Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nỗi lo từ bánh trung thu online

Nhóm phóng viên| 18/09/2021 06:20

(HNM) - Dịp Tết Trung thu năm nay vào đúng thời điểm Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19 nên số lượng cửa hàng bày bán bánh trung thu trực tiếp giảm rõ rệt; nhưng trái ngược, việc mua bán bánh trung thu trực tuyến (online) lại diễn ra khá sôi động. Do không được nhìn, xem trực tiếp sản phẩm nên nhiều người bày tỏ nỗi lo về nguồn gốc, chất lượng sản phẩm... khi mua hàng. Theo các cơ quan chức năng, người dân cần thận trọng khi mua bánh trung thu online.

Người tiêu dùng nên tìm hiểu kỹ trước khi chọn mua sản phẩm bánh trung thu trực tuyến. Ảnh: Thùy Ngân

Thông tin sản phẩm… mù mờ

Mọi năm, thị trường bánh trung thu thường sôi động vào khoảng từ rằm tháng Bảy đến rằm tháng Tám (âm lịch) với nhiều cửa hàng, cửa hiệu bán bánh trang hoàng rực rỡ trên khắp các tuyến phố. Tuy nhiên, dịp Tết Trung thu năm nay đúng vào thời điểm thực hiện giãn cách xã hội nên các cửa hàng bán bánh trung thu ít hơn nhiều so với những năm trước.

Khảo sát của phóng viên Báo Hànộimới cho thấy, những thương hiệu bánh trung thu truyền thống đã ghi dấu ấn trên thị trường trong những năm qua, như: Bánh mứt kẹo Hà Nội, Hữu Nghị, Hải Hà, Kinh Đô… đều chuyển đổi cách bán hàng từ trực tiếp sang online thông qua các website; các sàn thương mại điện tử: Shopee, Tiki, Lazada…; các ứng dụng giao hàng Grab, Gojek, Baemin… và trang tương tác fanpage trên mạng xã hội Facebook của đơn vị.

Ông Đào Tiến Thành, Quản lý Marketing (Công ty cổ phần Bánh kẹo Hải Hà) cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, công ty đã thay đổi cách tiếp cận thị trường thông qua việc phát triển kênh tiếp thị online, thương mại điện tử, giao hàng tận nhà giúp khách hàng hạn chế đi lại, hạn chế tiếp xúc, bảo đảm an toàn phòng, chống dịch.

Trong khi các hãng bánh có thương hiệu thay đổi phương thức bán hàng trong bối cảnh dịch bệnh nhưng vẫn bảo đảm chất lượng sản phẩm thì nhiều cá nhân kinh doanh tự do lại lợi dụng việc khách hàng không thể xem sản phẩm tận mắt để bán bánh trung thu kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

Người dùng internet sẽ dễ dàng tìm thấy các nhà cung cấp bánh trung thu sỉ, lẻ trên nhiều hội nhóm mạng xã hội: Zalo, Facebook buôn bán hàng hóa, thực phẩm...

Chị Nguyễn Kim Anh (phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy) cho biết, khác với bánh trung thu truyền thống, bánh trung thu được rao bán trên mạng xã hội rất đa dạng từ mẫu mã đến hương vị. Cụ thể, vỏ bánh được làm cầu kỳ thành những bông hoa nổi, bắt mắt; nhân bánh đa dạng vị mới lạ, như: Trà sữa, mơ tây, chanh dây, trứng muối tan chảy… Giá cả các loại bánh cũng đa dạng, có loại rẻ bất ngờ, chỉ 12.000-20.000 đồng/sản phẩm, nếu mua với số lượng lớn có thể giảm sâu. Dù người bán quảng cáo là dòng bánh trung thu tươi, không chất bảo quản, không phẩm màu, nguyên liệu từ tự nhiên… nhưng ngoài số điện thoại liên hệ, không có thông tin nhà sản xuất, hạn sử dụng, tiêu chuẩn chất lượng…

Anh Nguyễn Văn Bình (xã An Khánh, huyện Hoài Đức) cho biết, mặc dù thực hiện giãn cách xã hội nhưng tại Hà Nội và các tỉnh, thành phố trên cả nước liên tiếp phát hiện các vụ vận chuyển, kinh doanh bánh trung thu nhập lậu và nguyên liệu làm bánh trung thu không rõ nguồn gốc càng gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh người tiêu dùng phải cẩn trọng khi mua bánh trung thu online.

Lực lượng chức năng kiểm tra bánh trung thu không rõ nguồn gốc, xuất xứ tại một cơ sở kinh doanh trên địa bàn xã La Phù (huyện Hoài Đức), ngày 10-9. Ảnh: Hiệp Dương

Tăng cường quản lý chất lượng

Nhằm ngăn chặn tình trạng lợi dụng dịch bệnh để sản xuất, kinh doanh, nhập lậu các mặt hàng thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, trong đó có sản phẩm bánh trung thu, các cơ quan chức năng từ trung ương tới địa phương đã triển khai nhiều biện pháp như đẩy mạnh tuyên truyền về an toàn thực phẩm, tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm...

Theo Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) Nguyễn Thanh Phong, các tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội cần chủ động tăng cường công tác tuyên truyền an toàn thực phẩm trong dịp Tết Trung thu, lồng ghép với tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19. Đồng thời, khuyến cáo người tiêu dùng chỉ mua, sử dụng thực phẩm có nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ và hạn sử dụng rõ ràng.

Trong khi đó, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) khuyến cáo, khách hàng mua bánh trung thu online cần lựa chọn và sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, tên nhà sản xuất, địa chỉ sản xuất, có hướng dẫn sử dụng, bảo quản… Đặc biệt, chỉ nên mua hàng tại những website đã đăng ký với Bộ Công Thương với đầy đủ thông tin về chủ sở hữu, giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm; tuyệt đối không nên mua sản phẩm ở những trang fanpage không có thông tin người bán, không có địa chỉ rõ ràng hoặc cố tình giấu địa chỉ...

Tại Hà Nội, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội Trịnh Quang Đức cho biết, đơn vị đã yêu cầu các đội quản lý thị trường chủ động phối hợp với lực lượng thanh tra của ngành Công Thương, Y tế và các địa phương, tăng cường kiểm tra, kiểm soát mặt hàng bánh trung thu trong thời gian Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội. Trong đó, chú trọng rà soát các cơ sở, cá nhân kinh doanh bánh trung thu online trên website; mạng xã hội Zalo, Facebook chưa đăng ký với Bộ Công Thương, đồng thời xử lý nghiêm khi phát hiện sai phạm…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nỗi lo từ bánh trung thu online

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.