(HNM) - Phát triển kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững hiện là ưu tiên hàng đầu và là mục tiêu lớn mà mọi quốc gia đang đặt ra, nhằm đạt sự thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; phát triển nền kinh tế xanh, trung hòa carbon và đóng góp vào nỗ lực hạn chế sự nóng lên của toàn cầu.
Nhận thức được tầm quan trọng đó, Việt Nam đã, đang kiên định thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh, bền vững; đồng thời khẳng định đây không chỉ là xu thế phát triển tất yếu của đất nước mà còn là cơ hội để trở thành quốc gia tiên phong. Nổi bật là Việt Nam đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách định hướng phát triển kinh tế theo hướng bền vững, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã nhấn mạnh một trong những định hướng lớn của đất nước là: “Lấy bảo vệ môi trường sống và sức khỏe nhân dân làm mục tiêu hàng đầu; kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường; bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái; xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường”. Đáng chú ý, nước ta đã đặt ra những mục tiêu phát triển rất cao, đó là đến năm 2045 “trở thành nước phát triển, thu nhập cao”; đồng thời cam kết mạnh mẽ đưa mức phát thải ròng carbon về “0” vào năm 2050.
Hiện thực hóa các mục tiêu, nhiệm vụ lớn về tăng trưởng xanh, bền vững, các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội đang tập trung mọi nguồn lực thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030; Đề án phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam… Theo đó, những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt đã, đang triển khai là phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi mô hình kinh tế theo hướng kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức để tham gia sâu hơn vào cấu trúc đầu tư, trật tự thương mại và chuỗi cung ứng toàn cầu.
Nói cụ thể hơn, Việt Nam đang tập trung cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; trong đó, khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng, tài nguyên dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và chuyển đổi số. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng xanh, bền vững, đặc biệt lưu ý về quy hoạch phát triển điện lực quốc gia để phát triển năng lượng bền vững; bảo đảm quá trình chuyển đổi xanh theo nguyên tắc bình đẳng, bao trùm và cùng có lợi.
Nhìn tổng thể, quá trình phát triển kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững mà nước ta đang hướng đến là lấy con người là trung tâm, chủ thể, vừa là nguồn lực vừa là động lực quan trọng nhất và là mục tiêu cao nhất của sự phát triển.
Tăng trưởng xanh và bền vững rõ ràng đang trở thành một nguồn sức mạnh mới của Việt Nam!
Tăng trưởng xanh là xu thế của thời đại, cũng là vấn đề toàn cầu, nhưng tựu trung, con người chính là trung tâm, là mục tiêu hướng đến của quá trình phát triển đó. Vì thế, phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên năm 2023 với chủ đề “Cộng đồng doanh nghiệp đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam trong thúc đẩy tăng trưởng xanh”, diễn ra tại Thủ đô Hà Nội vào ngày 19-3 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh quan điểm: “Không chấp nhận phương thức tăng trưởng bằng mọi giá, thiếu tính bền vững và càng không chạy theo tăng trưởng đơn thuần mà phải hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội và môi trường sống của người dân”.
Việt Nam là nước đang phát triển, nền kinh tế đang trong quá trình chuyển đổi, quy mô nền kinh tế còn khiêm tốn nhưng có độ mở lớn, sức chống chịu và khả năng thích ứng còn có hạn chế nhất định. Do đó, để Việt Nam vượt qua khó khăn, thách thức cả bên trong lẫn bên ngoài, chúng ta phải xử lý hài hòa “giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường” như Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra.
Chúng ta nhất quán quan điểm “không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội và môi trường sống của người dân” để đổi lấy phát triển thiếu bền vững. Trên tinh thần này, các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và người dân cần đồng hành, cùng chia sẻ tầm nhìn và chiến lược phát triển nhanh, xanh và bền vững. Nói một cách cụ thể hơn là tập trung nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế thông qua việc nghiên cứu và áp dụng công nghệ tiên tiến, phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại để sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần xóa đói giảm nghèo và tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững.
Tăng trưởng xanh và bền vững là hướng đến người dân, vì vậy, cần xác định rõ tầm nhìn trong tương lai và chia sẻ thông tin một cách minh bạch, giúp cộng đồng doanh nghiệp, người dân có nhận thức và trách nhiệm hơn trong việc thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, song song với phát triển kinh tế - xã hội.
Nguyên tắc đặt ra là, bất luận trong hoàn cảnh nào, chúng ta phải kiên định mục tiêu tăng trưởng xanh và bền vững, bởi phát triển hôm nay phải là tiền đề cho tương lai; phát triển mang lại thu nhập và đời sống nâng cao nhưng cũng phải bảo đảm sức khỏe cho nhân dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.