Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nội bộ Hy Lạp mâu thuẫn vì cách thức xử lý tranh chấp biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ

Phương Quỳnh| 25/05/2020 13:45

(HNMO) – Ngày 25-5, báo chí Hy Lạp cho biết, nhiều đảng phái đối lập trong quốc hội nước này đã chỉ trích cách thức Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nikos Dendias xử lý vấn đề 35 binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ vượt qua biên giới tiến vào khu bờ Đông sông Evros thuộc chủ quyền Hy Lạp. Thậm chí cựu Bộ trưởng Ngoại giao nước này còn yêu cầu ông Dendias từ chức.

Trước đó, nhiều hãng thông tấn cho biết, khoảng 35 binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến vào khu bờ Đông sông Evros ở Melissokomeio mà không gặp phải bất kỳ sự phản kháng nào từ phía Hy Lạp. Những binh sĩ này đã lập doanh trại, triển khai đội hình phòng thủ tại vùng đất vốn do Hy lạp kiểm soát. Tại khu doanh trại, lá cờ Thổ Nhĩ Kỳ được giương cao trên một ngọn cây.

Phản ứng trước động thái này, Bộ Ngoại giao chỉ gửi một văn bản chính thức cho phía Thổ Nhĩ Kỳ để chứng minh chủ quyền của nước này đối với mảnh đất ở bờ Đông sông Evros. Điều khiến thành viên các đảng đối lập bất bình là, Bộ trưởng Ngoại giao Nikos Dendias đã không gọi hành động của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ là “xâm lược”, đồng thời khẳng định Athens có đầy đủ khả năng bảo vệ biên giới và toàn vẹn lãnh thổ.

Theo thành viên các đảng đối lập tại Hy Lạp, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nikos Dendias đã hạ thấp những nguy cơ đối với việc bảo vệ lãnh thổ trong khi Thổ Nhĩ Kỳ đã từng cố gắng chiếm vùng bãi bồi nói trên vào năm 1978 và 2002. Hiện tại, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cũng chưa đáp lại kêu gọi rút quân từ phía Hy Lạp.

Căng thẳng giữa hai nước xung quanh các khu vực tranh chấp leo thang từ khi ông Recep Tayyip Erdogan, người theo đường lối cứng rắn, nhậm chức Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ. Khi làn sóng người di cư từ Trung Đông đổ về Thổ Nhĩ Kỳ nhằm vượt biên giới vào Hy Lạp và Liên minh châu Âu (EU), quan hệ giữa hai nước càng xuống dốc. Thổ Nhĩ Kỳ từng nhiều lần cáo buộc Hy Lạp ngăn chặn dòng người di cư bằng các biện pháp vũ lực. Trong khi đó, Hy Lạp bác bỏ các cáo buộc, cho rằng Ankara đang lan truyền tin giả. Thêm vào đó, Hy Lạp cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ bắn hơi cay hướng về nước này, để hỗ trợ người di cư xâm nhập vào Hy Lạp bất hợp pháp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nội bộ Hy Lạp mâu thuẫn vì cách thức xử lý tranh chấp biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.