(HNMO) - Để làm rõ hơn về tình hình ngân hàng thực hiện khoanh nợ, giãn nợ trong thời gian qua cũng như những giải pháp đồng bộ để đạt được kết quả xử lý nợ xấu, ngày 23-6, Báo Tiền phong và Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức tọa đàm với chủ đề: "Nợ xấu trong đại dịch Covid-19 - Giải pháp hỗ trợ ngành Ngân hàng và cộng đồng doanh nghiệp".
Lo ngại nợ sẽ "xấu"
Ông Phạm Xuân Hòe, nguyên Viện phó Chiến lược Ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước), cho rằng khi nền kinh tế khó khăn, việc xử lý nợ xấu càng khó. Chỉ khi nào, nền kinh tế hanh thông trở lại, người dân cảm thấy lạc quan vào sản xuất, kinh doanh, việc phát mãi tài sản mới thuận lợi.
Báo cáo tài chính của nhiều ngân hàng cho thấy, nợ xấu có nguy cơ tăng mạnh. Như tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu (ACB), nợ xấu tăng 61%, lên 2.954 tỷ đồng. Theo báo cáo phân tích của Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI), ACB đã chủ động phân loại lại nợ của một khách hàng doanh nghiệp lớn có thể gặp khó khăn trong tương lai.
Ngoài ra, các ngân hàng đang nắm giữ số lượng nợ xấu cao trong hệ thống gồm: Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh vượng (VPBank), nợ xấu tương ứng hơn 10.420 tỷ đồng; Ngân hàng Thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam (VietinBank) nợ xấu khoảng hơn 8.950 tỷ đồng; Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) nợ xấu hơn 7.690 tỷ đồng; Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB) hơn 4.180 tỷ đồng.
"Việc Ngân hàng Nhà nước cho phép ngân hàng giữ nguyên nhóm nợ làm cho bức tranh nợ xấu chưa phản ánh đúng thực tế. Các ngân hàng không phải trích lập dự phòng, làm giảm chi phí dự phòng, gia tăng lợi nhuận nhưng rủi ro cũng tăng lên", báo cáo của Công ty Chứng khoán BOS cho biết.
Theo Thông tư 03/2021/TT-NHNN, cơ cấu thời hạn trả nợ, miễn lãi vay do ảnh hưởng dịch Covid-19 của Ngân hàng Nhà nước sửa đổi, ngân hàng thương mại được giữ nguyên nhóm nợ và cơ cấu để doanh nghiệp được tiếp tục vay (có hiệu lực ngày 17-5-2021), thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ, kể cả trường hợp gia hạn nợ phải phù hợp với mức độ ảnh hưởng của dịch và không vượt quá 12 tháng.
Tuy nhiên, chỉ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với số dư nợ đáp ứng đầy đủ các điều kiện gồm: Các khoản nợ phát sinh trước ngày 10-6-2020 từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính; phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi trong thời gian từ ngày 23-1-2020 đến 31-3-2021; khách hàng không có khả năng trả nợ gốc, lãi theo hợp đồng, thỏa thuận cho vay, cho thuê tài chính đã ký do doanh thu, thu nhập giảm bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Theo thông tin tại tọa đàm, hiện nay, 5 ngân hàng chiếm thị phần lớn về cho vay mua ô tô là VIB, Shinhan Bank, Techcombank, VPBank và TPBank. Có ngân hàng thừa nhận, nợ xấu tăng trong quý đầu năm 2020 chủ yếu đến từ khách hàng cá nhân vay mua ô tô...
Xử lý nợ xấu để đẩy mạnh hoạt động mua bán nợ
Mặc dù có nhiều lo ngại, song thực tế nợ xấu đã được xử lý khá triệt để. Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, cho rằng Covid-19 đã ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế nói chung và nguồn lực tài chính của các tổ chức cá nhân có nhu cầu mua nợ nói riêng nên việc bán các khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng đã gặp nhiều khó khăn. Đề nghị Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan có thẩm quyền sớm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về mua bán nợ, đồng thời có các chính sách ưu đãi cho các đơn vị mua, xử lý nợ xấu để góp phần đẩy mạnh hoạt động mua bán nợ.
Theo luật sư Trương Thanh Đức, các quy định pháp luật đã có tác dụng rất tốt trong việc xử lý nợ xấu, nhưng chính sách vẫn có những điểm "xấu" và vẫn cần phải hoàn thiện để bảo đảm việc xử lý nợ xấu nói chung của nền kinh tế và nợ xấu nói riêng của ngành Ngân hàng.
Ông Đoàn Văn Thắng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam - VAMC, nhận định, đại dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp hơn, nợ xấu hiện nay vẫn chưa phản ánh ảnh hưởng của dịch nhờ các chính sách giảm nợ, giãn nợ.
"Chúng tôi đề nghị Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hỗ trợ khách hàng thông qua các chính sách, có thể thời gian hỗ trợ sẽ kéo dài hơn nữa. Về phía tổ chức tín dụng, chúng tôi đề nghị tùy nguồn lực mà hỗ trợ khách hàng phù hợp. Gọi là hỗ trợ khách hàng, nhưng thực sự là tiềm năng để tổ chức tín dụng tiếp tục làm việc với khách hàng đó", ông Đoàn Văn Thắng nói.
Bà Trịnh Thị Ngân, Trưởng ban Cố vấn Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội cho rằng, giai đoạn vừa qua, tình hình kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa thực sự khó khăn mà loại hình doanh nghiệp này chiếm đến 98%.
"Chúng tôi mong ngân hàng cho nợ dài hạn hơn để có điều kiện phục hồi. Trong những tháng ảnh hưởng Covid-19, cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Bài toán muôn thuở là tài sản thế chấp, rất mong ngành Ngân hàng có những quyết sách tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội các chính sách như giảm lãi vay", bà Trịnh Thị Ngân kiến nghị.
Tới nay, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được khoảng 530.000 tỷ đồng nợ xấu. Trong đó, lũy kế từ ngày 15-8-2017 đến 30-4-2021, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được gần 350.000 tỷ đồng nợ xấu (66% số nợ) xác định theo Nghị quyết số 42/NQ-CP, đạt trung bình khoảng 8.000 tỷ đồng/tháng, cao hơn khoảng 2 lần so với kết quả xử lý nợ xấu nội bảng (54%), ngoại bảng (21%) bán cho VAMC (25%). Trong đó, khách hàng tự nguyện trả nợ 150.000 tỷ đồng, gấp đôi thời điểm trước Nghị quyết 42/NQ-CP có hiệu lực.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.