Giáo dục

Chặn nỗi lo “treo” ở cổng trường

Thống Nhất 13/04/2024 - 15:13

Mấy ngày nay, sự việc nhiều học sinh ở Nha Trang (Khánh Hòa) nhập viện do ăn đồ ăn ở cổng trường, trong đó có một em tử vong chưa kịp lắng xuống, thì cách đây mấy hôm, vẫn tại Khánh Hòa, lại xảy ra việc gần 30 học sinh nghi bị ngộ độc khi đang học tại trường.

Vấn đề bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, giáo dục, nhắc nhở học sinh không sử dụng thực phẩm thiếu nguồn gốc tiếp tục là nhiệm vụ quan trọng, cần được kiên trì triển khai nhằm chặn nỗi lo “treo” ở cổng trường.

Nhiều nguy cơ không an toàn

Liên tiếp các sự việc học sinh có dấu hiệu bị ngộ độc thực phẩm nghi liên quan đến việc sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ tại nhiều địa phương đang gióng lên hồi chuông cảnh báo, đòi hỏi nhà trường, các cơ quan chức năng khẩn trương có giải pháp ngăn chặn.

Sự việc nhiều học sinh ở Nha Trang nhập viện do ăn đồ ăn ở cổng trường, trong đó có một em tử vong vào ngày 5-4 chưa kịp lắng xuống, thì cách đây mấy hôm, vẫn tại địa phương này xảy ra việc gần 30 học sinh nghi bị ngộ độc khi đang học tại trường.

Đáng chú ý, trước đó, vào ngày 4-4, tại Lâm Đồng, cũng xảy ra việc 30 học sinh phải nhập viện khám sức khỏe do có các triệu chứng bị ngộ độc sau khi ăn kẹo có mác ghi chữ nước ngoài ở cổng trường. Hiện nay, cơ quan chức năng của các địa phương đang tiếp tục xác minh nguyên nhân của sự việc.

Việc tăng cường kiểm tra việc thực hiện các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm với các hoạt
Việc kiểm tra, giám sát quy trình thực hiện bếp ăn bán trú trong trường học ở Hà Nội luôn được coi trọng và đạt hiệu quả. Ảnh Thống Nhất.

Là địa phương có quy mô giáo dục lớn nhất trong các địa phương trên cả nước với hơn 2.800 trường học, hơn 2,2 triệu học sinh, công tác bảo đảm an toàn trường học được ngành Giáo dục Hà Nội xác định là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Kết quả thực hiện cho thấy, việc tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm với các hoạt động trong nhà trường như căng tin, bếp ăn bán trú, nước uống... đã đi vào nền nếp, hiệu quả.

Tuy nhiên, việc quản lý hàng quán bên ngoài cổng trường cũng như việc quản lý, giáo dục, nhắc nhở học sinh không mua, sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc còn nhiều khó khăn. Câu chuyện học sinh ở nhiều tỉnh, thành phố, trong đó có Hà Nội ăn kẹo lạ gây những biểu hiện ngộ độc xảy ra vào cuối tháng 11, đầu tháng 12-2023 là một minh chứng. Phải mất khá nhiều thời gian và nhờ sự chung sức vào cuộc của nhiều lực lượng, tình trạng học sinh mua, sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc ở cổng trường mới được khống chế.

Giải pháp nào ngăn chặn?

Việc nhiều học sinh ở Nha Trang, Lâm Đồng nhập viện sau khi ăn thực phẩm ở cổng trường vào đầu tháng 4 một lần nữa gióng lên tiếng chuông cảnh báo về việc cần duy trì các giải pháp nhằm bảo đảm an toàn sức khỏe cho học sinh.

Nhằm ngăn chặn tình trạng tương tự, chiều 5-4, Trường Trung học cơ sở Trưng Vương (quận Hoàn Kiếm) thông báo yêu cầu phụ huynh học sinh nhắc nhở con tuyệt đối không mua quà, ăn uống từ những xe hàng rong và hàng quán bán vỉa hè. Trong những ngày cuối tuần vừa qua, nhiều trường học trên địa bàn Hà Nội cũng đã gửi thông tin sự việc cùng khuyến cáo tới phụ huynh học sinh, trong đó nêu rõ nguy cơ, tác hại của các thực phẩm không an toàn ảnh hưởng đến sức khỏe học sinh.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, nhiều hiệu trưởng nêu ý kiến, việc kiểm tra, ngăn chặn hàng quán bán thực phẩm không rõ nguồn gốc ở cổng trường học là cần thiết, nhưng thẩm quyền, trách nhiệm của nhà trường không thể làm việc này, mà cần sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ và thường xuyên của chính quyền địa phương. Về phía các trường, giải pháp hữu hiệu nhất là tăng cường tuyên truyền, giáo dục để học sinh nhận rõ nguy cơ, tác hại khi sử dụng thực phẩm không an toàn, từ đó tự ý thức phòng ngừa.

Bà Nguyễn Phương Thảo, phụ huynh học sinh Trường Tiểu học Khương Mai (quận Thanh Xuân) chia sẻ sự lo lắng khi thấy bên ngoài các cổng trường đều có nhiều hàng quán bán đồ ăn, nước uống tràn lan. “Tôi mong rằng chính quyền sở tại sẽ có biện pháp kiên quyết hơn với những cơ sở kinh doanh ở quanh khu vực cổng trường và dẹp bỏ ngay những gánh hàng rong, bởi đây là nơi tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Học sinh bị đau bụng khi mua, sử dụng đồ ăn, thức uống, nhưng đến lúc xử lý lại rất khó khăn do học sinh mua ở hàng rong, mà các gánh hàng rong lại xuất hiện nay đây, mai đó”, bà Nguyễn Phương Thảo đề xuất.

th-vinh-tuy-an-ban-tru.jpg
Trường Tiểu học Vĩnh Tuy tăng cường giám sát chất lượng bữa ăn bán trú để bảo đảm an toàn sức khỏe cho học sinh. Ảnh Thống Nhất.

Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng) Nguyễn Phương Hoa cho biết, bên cạnh việc tăng cường giám sát chất lượng bữa ăn bán trú, nhà trường coi trọng việc tuyên truyền, giáo dục học sinh phòng, chống các nguy cơ không an toàn cho sức khỏe, trong đó có việc không mua, sử dụng thực phẩm không nguồn gốc, xuất xứ bên ngoài cổng trường. Nội dung này được lồng ghép vào các môn học, hoạt động giáo dục và các chuyên đề, có sự tham gia của phụ huynh.

Trưởng phòng Chính trị tư tưởng - Khoa học công nghệ (Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội) Trần Thị Thu Hà, cho biết, từ nay tới cuối năm học 2023-2024, Sở yêu cầu các nhà trường đẩy mạnh tuyên truyền đến học sinh về việc không mua, ăn đồ ăn vặt không rõ nguồn gốc xuất xứ; phổ biến tới phụ huynh tăng cường quản lý con em. Sở cũng đề nghị các nhà trường chỉ đạo cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh chủ động phát hiện các cơ sở quanh khu vực cổng trường kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc và báo cho chính quyền địa phương để có biện pháp ngăn chặn.

Trong trường hợp cần thiết liên quan đến vấn đề an toàn thực phẩm, các nhà trường trên địa bàn thành phố có thể liên hệ trực tiếp tới số điện thoại 024.39411232. (Nguồn: Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội).

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chặn nỗi lo “treo” ở cổng trường

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.