Sáng 5/4, Bộ đội Biên phòng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết đã quy tập 9 ghe bầu và 7 sà lan hút cát trái phép tại sông Mỏ Nhát (xã Phước Hòa, huyện Tân Thành) về neo đậu tại cảng Hà Lộc (TP Vũng Tàu). Nguyên nhân khó quy tập những phương tiện vi phạm là do chủ sở hữu chống đối, bất hợp tác.
Trước đó, 1h30 ngày 4/4, người dân sống gần hiện trường nghe tiếng động cơ ghe chạy gấp gáp vào khu vực đùng tôm cá của họ. Một chiếc canô của bộ đội biên phòng bám sát phía sau hai chiếc ghe này.
Khi đuổi kịp, chiếc canô bị ép vào giữa, không thể vượt lên. Hai canô khác của bộ đội biên phòng xuất hiện, chặn đầu, liền bị ghe cát lao thẳng vào. Ngay sau khi tránh được, các chiến sĩ biên phòng nổ một loạt phát súng chỉ thiên, đồng thời kêu gọi nhóm người trên ghe hợp tác. Tuy nhiên, nhiều người trên các ghe này đã lao xuống sông bỏ trốn.
Cùng lúc, ở những hướng khác, hàng chục chiến sĩ biên phòng cũng vây bắt các ghe hút cát trái phép. Ít nhất 3 chiếc đã lao lên bờ, mắc cạn, người trên ghe bỏ trốn.
Trung tá Lê Văn Sáng, trưởng Trạm biên phòng cảng Cái Mép cho biết, mặc dù đã mật phục và tấn công bất ngờ, song những chiếc ghe cát công suất lớn tháo chạy với tốc độ cao nên lực lượng chức năng phải bắn nhiều phát súng chỉ thiên mới có thể khống chế.
Hơn chục canô được huy động để các chiến sĩ dàn trận vây bắt "cát tặc". Ảnh: Xuân Mai |
"Những người điều khiển ghe, sà lan khá manh động và thành thạo địa bàn nên tháo chạy rất nhanh. Lệnh là phải quyết liệt, song chỉ huy cấp trên đã yêu cầu chúng tôi phải tuyệt đối bảo đảm an toàn tính mạng cho các chiến sĩ, người dân và cả những người vi phạm", ông Sáng nói và cho biết do "cát tặc" chống đối nên đến tối cùng ngày mới đưa được các phương tiện vi phạm về điểm neo đậu.
Theo đại tá Trần Công Hiểu, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, kế hoạch vây bắt "cát tặc" có từ lâu. Đã có nhiều đợt xuất quân bắt giữ nhưng khi canô công vụ áp sát hiện trường đều bị họ phát hiện, tháo chạy. Lần này, hơn 50 chiến sĩ được huy động, cắt cử mật phục, theo dõi từ nhiều hướng rồi đồng loạt tấn công.
"Đây là địa bàn có đường ống dẫn khí quan trọng đi qua nên việc khai thác cát gây rất nhiều nguy hiểm", đại tá Hiểu cho hay.
Điều tra ban đầu xác định, khu vực cát tặc lộng hành là cảng nội địa thuộc diện tích đã được quy hoạch và một công ty đang quản lý, san lấp để xây dựng khu Công nghiệp Phú Mỹ. Ước tính, mỗi chiếc ghe hút khoảng 25 khối cát trong vòng 30 phút. Sau đó bơm lên xà lan có sức chứa từ 700 đến 1.000 khối, bán giá 40.000 đồng một khối. Với 7 chiếc xà lan này, hàng đêm đầu nậu vận chuyển lên Sài Gòn khoảng 5.000 khối cát, bán giá gấp đôi, thu về hàng trăm triệu đồng.
Người dân tại khu vực cho biết, nạn "cát tặc" diễn ra hơn chục năm qua. Trước đây họ chỉ khai thác ở giữa sông, khi hết nguồn cát thì lấn sát vào khu vực đùng nuôi hải sản của dân. Thông thường họ khai thác vào ban đêm, còn ngày nghỉ, cuối tuần hoặc lễ, tết hoạt động luôn cả ban ngày.
Khi hàng trăm nghìn khối cát bị hút đi cũng là lúc hàng trăm đoạn đê bao đùng nuôi tôm của các hộ dân sạt lở. Ô nhiễm môi trường cũng khiến tôm cá chết hoặc không thể phát triển. Còn mỗi khi vỡ đê thì người dân phải chịu cảnh trắng tay do tôm cá tràn hết ra sông./.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.