(HNM) - Theo thống kê, Việt Nam có 2.360 sông và 26 phân lưu. Trong vài chục năm gần đây, vì nhiều nguyên nhân như mất dần rừng đầu nguồn, xả thải công nghiệp và dân dụng, xây dựng hồ chứa và đập thủy điện... cảnh quan sinh thái của các dòng sông đã và đang thay đổi trên diện rộng, xáo trộn bất thường dòng chảy.
Đối mặt với suy thoái
GS-TS Ngô Đình Tuấn (ĐH Thủy lợi Hà Nội) cho biết, có đến 7 vấn đề dẫn đến sự suy thoái của các dòng sông. Có những vấn đề tồn tại dai dẳng như chất thải từ các nhà máy, làng nghề, bệnh viện... và có cả những bài toán mới chưa có lời giải như xây dựng thủy điện, các đập dâng...
Tình trạng ô nhiễm nặng nề trên sông Nhuệ. Ảnh: Bá Hoạt
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, tính đến năm 2010, tổng công suất thủy điện đạt khoảng 10.255MW đang đóng góp khoảng 40% tổng sản lượng điện toàn quốc. Nguồn năng lượng thủy điện tập trung ở sông Hồng, sông Đồng Nai. Việc xây dựng các hồ chứa lớn để phát điện cũng như việc phát triển thủy điện vừa và nhỏ; chuyển nước lưu vực nhằm tối ưu hóa khả năng khai thác thủy năng đã và đang gây ra nhiều vấn đề. Nổi bật nhất là các hồ chứa lớn được thiết kế đa mục tiêu nhưng phần lớn phải tập trung tối đa vào việc phát điện mà chưa chú ý đúng mức tới phòng chống lũ và cấp nước cho hạ lưu. Việc này làm phức tạp thêm tình trạng thiếu nước trong mùa khô và không đạt hiệu quả trong việc phòng chống lũ, lụt trong mùa mưa.
GS-TS Ngô Đình Tuấn cho biết thêm, hệ thống sông bị suy thoái còn do chia sẻ nguồn nước. Cụ thể như khi xây dựng thủy điện An Khê - Kanak, nước được chuyển sang sông Côn (Bình Định) đã làm cho hạ lưu sông Ba bị cạn kiệt, khiến tỉnh Gia Lai buộc nhà máy phải xả xuống hạ lưu trong các tháng mùa khô ít nhất 4m3/s. Tình hình tương tự cũng diễn ra tại sông Vu Gia - Thu Bồn, sông Thái Bình...
Trong số các vấn đề gây suy thoái dòng sông, tình trạng suy thoái nguồn nước do xả thải là đáng lo ngại hơn cả. Hiện nhóm sông có tỷ lệ dùng nước cho công nghiệp cao nhất là lưu vực sông (LVS) Hồng - Thái Bình, chiếm gần 50% tổng lượng nước sử dụng cho ngành công nghiệp của cả nước, tiếp đến là LVS Đồng Nai (25%), nhóm sông Đông Nam bộ (7%), LVS Cửu Long (10%). Dự báo đến năm 2015, lượng nước sử dụng cho công nghiệp sẽ tăng gấp đôi năm 2006 và đây là nguồn gây ô nhiễm lớn cho các dòng sông. Trong khi đó, hiện mới có 43/154 khu công nghiệp và khu chế xuất có hệ thống xử lý nước thải tập trung và việc các hệ thống này chỉ đáp ứng công suất xử lý ở mức 70% là thực tế đáng báo động.
Nan giải bài toán quản lý
Cơn khát năng lượng, lợi ích kinh tế, sự gia tăng hiện tượng bất thường của thời tiết do biến đổi khí hậu... đang khiến nhiều dòng sông bị "bức tử". Trong khi đó, công tác quản lý LVS đang là bài toán khó với các cơ quan quản lý. Cụ thể là các hoạt động phát triển kinh tế được ưu tiên "quá mức" nhưng công tác quản lý môi trường nước lại chưa theo kịp.
GS-TS Ngô Đình Tuấn thẳng thắn chỉ ra sự bất cập trong hệ thống quản lý hệ thống sông ở nước ta hiện nay. Theo ông, trên các hệ thống sông chính đã có một trong hai tổ chức là ban quản lý quy hoạch LVS và hội đồng LVS được lập ra. Thế nhưng, cả hai tổ chức này đều chưa có cơ chế thu hút người dân sở tại chủ động tham gia quản lý LVS. Ban quản lý quy hoạch LVS thì không sâu sát với địa phương, xa dân, xa điều kiện thực tế lưu vực. Kinh phí hoạt động của tổ chức này ở tình cảnh "ăn đong".
Trong khi đó, Luật Tài nguyên nước còn bộc lộ nhiều hạn chế. Cụ thể là chưa quy định đầy đủ, toàn diện một số nội dung quan trọng của quản lý tài nguyên nước như: quản lý LVS; điều hòa, phân bổ, chia sẻ nguồn nước một cách hợp lý; duy trì dòng sông và bảo vệ hệ sinh thái thủy sinh. Ngoài ra, các công cụ quản lý tài nguyên nước thông qua thuế, phí và các nghĩa vụ tài chính của người được hưởng lợi, người gây ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt tài nguyên nước cũng chưa được nêu cụ thể.
Những năm gần đây, nhận thức về nước và quản lý tài nguyên nước có sự chuyển biến so với trước. Tuy nhiên, việc người dân, chủ thể quan trọng trong việc sử dụng, bảo vệ các dòng sông ít được tham gia vào các hoạt động quản lý sông ngòi là thực tế đang xảy ra ở nhiều nơi. Bà Trần Thị Thanh Thủy (Trung tâm Con người và thiên nhiên - Liên hiệp Các hội KHKT Việt Nam), người chủ trì soạn thảo báo cáo "Sông ngòi Việt Nam dưới góc nhìn của báo chí và cộng đồng" cho biết: "Kết quả khảo sát cho thấy, 70% phản ánh của người dân về suy thoái sông ngòi không được phản hồi và giải quyết thấu đáo. Nhận thức và sự tham gia của người dân trong bảo vệ sông ngòi cũng rất hạn chế: chỉ có 18% phản ánh lên các cơ quan liên quan khi phát hiện hành vi tổn hại đến sông ngòi; 7% biết về các hoạt động bảo vệ sông ngòi ở địa phương". Rõ ràng, những "con số biết nói" đó gợi lên nhiều điều về cách quản lý hệ thống sông - tài sản vô giá ở nước ta hiện nay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.