Bạn đọc

Hành vi “phông bạt” tiền từ thiện - đối mặt với “bản án” lương tâm và pháp luật

Thúy - Hằng 13/09/2024 20:44

12.028 trang thông tin sao kê số tiền ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão số 3 (Yagi) được Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam công khai vào tối 12-9 đã tạo nên “cơn bão” mới trong cộng đồng mạng xã hội. Dư luận sục sôi vì những thông tin “fake” thổi phồng số tiền làm từ thiện của một số đối tượng nhằm "câu like", "làm màu”, “phông bạt”...

Vạch trần khoảng tối...

Nhằm công khai, minh bạch nguồn quỹ cứu trợ theo quy định pháp luật, tối 12-9, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã lần đầu tiên công khai hơn 12.000 trang sao kê tiền ủng hộ đồng bào chịu thiệt hại bởi lũ lụt trên fanpage của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để đồng bào cả nước biết.

Việc này đã thu hút sự quan tâm của đông đảo các tầng lớp nhân dân, đặc biệt, bên cạnh việc lan tỏa nghĩa đồng bào, tinh thần “người trong một nước thì thương nhau cùng” của những tấm lòng “vàng” thì cũng góp phần vạch trần một số “khoảng tối”.

Theo đó, nhiều người đã kiểm tra và phát hiện một số cá nhân, fanpage nổi tiếng đã thiếu trung thực, “làm màu” khi giả mạo số tiền ủng hộ công bố trên mạng xã hội.

Trong số những người bị “bóc phốt” phải kể đến Tiktoker V.A. Thông tin thể hiện, sáng 10-9, tài khoản này đã khoe ảnh chuyển khoản 20 triệu đồng ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3. Thế nhưng, trên bản sao kê, tài khoản này chỉ chuyển 1 triệu đồng. Sau khi bị “bóc phốt” về hành vi thiếu trung thực này, 5 giờ sáng 13-9, trên tài khoản Tiktok của mình, V.A đăng clip tường thuật lại sự việc và xin lỗi. “… Hành động xấu hổ này của mình đáng bị lên án và nhận được nhiều bài học cho bản thân. Mình xin lỗi vì hành động kệch cỡm và "phông bạt" này đã ảnh hưởng đến mọi người…”, V.A viết.

Tương tự, nhiều cá nhân, hội, nhóm khác cũng tiếp tục bị bóc mẽ. Không chỉ vậy, thông qua bản sao kê, cộng đồng mạng còn phát hiện nhiều tổ chức, cá nhân lợi dụng tình hình để “ăn chặn” tiền ủng hộ.

Trong ngày hôm nay (13-9), nhiều cá nhân, quản lý các fanpage đồng loạt đăng clip, bài viết xin lỗi tới cộng đồng mạng xã hội, người theo dõi, đặc biệt là người dân cả nước, đồng thời thực hiện “sửa sai”. Đơn cử, Tiktoker V.A đã chuyển khoản đủ 20 triệu đồng ủng hộ đồng bào chịu ảnh hưởng bởi lũ lụt vào tài khoản của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong ngày 13-9.

Việc công khai thông tin sao kê không chỉ giúp người dân cả nước tường minh về số tiền ủng hộ, mà còn giúp phát hiện được tình trạng một số người làm mất uy tín của tổ chức, cá nhân vì một lợi ích nào đó.

Đó là sự việc liên quan tới Liên đoàn Xiếc Việt Nam. Theo Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam, Nghệ sĩ nhân dân Trần Mạnh Cường, Liên đoàn nhận được thông tin trên mạng xã hội đăng tải mã giao dịch 638010.100924.121857, nội dung: “Tập thể anh em Rạp xiếc trung ương ủng hộ” 10.000 đồng, được cho là lấy từ bản "sao kê" của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Sau khi tiếp nhận thông tin, tập thể lãnh đạo Liên đoàn đã họp để kiểm tra và rà soát. Nghệ sĩ nhân dân Trần Mạnh Cường khẳng định, hiện tại, Liên đoàn Xiếc Việt Nam đang tổ chức quyên góp để ủng hộ đồng bào bị bão lũ và chưa chuyển tiền ủng hộ, vì vậy, thông tin trên là không đúng sự thật. Sự việc này ảnh hưởng đến uy tín của Liên đoàn Xiếc Việt Nam và đơn vị đang phối hợp với cơ quan chức năng để làm rõ.

Cái gốc của tình người...

Có lẽ, lúc này, những tập thể, cá nhân khoe thông tin không đúng, không trung thực với cộng đồng mạng xã hội về số tiền làm từ thiện đang phải tự soi, tự vấn lương tâm. Việc sửa sai và có lời xin lỗi, dù muộn cũng còn hơn không và đáng khuyến khích. Số tiền quyên góp, hỗ trợ từ thiện dù ít hay nhiều cũng đều đáng quý, nhưng điều đáng quý hơn còn ở sự khiêm nhường, nói thật, làm thật tự đáy lòng mình dành cho đồng bào bị ảnh hưởng của cơn bão số 3 - đó mới là cái gốc của tình người.

Bên cạnh đó, ở khía cạnh pháp lý, để mọi người cùng hiểu hơn những quy định pháp luật trong lĩnh vực này, Luật sư Hoàng Trọng Giáp, Công ty Luật TNHH Hoàng Sa (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội), cho biết: Khi thông tin lên mạng xã hội, các chủ tài khoản cần lưu ý, Điều 101, Nghị định số 15/2020/NĐ-CP (quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử) quy định, người cung cấp, chia sẻ thông tin sai sự thật lên mạng xã hội có thể bị xử phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi sau: Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân (đối với tổ chức vi phạm thì mức phạt sẽ gấp 2 lần mức nêu trên).

Hoặc nếu xác định họ chỉnh sửa, tạo lập thông tin sao kê, mục đích qua mặt những người chuyển khoản ủng hộ để chiếm đoạt tài sản thì có thể xem xét hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 175 Bộ luật Hình sự.

Hoặc nếu xác định được họ có ý định gian dối chiếm đoạt tài sản ngay từ khi kêu gọi ủng hộ thì cần xem xét xử lý hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 Bộ luật Hình sự.

Việc công khai thông tin sao kê số tiền ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bởi bão số 3 từ Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam không chỉ giúp tăng cường tính minh bạch, trung thực trong việc huy động quỹ cứu trợ, mà còn giúp người dân kịp thời phát hiện những hành vi không đúng đắn của những tổ chức, cá nhân trong việc vận động, ủng hộ quỹ.

Dư luận mong rằng, ngoài việc công khai thông tin sao kê cứu trợ, thời gian tới, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp tục công khai, minh bạch việc phân bổ tiền cứu trợ đến các địa phương, từng hộ dân, để các tầng lớp nhân dân giám sát, đồng thời làm rõ động cơ, mục đích của những hành động thiếu trung thực trên mạng xã hội, nhằm vạch trần những ý đồ xấu. Qua đó khẳng định uy tín của các chương trình phát động ủng hộ đồng bào của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và lan tỏa mạnh mẽ tinh thần “tương thân, tương ái” trong cộng đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hành vi “phông bạt” tiền từ thiện - đối mặt với “bản án” lương tâm và pháp luật

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.