Từ đầu tháng 8, Sở Công thương TP Hồ Chí Minh đã công bố chương trình
(HNM) - Từ mục tiêu kích cầu...
Từ đầu tháng 8, Sở Công thương TP Hồ Chí Minh đã công bố chương trình "Tháng 9 - Tháng khuyến mại" với khẩu hiệu "Thỏa sức mua, đua sức sắm" diễn ra từ ngày 1 đến 30-9 trên địa bàn TP. Chương trình nhằm gia tăng kích cầu tiêu dùng xã hội, phục vụ nhu cầu mua sắm của nhân dân; tạo cơ hội cho doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm hàng hóa, đặc biệt trên lĩnh vực dịch vụ thương mại và du lịch vào những tháng cuối năm 2010.
Mở đầu chương trình này là hội chợ "Tháng khuyến mại" sẽ được tổ chức từ ngày 31-8 tới 4-9 tại Nhà thi đấu Phú Thọ với trên 400 gian hàng của các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực: may mặc, thực phẩm, nước uống, hàng gia dụng, hóa mỹ phẩm… Năm nay Saigon Co.op sẽ mở rộng chương trình với chủ đề "Tự hào hàng Việt" và sẽ tổ chức đồng loạt tại 46 siêu thị Co.op Mart, 12 cửa hàng Co.op Food. Với 1.500 mặt hàng thuộc nhiều nhóm hàng khác nhau có mức giảm giá đến 50%. Ngoài ra, Saigon Co.op còn tổ chức 30 chuyến xe bán hàng lưu động với nhiều nhóm hàng thiết yếu do các DN trong nước sản xuất với mức giá giảm tới 30%. Đại diện Công ty Vissan cũng khẳng định sẽ dành 6 tỷ đồng để khuyến mãi, giảm giá đối với các nhóm hàng thực phẩm chế biến từ 5-10%.
Bên cạnh việc kích thích tiêu dùng nội địa, “Tháng khuyến mại” năm nay còn có mục tiêu thu hút lượng du khách trong và ngoài nước đến TP Hồ Chí Minh và tham gia mua sắm. Đặc biệt, trong tháng còn có các hoạt động gắn kết với chương trình "Tiêu dùng sản phẩm xanh", thông qua việc khuyến khích tiêu dùng sản phẩm sạch của các DN đoạt giải thưởng DN xanh, tặng túi môi trường xanh… nhằm kêu gọi người tiêu dùng và DN đề cao trách nhiệm bảo vệ môi trường. Trong Tháng khuyến mại, Sở Công thương TP phối hợp với ban quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất; các huyện ngoại thành để tổ chức các chuyến bán hàng lưu động đến tận công nhân, nhân dân vùng sâu, vùng xa…
Có thể nói, "Tháng khuyến mại" là hoạt động thiết thực hưởng ứng cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" do Bộ Chính trị phát động; đồng thời góp phần vào chương trình kích cầu du lịch năm 2010 "Việt Nam - Điểm hẹn của bạn" của TP Hồ Chí Minh.
Đến cam kết không tăng giá
Ngay từ tháng 6, TP Hồ Chí Minh đã thực hiện rất tốt chương trình bình ổn giá đối với nhóm hàng lương thực, thực phẩm. Tuy nhiên, đúng vào thời điểm sức tiêu thụ thấp nhất trong năm, khi TP đang nỗ lực kích cầu mua sắm thông qua chương trình "Tháng khuyến mại", thì cũng là lúc nhiều mặt hàng đã tăng giá ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh nâng tỷ giá VND/USD. Hầu hết các siêu thị đã nhận được đề nghị tăng giá của DN sản xuất và nhà cung cấp. Saigon Co.op, hệ thống siêu thị Maximark, hệ thống siêu thị BigC… nhận được lời đề nghị tăng giá khá nhiều mặt hàng (từ 3 đến 10%) với lý do nguyên liệu đầu vào tăng và tác động thay đổi tỷ giá!
Theo ông Nguyễn Thành Nhân, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op: "Chúng tôi chưa chấp nhận những đề nghị tăng giá trong tháng 9, bởi đây là thời gian thấp điểm mua sắm và TP đang tổ chức Tháng khuyến mại kích thích tiêu dùng. Song về lâu dài, tùy từng hợp đồng với nhà cung cấp, chúng tôi sẽ điều chỉnh đối với một số mặt hàng chịu tác động trực tiếp từ tỷ giá". Bà Nguyễn Phương Thảo, Giám đốc Siêu thị Maximark cho biết: "Việc tăng giá mà nhà cung cấp đưa ra lý do khá chính đáng. Dù vậy chúng tôi khuyến khích họ kèm theo khuyến mại tránh sụt giảm doanh thu". Trong buổi thông báo về chương trình khuyến mãi "Tự hào hàng Việt" do Saigon Co.op tổ chức, đại diện nhiều nhà cung cấp như Vissan, Vinamilk, Dutch Lady, Kinh Đô, May Nhà Bè, Mì Colusa, Dầu ăn Cái Lân… cùng cam kết sẽ tham gia chương trình "Tháng khuyến mại" và không tăng giá!
Ông Trần Vinh Nhung, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết, việc tổ chức tháng khuyến mại nhằm tăng sức mua, vì vậy DN cần cân nhắc có nên tăng giá vào lúc này không, vì không chỉ làm yếu sức mua mà còn giảm sức cạnh tranh của DN. TP sẽ cố gắng không để hàng thiết yếu tăng giá trong mọi hoàn cảnh. Hiện nay, lượng đường, gạo, hàng tiêu dùng… trong kho DN còn rất nhiều. Sở Công thương sẽ liên tục cập nhật giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm để kịp thời ứng phó khi có biến động. Thậm chí nhiều DN còn giảm giá bán thấp hơn giá bình ổn để kích thích tiêu dùng, tăng sức mua.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.