(HNM) - Theo bài điều tra của phóng viên một tờ báo xuất bản ngày hôm qua 10-3, tại một huyện thuộc tỉnh Nghệ An có tới gần hai chục trường hợp dù đã trượt trong kỳ thi tốt nghiệp THPT (khóa học bổ túc văn hóa 2006 - 2009) nhưng hiện vẫn đang đảm nhận các vị trí chủ chốt của một số xã trong địa bàn. Cũng theo bài báo này, có người còn đang theo học các lớp trung cấp, đại học để còn tiến xa hơn trên con đường… quan lộ.
Câu chuyện nêu trên chả hay ho gì nên những người trong cuộc lảng tránh, trả lời vòng vo là điều dễ hiểu, tuy nhiên cũng đã có người thừa nhận: "Anh em đã đóng hơn một triệu đồng để nhờ người mua bằng". Chắc chắn cơ quan chức năng sẽ làm rõ để có câu trả lời cuối cùng, song câu chuyện này đã bộc lộ một sự thật đáng buồn.
Thứ nhất, việc sử dụng bằng giả là vấn đề không mới, tuy nhiên thi thoảng qua từng sự vụ cụ thể câu chuyện ấy lại được hâm nóng. Điều đó đồng nghĩa với việc trong đội ngũ công bộc đương nhiệm hiện nay vẫn còn có những trường hợp dùng bằng giả để tiến thân. Sử dụng bằng giả, tức là sử dụng chứng nhận về trình độ, tri thức giả để có thể "ngồi" vào những "chiếc ghế" cần hội tụ một số tiêu chuẩn nhất định. Nguy hiểm là, khi được sắp đặt vào những "chiếc ghế" đó, sự chỉ đạo, thực hiện công việc của họ không là chuyện chơi hoặc nói cho vui mà là sự thật 100%. Với cương vị đảm đương quá sức với trình độ, tri thức họ có, liệu những vấn đề họ chỉ đạo hoặc tổ chức thực hiện có thực sự góp phần làm cho bộ máy điều hành trở nên thông suốt, giúp cho địa phương phát triển, hay chính là lực cản, tạo nên sự trì trệ cùng các cụm từ hay được nhắc đến trong đánh giá cán bộ đó là "năng lực, trình độ hạn chế"; "bố trí, sắp xếp cán bộ còn nhiều bất cập"? Điều đó là rất nguy hiểm, trực tiếp ảnh hưởng tới quá trình phát triển trong khi chúng ta đang đẩy mạnh "chuẩn hóa" để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ.
Thứ hai, họ sử dụng được bằng giả vì ở chỗ này, chỗ khác vẫn tồn tại chuyện "nén bạc đâm toạc tờ giấy" để họ còn có chỗ mua bằng, hoặc "lo lót" cho êm các thủ tục hợp pháp cho con đường tiến thân, bổ nhiệm vào một số vị trí công tác trong các cơ quan nhà nước. Như vậy, sự hỏng ở đây không chỉ có những cán bộ đã sử dụng bằng giả để tiến thân mà còn có cả một số người liên đới, giúp cho việc có được và hợp pháp hóa những mảnh giấy vô giá trị đó.
Và thứ nữa, không như câu chuyện ở huyện nọ thuộc tỉnh Nghệ An, hiện nay còn tồn tại không ít cán bộ có bằng cấp "xịn" 100%, thậm chí không chỉ là bằng tốt nghiệp THPT, bằng đại học mà còn cao cấp hơn thế, nhưng trình độ, tri thức lại là giả. Điều đó lại càng nguy hiểm.
Thuốc trị những "căn bệnh" trên là mọi việc đều phải công khai minh bạch, thậm chí cần thiết như một địa phương, hoặc một bộ đã áp dụng, đó là tổ chức thi tuyển vào những vị trí công tác. Điều đó rất tốt cho việc "chuẩn hóa" cán bộ và sử dụng được những con người thực tài, đủ năng lực và trình độ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.