tiễn, theo văn hóa vùng, miền... Bên cạnh đó, mọi hoạt động của cơ quan chức năng, cấp chính quyền liên quan đến chính sách đều phải được công khai, minh bạch; tính chủ động trong thực hiện truyền thông chính sách cần được đẩy mạnh ở tất cả các cấp, các ngành, đặc biệt với các cơ quan thông tấn báo chí.

Mối quan hệ tin cậy giữa người dân và hệ thống chính trị là một bảo đảm chắc chắn để việc triển khai chính sách hiệu quả. Vì thế, truyền thông cần tham gia chặt chẽ vào mọi khâu, từ hoạch định, soạn thảo, hoàn thiện đến thực thi, điều chỉnh chính sách. Quá trình triển khai cần đặc biệt chú trọng vấn đề đối thoại chính sách để kích thích sự tham gia tích cực, chủ động của công chúng vào xây dựng, hoàn thiện và thực thi chính sách hiệu quả.

Trong bối cảnh của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, bên cạnh những phương thức truyền thống, cần tận dụng và đẩy mạnh kênh truyền thông chính sách trên mạng xã hội; có chiến lược nghiên cứu, thay đổi phương thức quản lý truyền thông chính sách... Song, đi cùng với đó là nghiên cứu và tìm kiếm giải pháp an ninh truyền thông chính sách hiệu quả, đặc biệt là việc phòng, chống tội phạm công nghệ cao và an ninh mạng...

Với tầm ảnh hưởng bao trùm, truyền thông chính sách sẽ trở thành nguồn nội lực quan trọng để đạt được các mục tiêu lớn trong phát triển kinh tế và ổn định xã hội.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nội lực từ truyền thông chính sách

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.