(HNM) - Sinh thời, làm bất kỳ việc gì, Chủ tịch Hồ Chí Minh đều nghĩ đến dân, vì nhân dân, nhất là người già, trẻ em, người yếu thế trong xã hội. Người đã phát động và gương mẫu thực hiện phong trào “Hũ gạo tiết kiệm” để dành mỗi bữa ăn một nắm gạo nhỏ giúp đỡ người nghèo. Người còn khuyên cán bộ, đảng viên và nhân dân, thấy “việc thiện thì dù nhỏ mấy cũng làm”. Noi gương Bác, nhiều tập thể, cá nhân trên địa bàn Thủ đô đã tích cực làm việc thiện, nhiệt tình tham gia công tác xã hội.
Hết lòng vì những hoàn cảnh khó khăn
Trong đội ngũ cán bộ, cộng tác viên làm công tác xã hội, từ thiện được thành phố Hà Nội biểu dương về việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh hay gương “Người tốt, việc tốt”, bà Nguyễn Thị Kim Đức, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Tiên Dược (huyện Sóc Sơn) là một điển hình.
Bà Nguyễn Thị Kim Đức kể: Khi tìm hiểu về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, bà đặc biệt ấn tượng với cách thức tổ chức các hoạt động nhân đạo của Người. Chẳng hạn, khi phát động phong trào “Hũ gạo tiết kiệm”, Bác đã gương mẫu thực hiện, đồng thời đề nghị đồng bào cả nước: “Cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa, mỗi tháng nhịn ăn 3 bữa. Đem gạo đó (mỗi bữa một bơ) để cứu dân nghèo”. Bác còn khuyên cán bộ, đảng viên và nhân dân, thấy “việc thiện thì dù nhỏ mấy cũng làm. Việc ác thì dù nhỏ mấy cũng tránh”… “Qua những câu chuyện thể hiện tấm lòng thương dân của Bác, tôi nhận ra, người làm công tác xã hội - từ thiện phải luôn nói đi đôi với làm, phải gương mẫu thực hiện, phải làm cho dân hiểu, dân tin”, bà Nguyễn Thị Kim Đức nói.
Noi gương Bác, bà Nguyễn Thị Kim Đức đến từng cơ quan, đơn vị, hộ gia đình vận động họ làm việc thiện. Mưa dầm thấm lâu, đến nay, đa số người dân và doanh nghiệp trên địa bàn xã Tiên Dược đã tích cực đóng góp tiền mặt và hàng hóa, với tổng trị giá gần 200 triệu đồng mỗi năm để làm việc thiện. Cháu Lê Thị Nghị, học sinh Trường Trung học cơ sở xã Tiên Dược bộc bạch: “Bố không may mất sớm, mẹ đi đâu không rõ, hai chị em cháu đang sống với ông bà nội già yếu. Tuy vậy, chúng cháu vẫn được học hành, vui chơi nhờ sự quan tâm, giúp đỡ của cộng đồng, trong đó có số tiền 500.000 đồng/tháng chúng cháu được hỗ trợ thông qua Hội Chữ thập đỏ xã Tiên Dược”.
Một điển hình về tấm lòng luôn quan tâm giúp đỡ người nghèo khác là bà Phan Thị Bính, tổ dân phố 22, phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai). Cảm thông với bệnh nhân nghèo gặp khó khăn trong quá trình di chuyển, bà Bính đã vận động những người bạn góp tiền mua xe cấp cứu, chuyên chở bệnh nhân miễn phí. Đi vào hoạt động từ tháng 12-2018 đến nay, chiếc xe nghĩa tình này đã vận chuyển hàng trăm lượt bệnh nhân nghèo...
Ngoài nghĩa cử của những tấm gương này, trên địa bàn thành phố Hà Nội còn rất nhiều tập thể, cá nhân tích cực làm việc thiện như ông Trần Văn Hiệp, Giám đốc Công ty TNHH Hiệp Hạnh, xã Trường Yên (huyện Chương Mỹ); bà Chu Thị Minh Phương, cán bộ chăm sóc, phục vụ bệnh nhân tâm thần tại Trung tâm Nuôi dưỡng và Chăm sóc người tâm thần số 2 (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội)…
Phát triển các phong trào, hoạt động nhân đạo
Để những giá trị nhân đạo theo tư tưởng Hồ Chí Minh tiếp tục lan tỏa, góp phần tạo nguồn hỗ trợ cho người nghèo và các đối tượng yếu thế, các đơn vị chức năng trên địa bàn Hà Nội luôn quan tâm phát triển các phong trào, hoạt động nhân đạo.
Ông Khuất Văn Thành, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội cho biết, Sở đã phát động phong trào thi đua “người tốt, việc tốt” gắn với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đến đội ngũ cán bộ, đảng viên, người lao động. Cùng với đó, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội luôn khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các đơn vị, doanh nghiệp, địa phương chung tay giúp đỡ người nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt trong xã hội. Tạo nguồn lực cho phong trào, ngoài nguồn ngân sách, thành phố Hà Nội còn huy động xã hội hóa được hàng trăm tỷ đồng mỗi năm để hỗ trợ người nghèo, người tàn tật, người già cô đơn, trẻ em khuyết tật, mồ côi.
“Đến thời điểm này, 100% hộ nghèo, cận nghèo, gần 200.000 đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn thành phố đã nhận được sự trợ giúp về nhiều mặt. Dự kiến, Hà Nội cơ bản không còn hộ nghèo vào cuối năm 2019”, ông Khuất Văn Thành khẳng định.
Tiếp tục phát huy những giá trị nhân đạo theo tư tưởng Hồ Chí Minh - Chủ tịch danh dự của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam từ khi thành lập năm 1946 đến khi Người đi xa - đội ngũ cán bộ, tình nguyện viên thuộc Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội trở thành nhịp cầu kết nối những tấm lòng biết chia sẻ, yêu thương. Trung bình mỗi năm, mạng lưới Chữ thập đỏ ở Hà Nội đã vận động được từ 200 tỷ đồng đến 400 tỷ đồng, trợ giúp kịp thời hơn 100.000 lượt người. Theo ông Nguyễn Sỹ Trường, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội, các chương trình, hoạt động nhân đạo được triển khai rộng rãi, đều hướng đến mục tiêu cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân.
Không những vậy, các phong trào, hoạt động nhân đạo trên địa bàn Hà Nội còn được triển khai thông qua nhiều sở, ban, ngành, đoàn thể và các tổ chức xã hội - từ thiện, qua đó các giá trị nhân đạo ngày càng được lan tỏa, đã và đang trở thành nét đẹp không thể thiếu trong đời sống cộng đồng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.