(HNM) - Giáo dục là quốc sách hàng đầu và luôn nhận được sự quan tâm sát sao của toàn xã hội. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh có câu nói rất giản dị nhưng đã thể hiện tầm nhìn của Người về giáo dục, đó là: "Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho đồng bào ta, ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành".
Coi "Giáo dục là quốc sách hàng đầu", trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho sự nghiệp giáo dục bằng việc đề ra các chủ trương, chính sách lớn và tập trung nguồn lực thỏa đáng. Nhờ đó, nền giáo dục có những bước phát triển, đạt được những thành tựu đáng ghi nhận. Chất lượng giáo dục ngày càng được nâng lên ở tất cả các cấp học. Một số trường đại học đã cải thiện vị trí xếp hạng trong các bảng xếp hạng khu vực và thế giới. Học sinh đạt được nhiều giải thưởng cao trong các kỳ thi Olympic quốc tế, khu vực, thể hiện trí tuệ và sức sáng tạo của người Việt Nam.
Với những thành tựu đạt được, nền giáo dục nước nhà đã đóng góp to lớn trong việc bồi dưỡng nhân cách đạo đức cho thế hệ trẻ, giúp phát triển con người, nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực, đóng góp chung vào phát triển kinh tế - xã hội để đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay. Song, nhìn nhận một cách khách quan, nền giáo dục vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập, trong đó rõ nhất là “sản phẩm” đào tạo chưa đáp ứng được yêu cầu mà nguyên nhân cơ bản là do mất cân bằng giữa nghiên cứu lý thuyết cơ bản với khoa học quản lý và ứng dụng, thực hành.
Học và hành là hai yếu tố quan trọng cần cùng song hành với nhau để giúp con người hoàn thiện, phát triển bản thân tối ưu nhất. Các trường đại học ở nước ta thường có xu hướng dạy thiên về lý thuyết nhiều hơn thực hành. Vì thế, đa phần sinh viên tốt nghiệp đại học đều có kiến thức vững vàng, song kỹ năng thực hành còn hạn chế, chưa đáp ứng tốt yêu cầu của thị trường lao động. Thực tế cho thấy, dù có rất nhiều lợi thế về nguồn nhân lực do đang ở trong thời kỳ dân số vàng, tuy nhiên, nguồn nhân lực ở nước ta lại tồn tại nhiều vấn đề, chưa phát huy được thế mạnh, thiếu hụt nhân lực là kỹ sư thực hành, công nhân kỹ thuật bậc cao...
Chắc lý thuyết, vững thực hành luôn là yêu cầu cấp thiết đối với sinh viên, bất kể ở thời đại nào. Nếu lý luận không có khả năng ứng dụng vào thực tiễn và lý luận không được rút ra từ thực tiễn để tạo lập lý thuyết thì đó chỉ là lý thuyết suông, không có giá trị. Vì vậy, làm việc với Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học FPT tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc (huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội) về đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển đất nước vào ngày 14-4 vừa qua, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh: “Trong giáo dục, đào tạo phải bảo đảm cân bằng giữa nghiên cứu lý thuyết cơ bản với khoa học quản lý và ứng dụng, thực hành… nhằm phục vụ đắc lực cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, phấn đấu đi sau, song phải về trước”.
Hiện nay nước ta đang kiên trì thực hiện đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn bè tốt, là đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, vì mục tiêu hòa bình, hợp tác, phát triển. Cùng với đó, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, thực chất, hiệu quả. Đất nước có phát triển lớn mạnh hay không, phụ thuộc rất lớn vào nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao. Do đó, ngành Giáo dục phải tiếp tục đổi mới, trong đó cần chú trọng cân bằng giữa lý thuyết và thực hành. Có như vậy mới có thể tạo ra được nguồn nhân lực có chất lượng, đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển đất nước.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Học phải đi đôi với hành. Học mà không hành thì vô ích; hành mà không học thì hành không trôi chảy”; “Lao động trí óc mà không lao động chân tay, chỉ biết lý luận mà không thực hành thì cũng là tri thức có một nửa”. Như vậy, việc kết hợp học (lý thuyết) với hành (thực hành) là vô cùng cần thiết. Hiện cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang đặt ra cuộc đua cạnh tranh nguồn nhân lực chất lượng cao không chỉ trong nước mà mang tính toàn cầu, đòi hỏi về tư duy sáng tạo và khả năng thích ứng cao.
Khi thế hệ trẻ - những chủ nhân tương lai của đất nước, được trang bị chắc lý thuyết, vững thực hành, giàu trí tuệ, giàu ý chí và khát vọng, sẽ là động lực, nguồn lực quan trọng để Việt Nam hoàn thành mục tiêu đến năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao, như Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đề ra.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.