(HNM) - Thống kê tại Văn bản số 1850/UBND-NC ngày 27-4-2018 của UBND TP Hà Nội thông báo yêu cầu khắc phục các tồn tại vi phạm về phòng cháy, chữa cháy cho thấy, trong tổng số 426 công trình cao tầng có tới 31 khách sạn không bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy.
Canh cánh nỗi lo
31 khách sạn không bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy tập trung chủ yếu tại quận Ba Đình (13), quận Đống Đa (7), quận Hoàn Kiếm (4), quận Tây Hồ (3), các quận: Cầu Giấy, Long Biên, Hà Đông, Hoàng Mai, mỗi quận có 1 khách sạn.
Trong đó, các tồn tại chủ yếu liên quan đến kết cấu thoát nạn, trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy. Thậm chí, có khách sạn chưa được nghiệm thu đã đưa vào sử dụng như khách sạn May de Ville và khách sạn Tirant ở phố Gia Ngư (quận Hoàn Kiếm).
Diễn tập phòng cháy, chữa cháy tại khách sạn Daewoo Hà Nội. |
Đại úy Nguyễn Hùng Dũng, cán bộ Phòng Hướng dẫn, chỉ đạo về phòng cháy (Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy TP Hà Nội) cho biết, lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn khi xử lý tồn tại, vi phạm ở loại hình kinh doanh này. Theo quy định, một năm lực lượng chức năng chỉ được kiểm tra phòng cháy, chữa cháy cơ sở 4 lần. Chỉ khi nào chủ đầu tư, đơn vị quản lý có công văn đề nghị thẩm duyệt lại các hạng mục khắc phục thì lực lượng phòng cháy, chữa cháy mới tiến hành kiểm tra theo yêu cầu.
“Nếu chủ đầu tư chây ỳ thì phải đợi đến kỳ tiếp theo (3 tháng/lần) mới có thể tiếp tục kiểm tra, rà soát lại tồn tại, vi phạm” - Đại úy Nguyễn Hùng Dũng chia sẻ.
Đại tá Nguyễn Trường Sơn, Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy số 2 nhận định, nhiều chủ khách sạn cũng không tuyên truyền cho khách thuê phòng các quy định an toàn về cháy, nổ. Điều đó dẫn tới du khách hút thuốc vứt tàn bừa bãi trong phòng và ngoài hành lang, sử dụng các thiết bị điện, nhiệt sai quy cách, dễ dẫn đến nguy cơ cháy, nổ. Trong khi đó, hầu hết những khách sạn vi phạm lại nằm trong khu vực nội thành, phố cổ, phương tiện chữa cháy khó tiếp cận; nguy cơ cháy lan khi có sự cố xảy ra là rất cao.
Việc nhiều khách sạn tồn tại về phòng cháy, chữa cháy khiến người dân sinh sống xung quanh và du khách cư trú ở những cơ sở này vẫn canh cánh nỗi lo, nhất là thời điểm Hà Nội đang bước vào mùa du lịch. Điển hình là vào trưa 13-5 vừa qua, một vụ cháy đã xảy ra tại khách sạn Momizi (phường Cống Vị, quận Ba Đình). Khi phát hiện cháy, nhiều người bên trong khách sạn, trong đó có khách nước ngoài đã hoảng hốt bỏ chạy khỏi khu vực nguy hiểm. Rất may là lực lượng phòng cháy, chữa cháy kịp thời có mặt và dập tắt đám cháy, không để xảy ra thiệt hại về người.
Cơ sở vi phạm sẽ bị xử lý và nêu tên
Để nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy, hạn chế đến mức thấp nhất số vụ, thiệt hại do cháy, nổ gây ra tại các khách sạn, Đại úy Vũ Đức Hưng, Phó Trưởng phòng Hướng dẫn, chỉ đạo về phòng cháy (Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy TP Hà Nội) cho biết, thời gian qua đơn vị đã chú trọng tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho người đứng đầu cũng như nhân viên của các khách sạn, đồng thời thường xuyên tập huấn, trang bị kỹ năng sử dụng phương tiện chữa cháy tại chỗ. Các phòng quản lý địa bàn tổ chức đối thoại với các doanh nghiệp để kịp thời lắng nghe, hướng dẫn cơ sở tháo gỡ những vướng mắc về công tác phòng cháy, chữa cháy...
Đặc biệt, đầu tháng 5 vừa qua, Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy thành phố phối hợp cùng doanh nghiệp tổ chức diễn tập, thực tập các phương án chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ với tình huống giả định bám sát thực tế, đặc thù của loại hình cơ sở này.
Ngoài ra, thực hiện chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy thành phố tiếp tục tăng cường hoạt động kiểm tra, đôn đốc các cơ sở kịp thời khắc phục sơ hở, thiếu sót về phòng, chống cháy, nổ, kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm nghiêm trọng hoặc cố tình vi phạm.
Đại tá Trần Văn Vụ, Trưởng phòng Hướng dẫn, chỉ đạo về phòng cháy cho biết, đơn vị tiếp tục rà soát các nhà cao tầng, trong đó có các khách sạn trên địa bàn thành phố để công bố các cơ sở vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng. Qua đó, cung cấp cho người dân những thông tin về tình hình an toàn phòng cháy, chữa cháy và răn đe những cơ sở cố tình chây ỳ trong công tác khắc phục tồn tại.
Cho rằng, nếu xảy ra sự cố cháy, nổ tại khách sạn, có thể gây thiệt hại lớn do người thuê chưa nhận biết được phương án và lối thoát nạn khẩn cấp, Thiếu tá Vũ Trọng Sang, Phó Trưởng phòng Cứu nạn, cứu hộ (Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy TP Hà Nội) khuyến cáo người dân và du khách cần lựa chọn khách sạn có trang bị hệ thống báo cháy và chữa cháy tự động. Khi nhận phòng phải lưu ý sơ đồ chỉ dẫn an toàn được trang bị tại từng phòng và dành thời gian tìm hiểu các lối thoát nạn. Khi trú tại khách sạn, du khách cần để chìa khóa phòng cạnh giường ngủ để mở cửa thoát nạn nếu xảy ra sự cố bất ngờ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.